Để có được những quả sấu tươi ngon bán cho khách hàng, nhiều người phải lao động cật lực từ lúc tờ mờ sáng, dù biết nguy hiểm đến tính mạng nhưng vì miếng cơm họ không còn lựa chọn nào khác.
Hàng năm, cứ đến mùa sấu, trên các con đường như Phan Đình Phùng, Trần Phú (Hà Nội) lại tấp nập kẻ bán, người mua. Theo ghi nhận, chỉ trên một đoạn đường ngắn, có đến hàng chục người với những túi sấu to, nhỏ khác nhau được bày bán. Tất cả họ chỉ là những tiểu thương theo mùa, còn công việc chính vẫn là đánh giày, bán hàng rong, bốc vác thuê.
Chị Ánh Tâm (SN 1993, quê Thanh Hóa) chia sẻ, công việc chính của chị là đánh giày, nhưng khoảng tháng 6, tháng 7 hàng năm chị lại có mặt ở phố Phan Đình Phùng để bán thứ đặc sản Hà Nội. Công việc làm tiểu thương theo mùa này đã gắn với chị được 7 năm trời và thu nhập hàng ngày cũng tốt hơn là việc đi đánh giày.
Vẫn biết nguy hiểm nhưng nhiều người bất chấp để hái sấu vì cho thu nhập cao hơn công việc họ đang làm. Ảnh: Nam Nguyễn.
Để lấy được quả sấu, chồng chị phải thức dậy từ 4 giờ sáng, chuẩn bị đồ nghề và đi trèo sấu. “Chúng tôi gọi là “lộc trời” vì không mất tiền mua, mà cũng chẳng có ai đuổi khi chúng tôi trèo sấu. Với những người quản lý, vài quả sấu chẳng đáng là bao, còn với chúng tôi đó là kế sinh nhai, là cuộc sống, miếng ăn của 4 con người. Hơn nữa, nếu chúng tôi không lấy sấu già, chín rụng xuống đường, hè phố rất mất vệ sinh”, chị Tâm chia sẻ.
Công việc trèo sấu thường được bắt đầu khoảng 5h sáng, lúc đó thời tiết vừa mát mẻ, cây ẩm vì có chút xương đêm nên dễ trèo, quan trọng hơn nữa là không ảnh hưởng đến người đi đường. Sau khi trèo xong, nhiều người nhập sỉ cho các tiểu thương khác, nhiều người ngồi lại ngay dưới những gốc sấu để bán lẻ cho người đi đường.
Những quả sấu tươi ngon chủ yếu được bán lẻ cho người đi đường.
Dù được gọi là “lộc trời”, nhưng để hái được quả sấu chẳng phải ai cũng dám làm. Anh Huy (quê Nam Định) cho biết, ngoài chuẩn bị những dụng cụ như móc sắt, thì người trèo sấu phải có tâm lý tốt mới dám trèo. Ngoài ra, họ cũng chấp nhận rủi do vì chỉ “sảy một ly là đi mạng sống”. Theo chia sẻ, điều may mắn nhất là từ trước đến nay chưa từng có vụ tai nạn trèo sấu nào xảy ra tại đây.
“Chúng tốt biết là nguy hiểm, nên phải chuẩn bị kỹ lưỡng mọi thứ từ dụng cụ, dây thừng, đai thắt ăn toàn, vì nếu nhỡ nhàng là sẽ hỏng việc. Thực chất, chẳng biết làm gì chúng tôi mới phải “bán mạng” như vậy, hơn nữa thu nhập thời vụ cũng khá hơn đi đánh giày, bán bóng”, anh Huy nói.
Đa số sấu được hái xuống sẽ bán hết trong ngày để đảm bảo độ tươi ngon.
Điểm cộng với những quả sấu được bán tại đây là rất tươi, nhiều quả vẫn còn đang chảy nhựa nên khách mua rất thích. Hơn nữa, sấu được hái ở những cây già sẽ ngon hơn là sấu giống mới hiện nay, vì thế số lượng sấu hái bao nhiêu sẽ được tiêu thụ hết bấy nhiều.
Được biết, giá mỗi cân sấu tại đây được bán khoảng 20.000-25.000 đồng/kg, nếu đã gọt vỏ thì sẽ có giá 30.000 đồng/kg. “Chúng tôi bán sấu còn rẻ hơn ngoài chợ, mỗi kg sấu mất rất nhiều công mới hái được nhưng thực tế tiền thu về chưa bằng một bát phở”, anh Huy nói.
Trường hợp sấu bán hết mà vẫn còn sớm, những người bán sấu ở đây đã chuẩn bị sẵn đồ nghề để trèo lấy sấu bán tiếp.
Dù đông người bán nhưng cũng có vạn người mua, do đều là người cùng cảnh nên mọi người chẳng bao giờ to tiếng hay cạnh tranh nhau, ai có duyên thì bán được nhiều. Có người một ngày bán được gần 1 tạ sấu, nhưng cũng có hôm ngồi cả ngày chỉ bán được vài cân.
Sau khi bán xong, những nơi bán sấu, trèo sấu trên các tuyến phố luôn được dọn dẹp gọn gàng, sạch sẽ để không ảnh hưởng đến người đi bộ và tham gia giao thông.