Ông Chương được người dân xứ Ninh Kiều gọi bằng biệt danh vô cùng thân thương: ông bụt của đàn chim trời.
Ghé đại lộ Hòa Bình (Ninh Kiều, Tp. Cần Thơ), ai cũng choáng ngợp trước cảnh người đàn ông gầy guộc, tóc đã điểm bạc ngồi vung thóc cho chim trời (chim bồ câu) ăn. Đó còn là hình ảnh quen thuộc đối với người dân thành phố hơn chục năm qua.
Người đàn ông ấy tên Chương (62 tuổi), không vợ con, làm nghề bán vé số và bắt tay thực hiện công việc lặng thầm này suốt 12 năm qua. Ông luôn cảm thấy hãnh diện những gì bản thân đã và đang làm cho đàn chim dù không phải trách nhiệm hay nhiệm vụ phải hoàn thành.
Ông Chương luôn cảm thấy hãnh diện những gì bản thân đã và đang làm cho đàn chim dù không phải trách nhiệm hay nhiệm vụ phải hoàn thành. (Ảnh: Bạch Cúc - Thanh Sơn)
Bởi vậy, ông Chương được người dân xứ Ninh Kiều gọi bằng biệt danh vô cùng thân thương: ông bụt của đàn chim trời. Ông đã không ngần ngại tiếp nhận sự yêu mến của mọi người, lấy đó làm động lực để cố gắng cho hành trình chăm sóc đàn chim. Thậm chí, ông chính là người truyền cảm hứng đến người dân để mỗi người đều thấy bản thân cần có trách nhiệm với việc chăm sóc đàn chim.
Ông Chương tâm sự: “Mỗi ngày tôi bán vé số đều trích ra 100.000 đồng để mua thóc cho đàn chim trời. Còn lại người dân sẽ đem đến ấy ủng hộ, nhờ tôi cho ăn giúp.
Xưa tôi cho chúng ăn hết tầm 10kg thóc/ngày, giờ lên tới 16-17kg/ngày. Điều đó chứng tỏ chúng ngày càng nhiều hơn, muốn ghé tới nơi đất lành này để sinh sống. Nhờ đó, khách du lịch sẽ biết đến quận Ninh Kiều, tìm đến để “mục sở thị” hoặc trải nghiệm việc cho chim ăn”.
Ông bán vé số được tiền liền trích ra mua thóc cho đàn chim trời.
Vừa dứt lời, ông Chương bỗng trầm ngâm một hồi như nghĩ về quá khứ bén duyên với nghề chăm sóc chim trời. Ông kể rằng trước bán bánh bò dạo, cứ đến buổi trưa sẽ ngồi nghỉ tại góc đường trước cửa Bưu điện thành phố. Ông lấy bánh ra ăn liền thấy vài con chim đứng sát cạnh. Ông liền cho chúng ăn vì cho rằng cũng đói bụng.
Vài ngày sau, đàn chim trời sà xuống xin bánh của ông ngày càng nhiều. Ông sẵn sàng chia sẻ dù bản thân không khấm khá là bao. “Tôi đã hình thành thói quen cho chúng ăn mỗi ngày. Tôi bán được bao nhiêu tiền đều trích ra một ít để mua lúa, gạo cho chúng ăn.
Chúng còn thích thưởng thức bánh bò nhưng phải là loại để trong tủ lạnh. Khi ấy bánh cứng, mổ dễ chứ bánh mềm ăn sẽ bị dính mỏ. Giờ tôi không bán bánh bò nữa nhưng thi thoảng vẫn mua 1-2 bọc “đổi bữa” cho chúng”, ông Chương hài hước nói.
Hằng ngày, ông Chương tranh thủ đi bán vé số, chỉ mong khách hàng mua hết cọc vé để được về với “đàn con” ngoài đại lộ. Ông thừa nhận bản thân coi đàn chim trời như con nhỏ, chỉ cần xa một chút là nóng lòng, lo ai đó sẽ hại chúng.
Ông Chương coi chúng như "đàn con".
“Chúng như con nít vậy! Tôi phải trông coi cả ngày, còn đêm chúng sẽ đậu trên ban công các phòng ở tòa khách sạn lớn ở bên hông.
Tôi nhiều lúc giới thiệu với người dân ghé tới ngắm nhìn đàn chim trời rằng cuộc sống của chúng sung sướng, tự do tự tại không ai sánh bằng. Chúng được ngủ ở khách sạn, ăn đồ sạch đúng cữ, khát thì bay đến hồ nước nhỏ uống”, người đàn ông miền Tây tâm sự.
Ông Chương cũng tiết lộ rằng dù chúng có cuộc sống “hoàn hảo” nhưng không tránh khỏi nạn săn bắt chim. Vài năm đầu chúng bị bọn trộm rình săn, cứ hở ra là bắt đem bán cho các nhà hàng, quán ăn. Ông thấy vậy sốt ruột, liền nhờ cơ quan chức năng giúp đỡ mới có thể đảm bảo sự an toàn.
Giờ đây, nạn săn chim trộm không còn nhưng ông Chương vẫn không hết lo nghĩ đến “đàn con”. Ông sợ chúng mắc bệnh không qua khỏi, sợ gặp tai nạn dẫn chết tử vong hoặc què quặt. Vì thế mỗi lần cho chúng ăn thóc, ông đều tâm sự với chúng về nỗi lo của chính mình.
Đàn chim trời đậu trên cửa sổ khách sạn.
“Tôi còn sợ chúng không có nơi đậu hoặc phải đi xa tìm chỗ đậu nên đã ngỏ ý với chủ khách sạn giúp đỡ, để chúng đậu ngay ban công các phòng trong khách sạn. Họ tốt nên đồng ý, thậm chí còn thuê người đến dọn dẹp phân của chúng.
Tôi luôn cảm thấy bản thân không cô đơn trong hành trình dành cho đàn chim trời. Bởi giờ đây có rất nhiều người ở thành phố này sẵn sàng đồng hành cùng tôi. Tôi sẽ tiếp tục chăm sóc chúng đến khi nào nằm xuống”, ông Chương bộc bạch.