Khi uống rượu vào, người đàn ông như biến thành người khác, sẵn sàng đánh vợ, đánh con, thậm chí dùng cả đũa để chọc vào mắt vợ.
Con bỏ mặc bố ở bệnh viện vì... rượu
Có mặt tại khoa Cai nghiện (Bệnh viện Tâm thần Trung ương), chứng kiến những người đàn ông đủ mọi lứa tuổi khác nhau đang gào thét, phải buộc chân tay do loạn thần... mới thấy được sự tàn phá kinh khủng của “ma men”.
Chia sẻ với phóng viên, bác sĩ Đỗ Thị Oanh – Phó khoa Cai nghiện (Bệnh viện Tâm thần Trung ương) cho biết, trong số những bệnh nhân đang điều trị tại khoa có đến quá nửa là bệnh nhân nghiện rượu, ngoài ra là các bệnh nhân nghiện ma túy, nghiện game và các chất kích thích khác.
Nhiều người bị loạn thần do rượu hoặc bị mắc hội chứng cai (sảng rượu), nhưng tất cả họ khi đã vào viện đều đã ở giai đoạn rất nặng.
Các bệnh nhân đang được điều trị cách ly tại khoa Cai nghiện (Bệnh viện Tâm thần Trung ương)
Bác sỹ Oanh nhớ lại ca bệnh cách đây chưa đầy một tháng, người đàn ông 50 tuổi (ở Thường Tín – Hà Nội) khi không uống rượu thì rất hiền lành, nhưng chỉ cần uống vài chén rượu vào thì trở thành một con người hoàn toàn khác.
“Khi nhập viện, bệnh nhân đã ở trong tình trạng loạn thần do rượu. Trước đó, người đàn ông này say rượu dùng đũa chọc hỏng mắt vợ và đây không phải là lần đầu tiên nam bệnh nhân này hành hạ vợ sau khi uống rượu, chính vì thế con trai bệnh nhân này tuyên bố sẽ bỏ mặc”, bác sĩ Oanh nhớ lại.
Theo bác sĩ Oanh, sau khoảng hơn 2 tháng điều trị, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, minh mẫn và tự chủ được mọi hoạt động, lời nói. Tuy nhiên, trong thời gian điều trị tại bệnh viện, tuyệt nhiên không thấy con trai đến chăm sóc, thăm nom.
“Do bệnh nhân tỉnh táo, minh mẫn nên các bác sĩ đã để cho bệnh nhân tự chăm sóc bản thân. Tuy nhiên, sau vài ngày như vậy, bệnh nhân tự ý trốn khỏi bệnh viện lúc nào không ai hay biết, thậm chí tiền viện phí hiện giờ vẫn chưa đóng hết”, BS Oanh cho hay.
Mù mắt vẫn trốn bác sĩ đi uống rượu
Thực tế, những trường hợp trốn khỏi bệnh viện như nam bệnh nhân trên không phải là hiếm tại bệnh viện. Vì nhiều người khi vào viện trong trạng thái say không biết gì, nhưng khi tỉnh dậy họ nhận thức được và cho rằng mình không mắc bệnh, bởi vậy họ luôn tìm cách chạy trốn khỏi bệnh viện, dù chưa hết liệu trình điều trị.
Rất nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đã quá nặng.
Ngoài những trường hợp “chạy trốn” khỏi bệnh viện, trong quá trình điều trị BS Oanh cũng gặp không ít thành phần nghiện rượu “ranh mãnh”. Đó là những trường hợp “trốn” bác sĩ uống rượu bằng mọi cách.
“Khi họ lên cơn nghiện, họ tìm mọi cách để họ được uống, ví dụ như những trường hợp giấu rượu vào chai giả vờ là nước lọc, rồi mang vào phòng bệnh uống. Sau khi bị các bác sĩ phát hiện, lần sau họ lại tìm cách cho rượu vào túi nilon giả vờ là nước canh để mang vào bệnh viện uống.
Thậm chí có trường hợp, dù đã bị mù cả hai mắt vì uống rượu, nhưng vẫn tìm mọi cách, lợi dụng sự sơ hở của các bác sĩ để mua rượu về uống”, BS Oanh kể.
Trước thực trạng sử dụng rượu bia ở Việt Nam như hiện nay, BS Oanh cho rằng để ngăn chặn người dân uống rượu không phải chuyện một sớm, một chiều mà cần phải có giải pháp cộng đồng, nâng cao dân trí để người dân hiểu tác hại của rượu. Đồng thời, cần phải giáo dục ngay từ trong nhà trường cho lớp trẻ, có như vậy mới hy vọng tỷ lệ người mắc bệnh tật do uống rượu, bia giảm trong tương lai.