“Đối với người mua dâm, ngoài xử phạt hành chính, thông báo công khai về địa phương, còn phải xử phạt thêm bằng lao động công ích”, đại diện Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội đề xuất.
Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) về đề xuất công khai danh tính người mua dâm… Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội chính là cơ quan đề xuất quy định này.
- Xin ông cho biết, căn cứ vào đâu để đưa ra đề xuất công khai danh tính người mua dâm đến cơ quan, chính quyền địa phương?
- Hiện nay, Việt Nam đang giải quyết tệ nạn mại dâm theo hướng giảm cung mà không giảm cầu. Cơ quan chức năng chủ yếu xử lý người bán dâm còn người mua dâm thì không bị xử lý hoặc chỉ bị phạt hành chính.
Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Người bán dâm chỉ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng. Xử phạt như vậy không hiệu quả. Hầu hết người bán dâm vẫn tái phạm. Họ ngầm hiểu là mức phạt đó chỉ là “phạt để tồn tại”.
Pháp lệnh Xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm cũng nêu rõ: Người mua dâm tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền. Như vậy, chúng tôi chỉ đề xuất lại dựa trên pháp lệnh đã có và muốn làm quyết liệt hơn.
Người mua dâm sẽ bị phạt lao động công ích? (Ảnh minh họa)
- Nhiều ý kiến cho rằng, công khai danh tính người mua dâm có thể làm đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Ông nghĩ sao về điều này?
- Hiện chúng tôi chưa bàn tính cụ thể về hậu quả của việc công khai danh tính người mua dâm. Nhưng chúng tôi đã bàn bạc rất nhiều với các ban ngành về vấn đề này. Rất khó để có một quy định nào toàn diện.
Đúng là có ý kiến cho rằng việc làm này có thể làm tan vỡ hạnh phúc gia đình. Nhưng theo tôi, không có gì hoàn hảo. Nếu đưa ra giải pháp mà sợ cái này, cái kia thì sẽ khó làm. Người làm chính sách luôn cân nhắc chọn phương án tốt nhất, có lợi nhất.
Ngoài xử phạt hành chính, thông báo công khai về địa phương, theo tôi còn phải xử phạt thêm bằng lao động công ích. Cứ cho người mua dâm ra đường dọn vệ sinh môi trường thì họ sẽ sợ.
Ở một số nước phát triển, người bán dâm lẫn mua dâm đều bị phạt. Người mua dâm phải lao động công ích mấy ngày.
- Được biết, còn có ý kiến đề xuất tăng mức xử phạt hành chính đối với người mua dâm. Vậy cụ thể là tăng lên bao nhiêu tiền?
Chúng tôi mới chỉ đề xuất, chưa có nghiên cứu cụ thể, chi tiết. Tăng tiền lên phạt bao nhiêu sẽ do cơ quan nghiên cứu của Quốc hội tính toán. Tôi chưa thể nói được con số bao nhiêu là vừa.
- Trong đề xuất còn có việc sửa cụm từ “giao cấu” thành “thỏa mãn tình dục”. Điều này có nghĩa là gì?
Trước đây, mại dâm được hiểm nôm na là mua bán tình dục giữa hai người khác giới (nam và nữ). Nhưng hiện nay có mại dâm đồng giới. Một số nơi còn có mại dâm kiểu kích dục chứ không quan hệ. Do đó, chúng tôi đề xuất đưa vào cụm từ “thỏa mãn tình dục” để hiểu cho đúng và toàn diện.
- Hà Nội đã mở nhiều chiến dịch truy quét các tụ điểm mại dâm. Cơ quan chức năng đã truy quét được những điểm nào?
Trước kia, báo chí nói nhiều đến phố vẫy ở đường Phan Đăng Lưu (quận Long Biên). Lâu nay, lực lượng chức năng thường xuyên đi tuần xung quanh khu vực này. Khách mua dâm thấy thế nên sợ. Gái bán dâm ế ẩm. Dần dần, gái bán dâm tại khu vực này giải tán. Sau một thời gian, phố này đã không còn gái mại dâm hoạt động nữa.
Hiện nay, dọc đường Phạm Văn Đồng, khu vực gần làng Vạn Phúc (Hà Đông) - đoạn giáp ranh với quận Nam Từ Liêm - vẫn còn gái mại dâm hoạt động. Tuy chưa triệt để nhưng lực lượng chức năng vẫn tiếp tục truy quét.
- Xin cảm ơn ông!