“Nếu có trêu vui về cái tên Ẻo, chỉ bạn bè trong lớp hoặc giáo viên thi thoảng bông đùa vài câu thôi. Còn đi làm, đồng nghiệp chưa bao giờ có ý kiến gì về cái tên của tôi cả", người đàn ông tâm sự.
Tên dùng để phân biệt giữa người này với người kia, xưng hô giao tiếp trong cuộc sống. Nó còn ảnh hưởng rất nhiều đến vận mệnh của một người bởi sẽ phản ánh toàn bộ cuộc đời cũng như số phận của người đó. Vì thế bậc phụ huynh thường đặt cho con những cái tên thật đẹp, thật ý nghĩa để làm hành trang vô giá bước vào đời. Song không ít người lại sở hữu cái tên độc lạ chẳng giống ai, điển hình như người đàn ông sinh năm 1980 ở Phú Cường (Tân Lạc, Hoài Bình) dưới đây.
Không dám lấy gái làng khác vì cái tên… xấu
Vừa cất tiếng khóc chào đời, bố mẹ đã quyết định đặt tên cho con trai là Đinh Công Tiện – cái tên vô cùng mĩ miều và ý nghĩa. Nhưng anh “Tiện” lại không được khai sinh ngay vì một số lý do khách quan. Do vậy vậy theo năm tháng, mọi người đã gọi anh là Ẻo bởi dáng người gầy nhỏ…
“Đến 10 tuổi, mọi người trong làng lẫn bố mẹ đều gọi tôi là Ẻo, thành ra quên mất cái tên Tiện năm xưa nên đã khai sinh là Đinh Công Ẻo”, người đàn ông quê Hòa Bình nói.
Sau đó Đinh Công Ẻo từ từ cho biết, anh là con thứ 5 trong gia đình có 8 anh chị em. Tuy nhiên chỉ mình anh sở hữu cái tên vừa độc vừa lạ vừa ẻo này. “Hồi xưa, tôi thuộc dạng đào hoa nhất nhì làng. Trong đám cưới người bạn, có cô gái xinh xắn để mắt đến tôi. Nhưng đứng chuyện trò qua lại tôi không dám giới thiệu mình tên Ẻo.
Tôi sợ cô ấy biết tên thật của tôi sẽ hết tình cảm với mình. Tôi phải nói hết chuyện này đến chuyện khác để cô ấy không có cơ hội hỏi tên tôi là gì”, anh Đinh Công Ẻo nhớ lại.
Gia đình anh Đinh Công Ẻo.
Qua một vài người bạn, cô gái xinh đẹp đã biết tên của chàng trai ấy là Ẻo. Và cái kết cả hai chẳng đi đến đâu. “Anh Ẻo không lấy vợ làng khác vì sợ bị con gái chê tên xấu nên phải về lấy gái làng. Xưa đi tới đâu, mọi người hỏi tên chồng, tôi xấu hổ lắm. Ở xứ này, nhiều cụ già không đọc được tên anh Ẻo đâu”, chị Hoan (SN 1983) – vợ Đinh Công Ẻo vui vẻ nói.
Chưa khi nào trách bố mẹ đặt tên là Ẻo
Sau khi lấy chị Hoan và sinh được 2 bé, Đinh Công Ẻo đã tham gia lớp học bổ túc tại thành phố Hòa Bình. Đó là thời gian anh có nhiều kỷ niệm vui với cái tên cả tỉnh chỉ có một mình anh có.
“Trong một tiết học, cô giáo do mới chuyển về trường, chưa quen với tên tôi nên gọi bạn Đinh Công Cỏ lên bảng. Do không đúng tên nên tôi vẫn ngồi yên, còn cả lớp thì cười.
Ban đầu cô giáo không biết nguyên nhân nhưng khi nhìn lại sổ điểm biết nhầm nên cô cũng cười theo đầy ngượng ngùng. Tôi không kiềm chế nổi nên cũng bật cười”, anh Đinh Công Ẻo cho hay.
Với tên gọi khá độc lạ, tiết học nào ở lớp, người đàn ông cũng được thầy cô gọi lên bảng. Sau này khi về quê công tác, với những cuộc giao lưu hay buổi tập huấn trên huyện, thành phố… người ta thường nhắc đến câu chuyện xung quanh cái tên của vị trưởng thôn Ẻo.
“Nếu có trêu vui về cái tên Ẻo, chỉ bạn bè trong lớp hoặc giáo viên thi thoảng bông đùa vài câu thôi. Còn đi làm, đồng nghiệp chưa bao giờ có ý kiến gì về cái tên của tôi cả.
Sau khi lấy chị Hoan và sinh được 2 bé, Đinh Công Ẻo đã tham gia lớp học bổ túc tại thành phố Hòa Bình.
Một số người thay vì gọi tôi là anh Ẻo lại gọi là anh Huệ - tên của con gái lớn. Tới đứa thứ 2, tôi không dám đặt tên cho con nữa, đành nhường trọng trách cao cả cho anh chị em trong nhà. Họ đã đặt cháu là Đinh Thu Hoài – cái tên rất mĩ miều. Bản thân thôi chưa khi nào trách bố mẹ đặt tên mình là Ẻo đâu”, anh Đinh Công Ẻo tâm sự.
Cũng theo người đàn ông Hòa Bình, thế hệ 8X có tên xấu như anh không phải “của hiếm”. Bởi đó là một phần thuộc phong tục tập quán của địa phương, đặt tên con xấu để không bị ốm đau, không bị ma bắt.