Sống trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai bão lũ, người dân miền Trung tự tìm ra những cách để bảo vệ, gia cố tài sản, đảm bảo an toàn tính mạng mỗi mùa mưa bão.
Dải đất miền Trung quanh năm phải đối mặt với thiên tai và những hiện tượng thời tiết cực đoan, mùa nắng nóng khô hạn cháy da cháy thịt, mùa mưa bão ngập lụt khắp nơi. Những tháng cuối năm, miền Trung bước vào mùa mưa lũ, những tin bão gần bờ khiến người dân cả nước hoang mang, lo lắng. Nhưng với bà con miền Trung có lẽ đây là điều quá quen thuộc, bão đến rồi đi, dù lo lắng nhưng người dân không còn cách nào khác ngoài việc phải đối mặt và vượt qua.
Cơn bão Noru (bão số 4) đang tiến sát vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ kéo theo nhiều lo lắng với những cảnh báo rủi ro thiên tai ở cấp độ 4, một mức hiếm khi được đưa ra trên thang đo cảnh báo thiên tai. Bão Noru được nhận định là cơn bão lớn trong vòng 20 năm qua, với sức gió mạnh nhất khi đổ bộ vào đất liền có thể lên đến cấp 12 - 13, giật cấp 16.
Hình ảnh mây vệ tinh cho thấy rõ mắt bão Noru khi đang tiến vào đất liền nước ta
Dự báo vào chiều tối ngày 27/9, bão Noru sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển khu vực Trung Bộ, trọng tâm là từ Quảng Trị đến Bình Thuận, gây mưa lớn tập trung ở Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Tây Nguyên. Vào sáng sớm ngày 28/9, bão Noru đổ bộ vào đất liền, khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam,…
Ngay từ khi tiếp nhận thông tin về cơn bão Noru và đánh giá mức độ ảnh hưởng, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương thuộc vùng chịu ảnh hưởng của bão Noru lên phương án cụ thể sơ tán người dân, chuẩn bị lương thực, thực phẩm thiết yếu sẵn sàng trong 7 ngày, thực hiện cấm biển đối với ngư dân, cho học sinh nghỉ học, khuyến cáo cấm người dân ra đường. Các tỉnh miền Trung nằm trong khu vực cơn bão Noru quét qua dự tính sơ tán khoảng 870.000 dân để ứng phó, hạn chế tối đa thiệt hại về người và của.
Mỗi mùa mưa bão, người dân miền Trung lại có thêm những kinh nghiệm phòng chống thiên tai. Cứ đến hẹn lại lên, nó như trở thành "kịch bản cũ" dù chẳng ai muốn phải vào vai. Bà con những ngày này khi nghe tin bão lớn bắt đầu chằng chống, gia cố nhà cửa. Nhà làm tấm lưới thép cho mái ngói, chèn thêm bao cát để mái tôn đỡ bay, sửa lại cửa chắc chắn hơn, di chuyển những món đồ có giá trị đến nơi an toàn…
Tại miền Trung, đa số nhà dân nào cũng sẽ có một khu vực như căn phòng thu nhỏ, được làm bằng gỗ sát mái nhà, bình thường sẽ sử dụng để đựng ngô lúa, đến mùa mưa bão trở thành nơi trú ẩn khi nước lũ dâng cao.
Thậm chí người dân còn “cẩn thận” ghi tên lên mãi tôn nhà mình, để lỡ có bị gió cuốn bay đi cũng biết đường tìm lại. Những hình ảnh trông vừa thương vừa lo giữa mùa mưa bão, nhưng người dân miền Trung trong gian khó vẫn luôn lạc quan như vậy. Bên cạnh gia cố nhà cửa, người dân cũng đang gấp rút chuẩn bị lương thực, thực phẩm, thuốc men...
Người dân miền Trung ghi tên lên mái tôn để lỡ bị gió bão cuốn bay đi cũng dễ tìm
Muôn kiểu chằng chống nhà cửa đón bão lớn của người dân miền Trung
Một mùa mưa bão nữa lại đến, người dân miền Trung oằn mình chống bão còn đồng bào ở khắp nơi đang ngày đêm hướng về miền Trung. Nhiều lực lượng, ban ngành từ Trung ương đến địa phương cũng đang gấp rút, tập trung cho công tác phòng chống bão, mọi ưu tiên hiện tại là những phương án triển khai nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và của khi bão đến.
Theo thông tin câp nhật mới nhất về cơn bão Noru, vào sáng 27/9, tâm bão cách đất liền Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng 360km, sức gió mạnh nhất đạt cấp 14-15, giật cấp 17. Từ đêm 27/9 đến sáng 28/9, vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định có gió mạnh cấp 12 - 13, sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão cao 6-8m. Khu vực Quảng Bình - Quảng Ngãi nước dâng 3-4m, nguy cơ ngập úng ở vùng trũng, thấp, ven biển, cửa sông.
Khu vực ảnh hưởng của bão Noru là 9/14 tỉnh thành miền Trung, trong đó Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quãng Ngãi và Bình Định là 5 địa phương được dự báo chịu tác động bão mạnh nhất.