"Tôi không phải người mê tín, cũng nhận thức rõ vợ mình đã chết. Nhiều người nói tôi bị tâm thần nhưng tôi không bận tâm lắm. Tôi chỉ mong bà ấy được ở bên cạnh tôi và con cháu, không phải chịu cảnh lạnh lẽo ở ngoài kia", ông Vân tâm sự.
Chuyện người đàn ông “ôm xác vợ ngủ” không còn xa lạ đối với người dân ở huyện Thăng Bình (Quảng Nam). Chỉ cần đặt chân đến vùng đất ấy, hỏi thăm gia đình ông Lê Vân (SN 1953, ngụ thị trấn Hà Lam) thì già trẻ, trai gái đều tỏ tường, vanh vách kể về những ly kì trong căn nhà ấy!
Bà Năm – một người sinh sống gần nhà ông Vân cho biết: “Ông Vân và bà Sang quen biết qua mai mối rồi nên duyên vợ chồng. Họ lần lượt sinh 7 người con, vì thế cuộc sống khó khăn càng khó khăn hơn. Ông Vân phải đi xa làm kinh tế ở Tây Nguyên, kiếm tiền gửi về cho vợ ở quê nuôi con. Tháng 2/2003, bà Sang đột ngột qua đời. Ông Vân về đến nhà chỉ kịp nhìn mặt vợ vài phút bởi đã đến giờ di quan”.
Vừa dứt lời, bà Năm tiếp tục kể, ngày ấy ông Vân suy sụp tinh thần rất nhiều. Ông day dứt về sự ra đi đột ngột của người vợ đầu ấp tay gối bao năm. Thậm chí ông còn đặt ra rất nhiều giả thuyết về cái chết của vợ. Nhiều đêm, người làng cứ thấy bóng dáng ông thẩn thơ đi quanh nghĩa trang thị trấn rồi ngủ luôn cạnh ngôi mộ chưa xanh cỏ của bà Sang.
Ông Vân và người vợ bằng tượng thạch cao do chính ông "tạo ra".
“Hồi đầu, người ta đồn rằng ông Vân đào “mật thất” dẫn sâu xuống huyệt mộ để ngủ cùng vợ. Cứ đêm tới ông ấy lẻn ra đó nằm ôm vợ rồi sáng sớm về lại nhà. Chúng tôi chẳng có ai tin cả cho đến khi ông ấy tự kể cho mọi người nghe. Con cái và hàng xóm phải khuyên nhủ ông đừng làm như vậy, hãy để bà Sang yên nghỉ. Song ông ấy đâu có nghe”, bà Vân nói.
Trước lời kể của bà Năm, chúng tôi càng tò mò hơn về câu chuyện “ôm xác vợ ngủ” của ông Vân. Chúng tôi đã tìm đến gặp người đàn ông ấy! Ông cho biết gần 3 năm nay, ông già yếu và bệnh tật rất nhiều, phải ngồi xe lăn. Song hàng ngày ông vẫn chăm chút, ômg bức tượng thạch cao mang hình hài người vợ quá cố của mình để ngủ.
Sau đó ông chậm rãi kể về giấc mơ thần bí khiến ông quyết định đưa bà Sang “trở về” nhà. Ông nhớ lại: “Đêm đó quá mệt mỏi, tôi nằm ngủ thì thấy mình đang đi tìm vợ, sau lưng có Phật bà phù hộ và hai cặp voi trắng.
Phật bà làm phép dẫn tôi bay lên, gần tới cổng trời thì gặp cặp voi đen phun lửa như hoa đăng nhưng tôi đi qua thì chúng quay vòi đi chỗ khác. Đến cánh cổng khác, tôi gặp một vị quan. Họ hỏi đi đâu thì tôi trả lời đi tìm vợ. Ông quan thổi một cái, vỗ vai tôi thì tôi rớt xuống đất, ngay cạnh phần mộ của vợ. Từ giấc mơ đó tôi quyết định đào và đưa vợ về nhà”.
Bức ảnh chụp hai vợ chồng ông Vân được treo trang trọng ngay giữa gian nhà.
Tháng 11/2004, ông Vân âm thầm vác cuốc xẻng ra nghĩa trang Hà Lam đào hài cốt của bà Sang lên rồi gói trong bao vải và giấu trong một bụi cây gần khu mộ. Sau đó ông bí mật đắp một pho tượng bằng thạch cao và xi măng có vóc dáng như người vợ quá cố. Ông còn mua thêm quần áo, tô son phấn, sơn móng cho hình nhân.
Sau khi làm xong bức tượng, ông Vân đã bỏ hài cốt của vợ vào bên trong và mang về nhà đặt lên giường để ôm ngủ hàng đêm. Con cái ông biết chuyện đã phản ứng gay gắt nhưng ông không mảy may suy nghĩ gì cả? Đặc biệt khi câu chuyện lan truyền khắp nơi, chính quyền đã yêu cầu ông đưa hài cốt của bà Sang đi an táng nhưng ông không chịu.
Gần 3 năm nay, ông Vân già yếu và bệnh tật rất nhiều, phải ngồi xe lăn.
Khi hỏi vì lý do gì mà ông quyết định đưa vợ “lên trên”, ông Vân cười bảo: “Tôi nói là làm theo giấc mơ liêu trai kia chỉ là một phần nhỏ. Còn phần lớn vì quá yêu thương bà ấy nên mới liều mình điên rồ như thế.
Tôi không phải người mê tín, cũng nhận thức rõ vợ mình đã chết. Nhiều người nói tôi bị tâm thần nhưng tôi không bận tâm lắm. Tôi chỉ mong bà ấy được ở bên cạnh tôi và con cháu, không phải chịu cảnh lạnh lẽo ở ngoài kia. Tôi đang lên kế hoạch cho sự ra đi của mình. Tôi sẽ yêu cầu các con để tôi ngủ cùng mẹ của chúng nó”.
Trong nhà ông Vân vẫn còn nhiều kỷ vật của bà Sang để lại, được ông cất giữ vô cùng cẩn thận. Đặc biệt bức ảnh chụp hai vợ chồng ông cũng được treo trang trọng ngay giữa gian nhà.
Hiện ông Vân sống cùng hai người con và một đứa cháu ngoại. Ông làm nghề hương gia truyền, hàng tuần lại chạy xe ra Hội An, thành phố Tam Kì (Quảng Nam), Đà Nẵng để bán. Khi ấy ông thường ghé vào các tiệm bán mỹ phẩm mua son phấn về trang điểm cho bà Sang.
Lãnh đạo thị trấn Hà Lam cho biết sự việc liên quan đến ông Vân đã xảy ra từ lâu, không còn ồn ào như những năm trước. Đặc biệt người dân đã quen dần và quên luôn việc phản đối. Bản thân con cái ông Vân sau thời gian thuyết phục đủ đường cũng đã “bó tay”, đành chấp nhận. Về phía công an thị trấn Hà Lam, lãnh đạo đã vận động buộc ông Vân ký cam kết không được đào mộ; đảm bảo các quy định về an táng người chết... |