"Tôi quyết định dọn ra đây ở, vừa gần cha mẹ vừa có thời gian chăm sóc mộ phần”, anh Dũng nói.
Nằm giữa cánh đồng hoang vu, nghĩa trang ở một huyện nghèo tại Quảng Ngãi nhìn bên ngoài cũng như bao nơi an nghỉ khác của những linh hồn quá cố. Song chỉ cần tiến sâu hơn, chúng ta càng thấy rõ điều lạ kỳ.
Bởi ở chốn chẳng ai muốn ghé mắt nhìn thấy lại có một người đàn ông tên Dũng tự dựng lều để có thể sống chung với mộ cha mẹ với mục đích… báo hiếu. Thậm chí anh còn gây dựng cuộc sống thường ngày của chính mình tại đó khiến không ít người khiếp đảm.
Anh Khoa – người quay clip, đưa câu chuyện “độc nhất vô nhị” của anh Dũng lên YouTube cho biết: “Người đàn ông này sống ngay tại nghĩa đĩa ở làng, giữa hai ngôi mộ của cha và mẹ. Anh ấy đã “thiết lập” cuộc sống ở đây được một thời gian dài.
Thi thoảng anh ấy lại thắp nhang cho các mộ phần trong nghĩa địa. Vì thế xóm làng không hề nói gì, âm thầm cảm ơn anh ấy”.
Căn lều dựng tạm của anh Dũng.
Sau đó anh Khoa tìm đến nghĩa địa để có hội gặp gỡ anh Dũng, dù đã liên lạc trước đó. Anh đến đầu cổng nghĩa địa, chẳng có gì khác biệt so với nơi chôn cất người mất ở mọi làng quê – vắng lặng và tĩnh mịch, chỉ có tiếng gió rít từng cơn.
Chàng trai tiến sâu, căn lều tạm được bao phủ bằng bạt xanh dần “lộ diện”, xung quanh có rất nhiều cây củi khô chất đầy với mục đích “gia cố” cho lều tránh tung bật trước mưa gió và bão lớn. Anh Dũng chia sẻ: “Tôi phải làm như thế này thì “ngôi nhà” này mới vững chãi được, tránh được mưa nắng và gió rét mùa đông. Sang hè, tôi sẽ bỏ bớt bạt đi, chứ để như thế này nóng lắm, chẳng ở nổi”.
Vừa dứt lời, người đàn ông Quảng Ngãi từ từ nhớ lại thời điểm dọn về đây sống, chăm sóc mồ mả của cha mẹ. Anh nói: “Tôi sống có một mình, bôn ba Sài Gòn mấy chục năm. Vài năm trước tôi quyết định về quê sống cuộc đời an nhàn, tránh bon chen cuộc sống phố thị.
Anh Dũng chia sẻ lý do ra nghĩa địa ở.
Vì cha mẹ mất cả rồi, tôi chẳng có chỗ nào để về, đành sống nhờ nhà ông chú. Một hôm tôi nghĩ không thể ở nhờ mãi được, cần phải tìm chỗ ở mới có thể an cư lạc nghiệp. Tôi quyết định dọn ra đây ở, vừa gần cha mẹ vừa có thời gian chăm sóc mộ phần”.
Ban đầu anh Dũng xin tấm vải rách để che chắn mộ phần của cha và mẹ. Từ đó anh cứ góp nhặt từng thứ, từ viên gạch vỡ đến cái cọc, tấm bạt cũ… rồi tự “thiết kế” nhà cho chính mình và cha mẹ. Thậm chí anh còn làm điện năng lượng mặt trời để khu nghĩa địa có ánh sáng, trồng rau củ tự cung tự cấp cho bữa ăn hàng ngày.
“Ở đây xa khu dân cư, không có điện lưới nên tôi không thể kéo vô được. Tôi xem trên mạng, thấy người ta làm điện từ năng lượng mặt trời nên mày mò sáng tạo. Ngờ đâu tôi làm được cột điện này, ban ngày bật lên để nó hấp thụ, tối thì bật sáng cả khu. Còn trong nhà tôi mua bình ắc quy, thi thoảng vào nhờ hàng xóm cho tích điện.
Về nước dùng, tôi chạy ra ngoài kia là có thể giặt giũ quần áo; nước ăn thì đi xin thôi. Có thể mọi người thấy tội dị hợm mới ở đây nhưng thực tế bình thường mà. Tôi sống mấy năm rồi, chưa gặp hồn ma bao giờ, cũng chẳng thấy lạnh lẽo chút nào. Ngược lại tôi cảm thấy ấm áp, được ở gần – chuyện trò cùng cha mẹ mỗi ngày”, người đàn ông tâm sự.
Mộ phần của cha mẹ anh Dũng nằm ở hai bên, được che chắn cẩn thận để không bị mưa ướt, gió lùa… Song cả hai đều không có bát hương như những ngôi mộ khác trong khu nghĩa địa. Anh cho biết hồi đầu chuyển ra đây sống, mộ của cha anh đã mất bát hương, chỉ còn mộ mẹ còn. Anh liền vứt bỏ bát hương của mẹ, quyết định không thắp nhang nữa.
Giàn mướp do chính tay anh trồng và chăm sóc.
Anh giải thích: “Tôi thấy cảnh mộ cha không có bát hương đã rơi nước mắt. Tôi thương ba suốt mấy năm qua phải chịu cảnh lạnh lẽo nên dẹp luôn bát hương ở mộ mẹ. Sở dĩ tôi làm vậy vì chuyển ra đây ở rồi, cha mẹ không phải cô đơn nữa. Ngày nào tôi cũng có thể chuyện trò, tâm sự với cha mẹ.
Quanh đây còn có mộ của ông nội, chú và các cô của tôi. Mộ phần của họ vẫn có bát hương, thi thoảng tôi vẫn thắp nhang và cúng hoa quả như để tưởng nhớ đến những người ruột thịt”.