Luật sư cho rằng, để có thể xử lý vụ việc một cách chính xác, cơ quan công an cần làm rõ nguyên nhân cái chết của cháu bé.
Như đã đưa tin, khoảng 20h45 tối ngày 18.10, một bé sơ sinh rơi xuống đất từ tòa nhà HH2A Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Theo đó, vào khoảng thời gian trên, người dân khu vực toà nhà 2A và 2C khu đô thị HH Linh Đàm phát hiện một vật rơi từ tầng cao toà 2A xuống. Khi tiến lại quan sát, mọi người tá hoả phát hiện đó là một bé sơ sinh. Vì rơi từ tầng cao xuống nên cháu bé đã tử vong tại chỗ.
Hiện trường vụ việc. Ảnh: IT
Người dân chứng kiến cho biết, cháu bé khi bị rơi xuống đất không mặc quần áo. Sau khi tiến hành đấu tranh, tại cơ quan điều tra, Đ.T.V.A. thừa nhận sau khi sinh con trong nhà vệ sinh xong nhưng bé đã chết nên đã vứt qua khe cửa sổ xuống đất.
“Ban đầu cô gái này không thừa nhận đã sinh con. Tuy nhiên, sau khi tiến hành truy xét chúng tôi xác định đúng là cô gái này. Sau đó, cô ấy cũng thừa nhận vừa sinh con tuy nhiên cháu bé sau khi sinh thì tử vong nên đã vứt con xuống đất qua cửa sổ nhà vệ sinh”, vị lãnh đạo Công an quận Hoàng Mai thông tin.
Cũng theo Công an quận Hoàng Mai, thời điểm xảy ra sự việc trong căn hộ trên có 3 người. Tuy nhiên, hai người còn lại không hề biết V.A. sinh con và vứt con từ tầng 31 xuống đất.
Liên quan đến vụ việc này, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, đây là vụ việc rúng động, đáng lên án và xâm phạm nghiêm trọng quyền được sống của con người. Ngoài ra, hành động này còn đi ngược lại với thuần phong mỹ tục tốt đẹp của người Việt Nam.
Theo quan điểm của vị luật sư này, để có thể xử lý vụ việc một cách chính xác, cơ quan công an cần làm rõ nguyên nhân cái chết của cháu bé. Đồng thời khám nghiệm tử thi để làm rõ cháu sơ sinh tử vong trước khi bị ném xuống đất hay cháu bị ném từ trên tầng cao xuống mới tử vong.
Sau khi làm rõ sẽ có hai trường hợp xảy ra, thứ nhất, nếu cơ quan công an xác định cháu bé tử vong sau khi bị ném xuống đất thì nữ sinh này sẽ phải đối diện với tội "Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ" theo điều 124 Bộ Luật hình sự 2015. Mức hình phạt cao nhất mà nữ sinh này phải đối diện là 3 năm tù.
Trường hợp thứ hai là nếu V.A vứt bỏ con khi cháu bé đã tử vong trước đó thì phạm tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt theo điều 319, Bộ luật hình sự 2015.
Với tội danh này, nữ sinh năm thứ 4 đại học có thể bị phạt tù đến 2 năm hoặc cải tạo không giam giữ từ 3 tháng đến 2 năm.
Ở một diễn biến liên quan, Người thân của nữ sinh V.A. đã có mặt tại Trung tâm pháp y (thuộc Sở Y tế Hà Nội) làm thủ tục bàn giao thi thể cháu bé. Trao đổi với chúng tôi, anh Lê Thành Trung (Chủ nhiệm Câu lạc bộ bảo vệ sự sống Hà Nội) cho biết, sau khi gia đình làm thủ tục với trung tâm pháp y, gia đình đã bàn giao lại thi thể cháu bé cho câu lạc bộ để chôn cất.
"Việc bé sơ sinh được Câu lạc bộ bảo vệ sự sống Hà Nội đưa về chôn cất là do bố mẹ nữ sinh Đ.T. V.A nhờ. Theo dự kiến, thi thể cháu sẽ được bảo quản đến cuối tháng 10 và được chôn cùng với 400 thai nhi xấu số khác", anh Trung nói.