Người 'mẹ' đặc biệt của 13 học sinh khuyết tật

Ngày 25/04/2015 14:10 PM (GMT+7)

Có một lớp học được đặc biệt nằm trong ngôi trường tiểu học Nghi Tân, TX Cửa Lò, Nghệ An. Lớp học ấy do cô giáo Nguyễn Thị Liên phụ trách, với 13 em học sinh khuyết tật. Để làm được điều này, “người mẹ” ấy đã phải trải qua nhiều gian nan vất vả...

Năm học 2011 - 2012, trường tiểu học Nghi Tân (TX Cửa Lò, Nghệ An) mở 1 lớp học tình thương hoàn toàn miễn phí dành cho trẻ em khuyết tật, chậm phát triển, thiểu năng trí tuệ trên địa bàn. Đây là lớp học đặc biệt dành cho những trẻ em tàn tật và chịu thiệt thòi trong cuộc sống nên việc tìm giáo viên phụ trách là điều hết sức khó khăn.

Hơn nữa người giáo viên dạy lớp học này vừa phải có tâm vừa phải có nghiệp vụ sư phạm tốt. Suốt mấy tháng đăng tin tuyển dụng, tìm mãi không có ai nhận dạy lớp này. Rồi một ngày tình cờ cô Nguyễn Thị Liên, một giáo viên có kinh nghiệm từng dạy tại lớp giáo dục đặc biệt của TX. Cửa Lò đến xin nhận lớp.

Người #039;mẹ#039; đặc biệt của 13 học sinh khuyết tật - 1

Cô Liên với lớp học tình thương, suốt 4 năm cô xem đây là mái nhà thứ 2.

Mặc dù đang có công việc ổn định ở một trung tâm giáo dục khác, thế nhưng khi biết tin nhà trường cần người dạy, cô Nguyễn Thị Liên vẫn quyết định xin chuyển công tác. Cô tâm sự: “Dạy ở đây đồng lương cũng không khác gì các giáo viên dạy các em học sinh “bình thường”, cuộc sống gia đình bị đảo lộn nhiều, thế nhưng tôi vẫn muốn là người đồng hành cùng các em có hoàn cảnh kém may mắn trong cuộc sống.

Người #039;mẹ#039; đặc biệt của 13 học sinh khuyết tật - 2

Cô luôn hy vọng, các con của mình sau này sẽ hoà nhập được với cộng đồng, sống có ích cho xã hội.

Khi nhận lớp học này chồng và gia đình tôi phản đối kịch liệt, cố gắng thuyết phục mãi mới được gia đình đồng ý. Không chỉ vậy sau 4 năm gắn bó với lớp học, tôi đã xem các em như là con đẻ của mình, chăm chúng từng ly từng tí”.

Nhớ lại những ngày đầu khi đảm nhiệm lớp học, cô tâm sự: “Cái quan trọng nhất làm quen với các em, sau đó tìm cách tiếp cận về khả năng học, đó là điều khó khăn ban đầu mà tôi phải mất thời gian dài để “hòa nhập” với các em. 13 học sinh, mỗi em lại có mỗi hoàn cảnh, mỗi tính cách khiến cho tôi phải xoay như chong chóng”.

Có những em còn chưa biết những kỹ năng tối thiểu như vệ sinh cá nhân, quần áo dơ bẩn, vì hầu như điều kiện kinh tế của các em đều gặp khó khăn. Cô Liên vừa là giáo viên chủ nhiệm, đồng thời cũng như một người mẹ, một tay chăm sóc cho các con. Chăm một người khuyết tật đã khó, cô Liên một lúc chăm tới 13 em mà không có sự trợ giúp trực tiếp từ người thứ 2. Ngoài giờ học trên lớp, cô còn tìm đến nhiều gia đình các em để động viên dặn dò gia đình, cố gắng chăm sóc chu đáo cho các cháu ở tại nhà.

Người #039;mẹ#039; đặc biệt của 13 học sinh khuyết tật - 3

Những dòng chữ nắn nót của các các em khuyết tật.

Chị Hoàng Thị Phan có con đang học tại lớp, cho biết: “Nếu không có sự ân cần, nâng niu của cô giáo Liên trong vòng 4 năm qua thì con tôi và các em ở đây đến giờ này không biết sẽ như thế nào. Như con tôi trước đây, không có nhận thức về cuộc sống, ko biết nói không biết cười…thế mà nay đi ra chào mẹ, đi vào chào cha, cháu còn biết viết chữ, tính toán tôi vui mừng khôn xiết, trong lòng rất muốn cảm ơn cô Liên và nhà trường rất nhiều”.

4 năm qua, để có kết quả như ngày hôm nay, cô Liên đã gác lại nhiều chuyện riêng tư cá nhân, nhiều lúc chồng con giận hờn nhưng rồi cũng đồng cảm, hiểu cho công việc của cô. Lúc mệt mỏi cô cũng đã từng nghĩ đến chuyện xin nghỉ việc để được bên cạnh gia đình, thế nhưng nghỉ lại thì thấy tội cho “đàn con” bé dại.

Để vượt qua vô vàn khó khăn, cô Liên rất cần sự động viên đến từ gia đình, bạn bè đồng nghiệp và đặc biệt là các bậc phụ huynh. Hy vọng rằng với tấm lòng nhân ái của “người mẹ” sẽ góp thêm phần tự tin, cho các em, để các em lớn lên hòa nhập được với cộng đồng từ đó sống có ích cho gia đình và xã hội hơn.

Hồng Bình
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Việc tử tế