Đây chỉ là nghề phụ nhưng mỗi lần đi hái “lộc rừng” người dân nơi đây có thể kiếm được cả triệu đồng. Sau những tháng mùa mưa, nhiều hộ gia đình có thể kiếm được cả trăm triệu đồng.
Mùa mưa, những loại cây họ tre bung bật những chồi măng non lên khỏi mặt đất cũng là lúc thời gian thu hoạch vụ mùa đã hết. Giữa lúc nông nhàn, bà con rủ nhau lên rừng đào măng về phơi, kiếm thêm thu nhập.
Mùa mưa là mùa các loại măng thi nhau bật lên khỏi mặt đất, sinh sôi, nảy nở.
Mới sáng sớm, hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Tèo và bà Chiêm Thị Vân, trú tại xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú (Bình Phước) đã cùng nhau lên rừng “ăn măng”. Với đôi ủng cao tới gối, bộ quần áo lao động đã cũ, lấm lem bùn đất, họ mang theo dao, cuốc, nước, cơm nắm… men theo những con đường nhỏ để lên rừng.
Đường lên rừng đã khó, tìm và hái được ngọn măng còn khó hơn nhiều. Chỉ những người quen “thổ” như vợ chồng ông Tèo mới biết chỗ nào có măng để lấy.
Đứng trước bụi tre rậm rạp to cỡ nửa gian nhà, hàng trăm cây tre chi chít đan vào nhau khiến hàng chục cây măng không còn chỗ chen, mọc chìa cả ra ngoài khoảng đất bên cạnh. Lập tức, bà Vân liền đặt gùi xuống, tay trái bẻ nghiêng ngọn măng, tay phải cầm dao chặt măng rồi dóc ngược từ ngọn xuống. Lớp bỏ măng rơi xuống đất, còn lại lớp lõi được bà nhẹ nhàng cho vào gùi.
Những cây măng được bỏ hết lớp vỏ để vận chuyển được dễ dàng.
Nhiều khi, cây măng nằm sâu trong bụi tre, gai tre rừng cào chi chít cánh tay, lông măng bám ngứa cả mặt nhưng ông bà vẫn cố cuốc cho được cả gốc măng. Theo ông Tèo, gốc măng càng đặc thì cây măng càng nặng, ăn ngon và giá bán cao hơn những gốc măng đã mọc cao và dài.
“Hôm nào đi sớm, tìm được bụi tre có nhiều măng thì chỉ nửa ngày là đầy gùi mang về, cũng có hôm phải đi đến tối mịt vẫn chưa đủ chuyến”, bà Vân nói.
Măng hái được, hai vợ chồng ông Tèo, bà Vân lại gùi ra cửa rừng rồi cho vào bao tải, dùng xe máy thồ về rồi mang luộc, phơi khô để bảo quản và bán tết.
Lấy măng về, bà Vân sẽ tiến hành luộc rồi phơi khô để Tết bán.
Bà Vân cho hay, mùa này măng tươi nhiều, bán không hết trong khi dịp Tết không phải là mùa măng thì nhu cầu lại tăng cao, gấp 2-3 lần mùa mưa. Vì vậy, cứ đến mùa măng, ông bà lại đi hái măng và mua gom của các hộ lân cận để làm măng khô, đợi đến Tết rồi bán.
Hàng tuần, ngoài những buổi tranh thủ thời gian nghỉ trưa khi đi làm rẫy, cả ông bà lại vào rừng từ sớm tinh mơ để hái măng 2 ngày, mỗi ngày thu về từ 60-70kg măng tươi. Cùng với số măng thu gom trong làng về rửa, bóc, luộc, đem tách thành tấm phơi nắng, ông bà thu được khoảng 9-10kg măng khô.
Theo ông Tèo, giá bán măng tươi đúng vụ 25.000/kg, 250.000 đồng/kg măng khô nhưng vào dịp Tết có thể bán được từ 450-500.000 đồng/kg. Mỗi vụ măng kéo dài từ 6-7 tháng, gia đình ông phơi được khoảng 2-3 tạ măng khô, thu về khoảng hơn 100 triệu đồng.
Nhờ lấy măng rồi phơi khô mang bán Tết mà mỗi năm gia đình ông Tèo, bà Vân có thu nhập cả trăm triệu đồng.
Bà Làu A Sáng, trú tại xã Tiến Thành (Đồng Xoài, Bình Phước) cho biết, măng rừng từ lâu đã là món ăn ngon được sử dụng trong bữa ăn hàng ngày. Măng khô rừng tự nhiên có vị ngọt đậm, thơm giòn, dai mềm, dày tấm luôn được lùng mua với giá cao.
“Măng tươi được ưa chuộng bởi có thể chế biến thành nhiều món. Có thể luộc rồi thái miếng dày vừa đủ, trộn với đậu phộng rang ăn cùng rau húng quế. Măng khô có thể nấu canh hoặc xé miếng rim cá nục, xào lá mắc mật, hay kho chay... Đặc biệt, măng rừng còn được đồng bào S’Tiêng chế biến thành món măng nướng để làm món ăn đãi khách quý”, bà Sáng cho hay.
Măng tươi mọc tự nhiên trong rừng, chỉ cần bỏ công đi đào về rồi mang bán hoặc sấy khô cũng có thể kiếm được từ vài trăm đến cả triệu đồng/ngày. Nhờ đi hái măng rừng, nhiều hộ dân nơi đây có thêm nguồn thu nhập đáng kể ngoài công việc hàng ngày là đi cạo mủ cao su và đi rẫy.