Người phụ nữ 26 năm ngủ ở nghĩa trang giữa Hà Nội: Ở đây tôi thấy khỏe hơn

Ngày 19/12/2019 00:07 AM (GMT+7)

Suốt 26 năm ngủ và trông nghĩa trang rộng 18.000 mét vuông, với hơn 5000 ngôi mộ, cô Ngọc chưa bao giờ biết đến hai từ "sợ hãi".

Người phụ nữ 26 năm ngủ ở nghĩa trang giữa Hà Nội: Ở đây tôi thấy khỏe hơn - 1

Trông nghĩa trang như một cái duyên

Năm 2019 sắp qua đi, cũng đồng nghĩa với việc cô Nguyễn Thanh Ngọc (60 tuổi) kết thúc năm thứ 30 làm công việc trông nghĩa trang Quán Dền - Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội). Quán Dền là một nghĩa trang “có một không hai” ở Hà Nội không chỉ vì diện tích lên tới 18.000m2 mà số mộ ở đây có đến 5000 ngôi. Nghĩa trang này còn tọa lạc ở khu đất vàng với 3 mặt tiền ở ngã tư Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Tuân.

Người phụ nữ 26 năm ngủ ở nghĩa trang giữa Hà Nội: Ở đây tôi thấy khỏe hơn - 2

Nghĩa trang Quán Dền có 3 mặt tiền và là khu đất vàng của Hà Nội.

Cô Ngọc cho biết, 30 năm trước tại khu vực nghĩa trang Quán Dền các mộ chưa nhiều như bây giờ và mỗi cái ở một nơi. Ngày hai vợ chồng cô Ngọc nhận việc, nơi đây còn hẻo lánh, đường đi lại chỉ là những lối mòn hai người tránh nhau còn khó.

“Hồi đó làm gì có tường rào kiên cố như bây giờ, tôi và chồng phải đi vào làng chặt những cây có gai sắc nhọn về buộc quanh nghĩa trang để làm hàng rào. Mới ngày nào mà nay đã 30 năm rồi”, cô Ngọc kể lại.

Người phụ nữ 26 năm ngủ ở nghĩa trang giữa Hà Nội: Ở đây tôi thấy khỏe hơn - 3

Cô Ngọc chia sẻ cô làm công việc này như một cái duyên.

Theo cô Ngọc, việc trông nghĩa trang đến với cô như một cơ duyên, bởi gia đình nhà chồng có người thân cũng an táng ở đây. “Ngày ấy khi ra thắp hương cho người thân, tôi thấy không có người trông coi nên quyết định nói với mọi người sẽ nhận trông nghĩa trang này. Lúc đầu mọi người nghĩ vợ chồng tôi nói đùa, nhưng sau khi thấy tôi đặt vấn đề nghiêm túc thì mọi người đồng ý vì ai cũng muốn nơi người thân mình an nghỉ được dọn dẹp sạch sẽ”, cô Ngọc chia sẻ.

Ở nghĩa trang nhưng chưa bao giờ biết sợ

Suốt 30 năm qua, công việc chính của cô Ngọc là quét dọn nghĩa trang và hương khói cho những người đã mất vào ngày rằm, mùng 1 (âm lịch). Ngoài ra, cô còn tranh thủ bán hàng nước ở cổng và bán hoa, đồ lễ cho những ai muốn vào nghĩa trang thắp hương.

Người phụ nữ 26 năm ngủ ở nghĩa trang giữa Hà Nội: Ở đây tôi thấy khỏe hơn - 4

Người phụ nữ 26 năm ngủ ở nghĩa trang giữa Hà Nội: Ở đây tôi thấy khỏe hơn - 5

Ngoài trông coi nghĩa trang cô Ngọc còn bán đồ lễ thắp hương và quán nước.

Dù có nhà đàng hoàng nhưng ngày cô bắt đầu nhận công việc này cũng là lúc cô dọn hẳn ra nghĩa trang sinh sống. Nơi cô ở là nhà chờ nghỉ của nghĩa trang. 30 năm làm quản trang, cô Ngọc ăn ở trong nghĩa trang Quán Dền 26 năm tròn. 4 năm gần đây do xung quanh xây nhà cao tầng, xe đi lại nườm nượp nên đêm cô Ngọc về nhà ngủ, sáng hôm sau lại ra sớm.

Cô cho biết, trước kia khi mới về ở nghĩa trang còn chưa có điện lưới, chưa có nhà chờ như bây giờ. Hàng đêm, cô phải thắp đèn dầu và làm chăn bông kiếm thêm thu nhập ở gần nơi thắp hương cho thần linh. Với người khác ai cũng sợ hết hồn, nhưng với cô từ ngày đầu cho đến bây giờ cô chưa bao giờ biết sợ.

Người phụ nữ 26 năm ngủ ở nghĩa trang giữa Hà Nội: Ở đây tôi thấy khỏe hơn - 6

Một góc nghĩa trang Quán Dền - Thanh Xuân - Hà Nội.

Người phụ nữ 26 năm ngủ ở nghĩa trang giữa Hà Nội: Ở đây tôi thấy khỏe hơn - 7

Quầy hàng nhỏ và khu nhà cấp 4 nơi cô Ngọc ở gần 30 năm.

“Suốt quá trình ở đây chỉ có hai lần tôi nằm mơ thấy có người về báo mộng, nhưng chỉ là mộng đẹp chứ chẳng ai dọa dẫm gì. Tôi nghĩ rằng mình không làm gì sai, mình làm vì cái tâm của mình thì sao phải sợ, khéo còn được phù hộ ấy chứ”, cô Ngọc vừa cười vừa chia sẻ.

Thậm chí, người phụ nữ ở ngoài nghĩa trang còn cảm thấy khỏe khoắn, thoải mái hơn là ở nhà. Chính vì thế mà hai người con của cô Ngọc chưa bao giờ khuyên mẹ về nhà hay từ bỏ công việc này. “Các con tôi chỉ bảo mẹ làm gì cảm thấy thoải mái, khỏe mạnh là chúng con ủng hộ. Mà ở đây tôi khỏe hơn ở nhà thật, trước có đợt về nhà một thời gian tôi ốm liệt giường, còn ra đây thì chẳng bao giờ ốm cả”, nữ quản trang nói.

Xã hội ngày càng phát triển, người làm nghề quản trang như cô Ngọc cũng vất vả hơn. Bởi nhiều người không về thắp hương cho người thân được nên đã nhờ cô thắp hương ngày đầu và giữa tháng. Khi đó, cô Ngọc phải chuẩn bị lễ, thắp hương xong rồi chụp ảnh gửi cho họ, vì đôi khi không nhìn thấy hình ảnh mọi người không tin.

Dù đã đến tuổi 60, nhưng cô Ngọc cho biết mình sẽ tiếp tục làm công việc này cho đến khi nào mọi người không cần nữa hoặc không còn đủ sức khỏe thì mới nghỉ.

Những câu chuyện bây giờ mới kể

Sống lâu năm ở nghĩa trang, cô Ngọc coi đây là nhà của mình, điều này khiến cô nhận được sự tin tưởng của người thân của những người đã khuất. Mỗi khi không đến thắp hương được cho người thân, họ luôn tin tưởng tuyệt đối vào vợ chồng cô Ngọc khi nhờ người phụ nữ này thắp hương, làm lễ hộ.

Trong 26 năm làm nghề, có rất nhiều câu chuyện chính cô Ngọc cũng không thể lý giải được. Đó là ngày cô mới về đây ở, khi đang ngủ cô nhìn thấy ở dưới ngọn đèn dầu leo lắt có một người đàn ông tướng mạo phi phàm, râu dài, mặt đỏ báo mộng về nhờ cô làm lễ.

Người phụ nữ 26 năm ngủ ở nghĩa trang giữa Hà Nội: Ở đây tôi thấy khỏe hơn - 8

Mỗi khi có gia đình nhờ làm lễ cô Ngọc lại chụp ảnh gửi lại cho gia đình họ.

Hay như ngày cải tạo lại nghĩa trang Quán Dền, đội thợ xây làm đường đi đến đoạn giữa nghĩa trang thì bất ngờ cô Ngọc bảo họ không đào xới san lấp nữa vì thấy “có vấn đề”. Sau đó, cô Ngọc yêu cầu đội thợ dùng xẻng xắn nhẹ từng ít đất một, vừa được vài xẻng thì thấy có vật cứng ở dưới. Khi lần lượt bới đất lên, tất cả mọi người đều bất ngờ khi thấy một hàng tiểu dài nằm bên dưới.

Câu chuyện cô Ngọc nhớ nhất là một ngôi mộ của một bé 5 tuổi được an táng ở đây. “Đó là ngôi mộ tôi thấy không có người đến chăm lo. Vì thế, tôi đã lo hương khói nhiều năm trời. Rồi một ngày mẹ nuôi của em bé đó về tìm và tôi đưa ra mộ, vừa tới nơi vong linh cháu bé nhập vào người mẹ nuôi và nói phải cảm ơn và biết ơn tôi vì tôi đã thay mẹ chăm sóc cho em bé ấy nhiều năm. Thật sự khi nghe thấy vậy, tôi thấy rất xúc động vì từ trước tới nay tôi làm việc này vì cái tâm, chứ đâu cần ơn huệ gì”, cô Ngọc kể

Còn rất nhiều câu chuyện ly kỳ khác mà chính cô Ngọc rất khó lý giải, người phụ nữ này cho rằng có lẽ do mình ở đây lâu nên có vấn đề gì được “các quan” báo trước. “Đó cũng là phúc phận để mình thành tâm làm tốt hơn nữa công việc này”, cô Ngọc chia sẻ.

Người phụ nữ 40 năm làm nghề bốc mộ và lần mở nắp quan tài phát hiện đống vàng bạc
Hơn 40 năm đi bốc mộ, bà Bình đã gặp nhiều cảnh rợn người mà chỉ cần nghe lời kể lại của bà cũng cảm thấy rùng mình.
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức Hà Nội