Số hóa chất thu giữ được tại hiện trường đã được pha loãng, đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa xác định là chất gì.
Chiều 14-1, một nguồn tin cho hay bà Nguyễn Thị Hiên, người tổ chức ngâm rau muống vào hóa chất ở khu vực ấp 5, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM đã rời khỏi địa phương này.
“Cán bộ ở UBND xã Bình Mỹ xuống mời bà Hiên lên làm việc để truy tìm nguồn gốc số hóa chất dùng để ngâm rau nhưng bà này đã đi mất, hiện không thể liên lạc được” - nguồn tin xác nhận thêm.
Bà Hiên, chủ điểm sơ chế rau muống, bị phát hiện sử dụng hóa chất hiện đã rời khỏi khu vực xã Bình Mỹ.
Hai thùng hóa chất và hai thùng nhớt được phát hiện tại điểm sơ chế rau muống của bà Hiên.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bà Hiên quê huyện Kim Sơn, Ninh Bình vào TP.HCM thuê đất trồng rau muống tại xã Bình Mỹ đã được vài năm. Ngoài trồng rau, bà Hiên còn thu mua rau muống về sơ chế, dùng máy tước sợi để bỏ mối.
Vào đêm 8-1, khi bị bắt quả tang ngâm hóa chất vào rau, bà Hiên chỉ cho biết số hóa chất này do một người thu mua rau muống cung cấp nhằm mục đích làm rau tươi xanh. Tuy nhiên, danh tính cụ thể của người cung cấp hóa chất không được bà Hiên tiết lộ.
Ngoài hai thùng hóa chất, đoàn kiểm tra (do Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM chủ trì) còn phát hiện tại cơ sở của bà Hiên có hai thùng nhớt thải và một loại hóa chất không được phép sử dụng trên rau quả.
Theo xác định của đoàn kiểm tra, hai thùng hóa chất được phát hiện và thu giữ được tại nơi sơ chế rau muống của bà Hiên là hóa chất đã pha loãng, không phải dạng đậm đặc. Hiện số hóa chất này được niêm phong, lưu giữ tại trụ sở UBND xã Bình Mỹ.
Đến nay, các đơn vị liên quan vẫn chưa xác định được số hóa chất nói trên là chất gì. Theo ông Đức Trọng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM, do không tìm được cái chai gốc đựng hóa chất nên việc xác định số hóa chất dùng để ngâm rau gặp nhiều khó khăn.
Khu vực rau trồng rau muống tưới nhớt được cảnh sát môi trường phát hiện và bắt quả tang.
Trong một diễn biến khác, chiều nay (14-1), khi đoàn công tác do Sở NN&PTNT TP chủ trì đi kiểm tra thực tế tại khu vực phát hiện tưới nhớt lên rau muống ở ấp 8, xã Bình Mỹ, nhiều người trồng rau ở đây tỏ ra rất bức xúc vì vụ việc này khiến thị trường tiêu thụ rau muống trở nên ảm đạm.
Tiếp xúc với chúng tôi, một người trồng rau muống không tưới nhớt than thở: “Đây là mùa rau muống bán chạy nhất trong năm nhưng chỉ vì vụ phun nhớt mà rau ế ẩm, bán không ai mua. Chúng tôi mong báo chí đừng thổi phồng vụ này lên quá”.
Trong tâm trạng rối bời, hiện nay người tiêu dùng ở TP.HCM cũng rất nóng lòng muốn biết rau muống sau khi tưới nhớt sẽ gây ra những tác hại gì. Song hiện vẫn chưa có cơ quan chức năng nào đưa ra kết luận chính thức về câu chuyện vốn cũng chẳng mới mẻ này.
Ông Dương Đức Trọng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM, cho biết trong nhớt thải có nhiều kim loại nặng nhưng kết quả phân tích 20 mẫu rau muống lấy tại xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi) và tại phường Thạnh Xuân (quận 12) mới đây không phát hiện rau muống nhiễm kim loại nặng.