Người phụ nữ 20 năm 'xây nhà' cho thai nhi bị bỏ rơi

Ngày 24/08/2014 07:29 AM (GMT+7)

Bà Phạm Thị Mười gắn cả cuộc đời mình với khu nghĩa trang như ngôi nhà thứ hai, vừa để mưu sinh nuôi 4 con nhỏ vừa dành tiền xây mồ mả cho thai nhi bị bỏ rơi.

Kiếm cơm từ việc lau nhà cho người chết

Suốt 20 năm, tại khu nghĩa trang không biết có bao nhiêu người qua lại, nhưng ít ai để ý đến người góa phụ vẫn hàng ngày lủi thủi lau chùi cho những ngôi mộ và sớm hôm tảo tần nuôi 4 con thơ kể từ khi bị chồng ruồng bỏ.

Người đàn bà có khuôn mặt khắc khổ, hàng ngày kiếm cơm ở nghĩa địa là bà Phạm Thị Mười (50 tuổi, trú tổ dân phố 7, P.Tân Lập, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Do lâu năm mưu sinh ở nghĩa trang phường nên bà được người ta đặt cho cái biệt danh là bà Mười “nghĩa địa”.

Sinh ra tại Quảng Nam, nhưng đến năm 1986 bà Mười lên Gia Lai mưu sinh và quen gặp một người đàn ông tại nơi đây, hai người nên duyên vợ chồng. Sau đó vì kinh tế khó khăn, vợ chồng bà Mười dắt díu nhau đến Đắk Lắk kiếm cơm.

Nơi đất khách quê người, chẳng những không  phụ giúp vợ đang trong thời gian mang bầu đứa con đầu lòng, chồng bà bắt đầu đổ đốn. Lúc này bà cũng chẳng bận tâm mà vẫn đầu tắt mặt tối lao động kiếm tiền để khi đứa bé ra đời sẽ có tiền trang trải nuôi con.

“Khi tôi mang thai đứa con đầu cũng là lúc khu nghĩa trang bắt đầu xây dựng, tôi đến xin làm phụ hồ, tuy vất vả nhưng kiếm được đồng ra, đồng vào. Trong thời gian làm phụ hồ tôi lân la xem chủ mộ nào có nhu cầu lau dọn, nhang khói mỗi ngày thì xin làm thuê. Từ đó, tôi có thêm nghề lau chùi mồ mả thuê”, bà Mười kể lại bước đầu cuộc mưu sinh tại nghĩa trang.

Người phụ nữ 20 năm xây nhà cho thai nhi bị bỏ rơi - 1

Bà Mười kiếm cơm từ công việc lau chùi nhà cho người chết.

Theo thời gian, 4 người con của bà lần lượt ra đời nhưng người chồng vẫn không thay tính đổi nết, tối ngày rượu chè say bí tỉ và thường xuyên đánh đập bà đến gãy xương sườn. Không chịu được cảnh bạo lực của chồng, năm 2004 bà quyết định ly hôn. Từ đó bà một mình nuôi 4 người con từ công việc vệ sinh nhà cho người đã chết.

“Ngày đó, mỗi lần ông ấy đánh đập, mấy mẹ con lại chạy ra nghĩa địa ẩn náu. Ban đầu cũng sợ, nhưng riết rồi cũng quen. Sau đó tôi đã chuyển hẳn ra đây ở. Chính khu nghĩa trang này đã cứu mấy mẹ con tôi”, bà Mười tâm sự.

Hiện tại bà Mười nhận lau chùi trông nom cho 30 ngôi mộ với thu nhập khoảng 1 triệu đồng mỗi tháng. Thứ nghề vất vả chẳng ai muốn làm thì với bà đó lại là niềm hạnh phúc. Không chỉ làm công việc lau chùi mồ mả, bà còn bán thêm vàng hương, cây trái cho những ai có nhu cầu vào thắp hương. Tối đến rảnh bà còn đi bán vé số để kiếm thêm nuôi các con.

Làm công việc ở nghĩa trang cực nhọc muôn phần, bà còn phải đối diện với nhiều mối nguy hiểm từ những kẻ hút chích, nghiện ma túy. Nhiều lần bà phải gọi các con ra đưa con nghiện bị sốc thuốc đi viện. Thậm chí, nơi bà ở bán vàng hương cũng bị trộm cạy cửa lấy hết đồ.

"Các con lo lắng sợ tôi gặp nguy hiểm nên hay ra phụ mẹ lau chùi và bán vàng hương. Cả 5 mẹ con tôi đều coi đây như ngôi nhà thứ hai của mình”, bà Mười cho biết.

Tự nguyện “xây nhà” cho thai bị vứt bỏ

Nhiều năm kiếm cơm trong nghĩa địa, bà Mười nhiều lần lượm được xác thai nhi bị vứt bỏ. Thương những bào thai không nơi yên nghỉ nên làm được tiền bà lại dành dụm để xây mộ cho mỗi bào thai ấy. Gần 200 mộ do tự tay bà đào, xây, và mai táng cho các bào thai bị bỏ rơi. Toàn bộ chi phí đều do bản thân bà Mười chắt góp.

Bà Mười cho biết lần đầu gặp phải xác thai nhi là vào một buổi sáng cách đây đã hơn chục năm, lúc bà lên nghĩa trang để bán hương đèn, trong lúc đi bộ trên con đường tắt băng qua khu nghĩa địa thì phát hiện một cái túi.

Bà đã điếng người khi thấy trong túi là một xác thai nhi nằm co ro. Bế đứa bé trên tay, nước mắt bà đầm đìa. “Đó là lần đầu tiên tôi thấy xác thai nhi còn nhỏ bị vứt bỏ. Tui thấy thương, ôm cháu lên rồi mang về cạnh quán đào hố rồi chôn cất rồi đèn hương", bà kể.

Từ đó, ngày nào đi làm bà đều hay để ý ven đường xem có gì lạ bà đều lại xem, nếu là bào thai là bào thai, bà Mười lại nhặt về chôn cất tử tế. Nhiều người thấy thì cho rằng việc làm của bà là quái gở, rỗi hơi. Song, bà quan niệm, mỗi sinh linh khi mất đi không có nơi chôn cất sẽ trở thành lạc lõng, không nhà không cửa.

Người phụ nữ 20 năm xây nhà cho thai nhi bị bỏ rơi - 2

Bà nhiều lần tự bỏ tiền túi ra xây "nhà" cho thai nhi bị bỏ rơi.

Những lúc không có tiền xây mộ cho các bé, bà chạy vạy đi vay mượn nói dối là để đong gạo mới được vay. "Nhưng đúng là có lúc nhà cũng chẳng có gạo, tôi vẫn cố “xây nhà” cho các cháu để tụi nó đỡ tủi thân”, bà Mười nghẹn ngào.

Không chỉ tự nguyện xây mồ cho thai nhi, đến ngày đầu tháng, ngày rằm, ngày lễ, tết bà đều mua hoa quả mang vàng hương ra để lên mộ rồi thắp hương khấn vái để các sinh linh được an lành, siêu thoát nơi cõi vĩnh hằng.

Nói về hành động của bà Mười, ông Võ Hiếu Hoàng - Chủ tịch Hội chữ thập đỏ phường Tân Lập - cho biết, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng bà Mười vẫn tự nguyện bỏ tiền túi ra xây mồ mả cho nhiều thai nhi bị bỏ rơi. "Đây là việc làm ý nghĩa nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều người", ông cho hay.

Theo Khải Hoàng (Zing.vn)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot