Quá trình trông người ốm trong bệnh viện, chị Hạnh không nhớ nổi đã bao lần mình thay quần áo cho người đã khuất và giờ chị đã quen với công việc này.
Ngủ hành lang, ghế đá, chăm sóc người ốm kiếm 9 triệu/tháng
Dù mới bước qua sang tuổi 38 nhưng chị Nguyễn Thanh Hạnh (quê Phú Thọ) trông rắn rỏi và già hơn cái tuổi của mình khá nhiều. Chị Hạnh lấy chồng từ năm 19 tuổi, sau đó sinh con rồi cùng chồng xuống Hà Nội làm đủ nghề kiếm sống.
Chị Hạnh chia sẻ, ban đầu chị làm giúp việc tại các gia đình với tiền công chỉ 3,5 đến 4 triệu đồng/1 tháng. Làm việc được một thời gian, gia đình chị làm có người bị ốm phải vào viện cấp cứu, sau đó chuyển lên khoa Hồi sức tích cực điều trị dài ngày. Đây cũng chính là cơ duyên giúp chị thay đổi công việc từ giúp việc tại gia chuyển sang giúp việc trong bệnh viện.
“Tại bệnh viện tôi gặp và quen những người chuyên đi chăm sóc thuê người ốm, hỏi ra mới biết họ làm công việc này thu nhập khá cao với mức thu nhập khoảng 9 triệu đồng/1 tháng. Chỉ có điều phải ngủ hành lang, cầu thang, thậm chí là ghế đá”, chị Hạnh nói.
Việc ô sin làm ở bệnh viện phải ngủ ở hành lang, ghế đá là rất đỗi bình thường.
Sẵn có sức khỏe, chị Thanh không nề hà bất cứ thời gian hay địa điểm làm việc nào, khi thì chị ở Bệnh viện 345, lúc lại sang Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức hoặc Bệnh viện 108… miễn là có người thuê.
"Có những bệnh nhân phải nằm hồi sức vài tháng liên tục, người thân còn bận công việc nên không thể ở bên cạnh 24/24, nên họ thuê chúng tôi làm. Những trường hợp như thế ở các bệnh viện lớn nhiều lắm, làm không hết việc”, chị Hạnh chia sẻ.
Người bạo gan nhất làng giúp việc
Ngoài việc chăm sóc người ốm thuê, chị Hạnh còn được những đồng nghiệp ở bệnh viện đánh giá là người “bạo gan” nhất khi dám nhận cả những công việc mà không phải ai cũng dám làm. Đó là thay quần áo cho những người đã khuất, thậm chí sẵn sàng ăn cả đồ lễ trong nhà tang lễ bệnh viện.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Hạnh nhoẻn miệng cười và nói rằng đấy là chuyện bình thường chứ chẳng có gì to tát cả. “Lần đầu tiên tôi làm việc này cách đây cũng vài năm rồi, khi đó tôi nhận trông một bệnh nhân ở Bệnh viện 354. Tôi có mặt ở bên bệnh nhân còn nhiều hơn người nhà của họ, đến bác sĩ còn không biết tôi là ô sin.
Chăm sóc người ốm trong viện có thu nhập tốt hơn so với làm ô sin trong gia đình, nhưng sự vất vả cũng tăng lên gấp bội.
Rồi khi bệnh nhân đột ngột qua đời, người thân cũng không lường trước được và chẳng về kịp, khi đó bác sĩ gọi tôi vào và một mình tôi lau người, thay quần áo cho bệnh nhân đó. Đến khi người thân đến nơi thì mọi việc đã xong hết cả rồi và tôi cũng là người đưa thi thể bệnh nhân xuống nhà tang lễ”, chị Hạnh kể lại.
Kể từ lần đầu tiên đó đến bây giờ chị Hạnh cũng không nhớ mình đã làm công việc này bao nhiêu lần. Khi làm chị cũng không bao giờ mặc cả tiền nong, nhưng sau mỗi lần làm xong việc, người thân của bệnh nhân đều cho chị 500 đến 1 triệu đồng, thậm chí là nhiều hơn.
Cái “bạo” của chị Hạnh không chỉ dừng lại ở việc dám thay quần áo cho người quá cố, mà chị nhiều lần xuống nhà tang lễ xin “lộc” để ăn trong những đêm khuya vắng ở bệnh viện. Chị cho biết, “lộc” ở đây là những hộp bánh, gói kẹo, đôi khi là quả trứng, đĩa xôi…
“Những đồ đó hoàn toàn vẫn sạch sẽ, tôi xin người quản lý đàng hoàng chứ không phải tự tiện. Tôi nghĩ rằng việc làm đó chẳng có gì sai cả, hơn nữa đó vừa là lộc, mà mình lại tiết kiệm được tiền ăn đêm.
Tôi vẫn nhớ mãi chuyện có lần một đồng nghiệp của tôi kêu đói, tôi xuống nhà tang lễ xin trứng về và đưa cho cô ấy ăn. Ăn xong tôi nói chuyện về xuất xứ quả trứng, cô ấy sợ “xanh mắt mèo”, bảo lần sau không dám ăn nữa”, chị Hạnh kể lại.