“Xem mặt” thôi chưa đủ, có không ít bạn học còn tò mò đến mức Ánh Dương đang đi đường chặn xe lại rồi hỏi bạn có phải tên như thế không? Sau đó họ giật tóc trêu đùa và thắc mắc tại sao lại có cái tên dài như thế.
Cách đây 36 năm, một bé gái vừa chào đời đã gây chấn động làng quê Bắc Bộ bởi sở hữu cái tên dài ngoằng – Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương (Đại Từ, Thái Nguyên). Người trong làng đi ra ngoài làm ăn, vui chơi hay công tác đều được thiên hạ hỏi thăm về Ánh Dương cũng như “số phận” của cái tên này.
Cô gái có cái tên dài ngoằng “chứa đựng” bao nhắn nhủ của người bố
Ông Đào Sinh Hoạt – bố ruột Ánh Dương tâm sự: “Tôi hay nghe đài, mỗi lần thấy tên hay là ghi lại. Khi vợ sinh con đầu lòng, tôi ưng tên Hải Yến nên đặt luôn là Đào Hải Yến. Đến thằng thứ 2, tôi nghĩ đất nước có nhiều sự kiện trong đại liền đặt Đào Trọng Đại”.
Hai con đầu sở hữu cái tên ngắn gọn và ý nghĩa thì đến con gái thứ ba, ông Hoạt quyết định đặt cái tên vừa dài vừa độc lạ xuất phát từ nhiều lý do. Ông bảo ngày đó hai vợ chồng thường xuyên nghe kể truyện đêm khuya thấy tên một nhân vật là Bàng Thị Lung Linh Kim Ánh Hoa. Hơn nữa ngày ông đi đào vàng ở Lào Cai, trong vùng có một cô gái xinh đẹp tên dài và có đuôi là Kim Nguyệt Nga nên càng muốn đặt tên con dài một chút.
“Nói là nói thế nhưng thực ra tôi đặt tên con dài là mong muốn nó có một tương lai sán lạn, khi đi học nhất định sẽ được thầy cô giáo chú ý. Tôi cũng muốn cái tên của con sẽ mang lại vận may trong quá trình tôi đi đào vàng”, ông Hoạt từng tiết lộ.
Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương.
Và không phụ lòng mong mỏi của ông Hoạt, Ánh Dương khi lớn lên luôn thu hút sự chú ý mỗi khi xuất hiện. “Ai nghe họ tên đầy đủ của cái Dương cũng bắt tôi hoặc nó đọc đầy đủ, đọc đi đọc lại vài lần để họ học thuộc bằng được. Thậm chí không ít người còn lấy tên con gái tôi đặt cho con họ nhưng có cắt đi vài từ cho ngắn gọn”, người đàn ông xứ chè nói.
Vừa dứt lời, ông Hoạt tiếp tục “khoe” bản thân cũng sở hữu cái tên độc lạ. Ông bảo tên khai sinh của ông là Văn Hoạt nhưng ngày còn đi học, cứ đến thứ Bảy hằng tuần có tiết sinh hoạt, bạn bè lại trêu đùa chế thành Sinh Hoạt. Từ đó ông quyết định đổi tên mình thành Sinh Hoạt cho độc và ý nghĩa.
Luôn gây ấn tượng với bạn bè và thầy cô
Ngày đi học, Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương luôn được các giáo viên lấy làm lạ và chú ý. Những lần kiểm tra miệng, chị luôn là học sinh được gọi lên bảng nhiều nhất. Thậm chí trong sinh hoạt tập thể, cái tên của chị cũng đủ khiến mọi người phải ồ lên mỗi khi được xướng đầy đủ.
“Ngày trước em ấy hay được mọi người tới “xem mặt”, các bạn khóa sau cũng không bỏ qua cơ hội được gặp cô bé có cái tên vừa dài vừa dạ”, cán bộ văn thư của trường THPT Đại Từ - nơi Ánh Dương theo suốt 3 năm cấp III tâm sự.
“Xem mặt” thôi chưa đủ, có không ít bạn học còn tò mò đến mức Ánh Dương đang đi đường chặn xe lại rồi hỏi bạn có phải tên như thế không? Sau đó họ giật tóc trêu đùa và thắc mắc tại sao lại có cái tên dài như thế.
Lên đại học, cô gái Thái Nguyên tiếp tục gặp phải những rắc rối đến từ chính cái tên gọi của mình. Chị kể rằng nhiều sinh viên kéo đến giảng đường, vào thư viện chỉ để xác minh người sở hữu cái tên dài đó là ai?
Bằng tốt nghiệp đại học của Dương phải viết tắt 3 kí tự, tên dài đã khiến chị gặp không ít rắc rối về thủ tục giấy tờ.
“Có lần đi thi, cô giáo đọc tên vừa nhìn tôi vừa cười như thấy vật thể lạ. Lúc vào thi, cô lại đến gần hỏi han khiến tôi làm bài thi chậm hơn các bạn. Đã vậy, cứ một lúc lại có một vài giáo viên đến chỉ trỏ, bàn tán về tôi. Thế thì làm sao tập trung làm bài được? Khổ chứ sung sướng nỗi gì”, chị Dương nhớ lại.
Có cái tên dài nên mỗi khi bạn bè gọi tên cô đều không gọi hết cả. Có người gọi Dương, người lại Long Lanh, người thì Ánh Dương… Thậm chí một số bạn bè còn hay gọi bằng biệt danh Tên dài ơi! Lúc ấy, chị biết họ gọi mình nên tên nào cũng thưa.
“Vì cái tên dài ấy mà nó cũng khó xin việc, học kế toán nhưng ra trường làm công nhân. Ông chủ người Hàn Quốc khi nghe tên nhân viên của mình cũng tò mò tới xem mặt”, ông Hoạt nói.
Gặp muôn vàn rắc rối khi làm giấy tờ tùy thân
Sở hữu cái tên dài 7 chữ đã khiến Ánh Dương gặp không ít rắc rối về thủ tục giấy tờ. Tất cả bằng cấp, giấy tờ liên quan của chị chỉ có chứng chỉ tin học, giấy khai sinh (cấp lại – PV), hồ sơ xin việc là đầy đủ tất cả các chữ trong tên. Còn lại, từ sổ hộ khẩu cho tới sổ điểm, sổ học bạ, bằng tốt nghiệp… tên của chị đều phải viết tắt một số kí tự hoặc ghi 4 chữ của tên là Đào Thị Ánh Dương để đúng số dòng quy định.
“Khi đi làm chứng minh thư nhân dân, mọi người đều bất ngờ với cái tên đã đành, lúc viết tên tôi vào chứng minh thư, cán bộ xã phải căn dòng chữ thứ hai trong chứng minh để viết cho đủ. Thế nhưng, cuối cùng chữ Kim vẫn phải viết tắt thành K”, chị Dương kể lại.
Chị Ánh Dương thời sinh viên.
Một vị lãnh đạo xã Tân Linh – nơi gia đình Ánh Dương cư trú cho biết, tên Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương dài nhất huyện Đại Từ, thường xuyên được bên bảo hiểm hỏi thăm mỗi khi ông lên họp trên huyện. Thậm chí, người này đã có tới 2 lần xử lý giấy tờ cho chị. Một lần là làm giấy khai sinh lại, một lần là làm thủ tục đăng ký kết hôn.
“Vì khoảng trống điền tên của cả 2 loại giấy tờ trên đều quá ngắn trong trường hợp này, mà lại cần viết sao cho đủ chữ và đẹp nên phải vô cùng nắn nót, cố lách ngòi bút sao cho đủ 7 chữ trên 1 dòng... Nhiều lần Dương lên xin dấu trên ủy ban nhưng chúng tôi chỉ hỏi “sao tên dài thế” và Dương cũng chỉ cười”, vị lãnh đạo nói.