Người phụ nữ 73 tuổi nuôi 5 con tâm thần, đau đớn xích chân các con suốt chục năm để không bị ăn đòn

NGỌC HÀ - Ngày 29/03/2023 14:30 PM (GMT+7)

"Năm 1997, chồng tôi qua đời vì bạo bệnh. Tôi một mình gồng gánh đàn con tâm thần với mong ước một ngày nào đó chúng hết bệnh. Song mơ mãi là mơ, chẳng bao giờ thành hiện thực cả”, bà Lụa kể.

Ở Cần Thơ có một người mẹ già vĩ đại, yêu thương con bất tận khiến chúng ta không khỏi ngưỡng mộ và xót xa: “Đúng là tình mẫu tử”. Người mẹ đó tên Đinh Thị Lụa (73 tuổi), ngụ tại 465 ấp Đ2, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh.

Sở dĩ bà Lụa được mọi người ngưỡng mộ bởi ở cái tuổi gần đất xa trời, đáng ra được con cháu báo hiếu thì lại phải nuôi nấng, chăm sóc 5 người con tâm thần cùng 2 cháu nội ngoại. “Ngôi nhà bà Lụa cùng 5 người con sống giống như một trại tâm thần vậy á! Bà chia nhà thành từng phòng nhỏ, sau đó để từng người con ở trong đó. Đớn đau hơn bà phải dùng xích để xích chân các con lại vì hở ra là chúng chạy ra ngoài quậy phá.

Đến nay bà Lụa đã trói xích các con được chục năm rồi! Khi nào chúng muốn ra ngoài hóng nắng gió, bà đành cho uống thuốc để tâm trí được bình thường. Nói chung bà suốt cả cuộc đời vất vả, chịu bao cơ cực vì chồng vì con”, một người dân trong ấp cho hay.

Bà Lụa đếm từng viên thuốc tâm thần của các con.

Bà Lụa đếm từng viên thuốc tâm thần của các con.

Vợ chồng bà Lụa sinh được 7 người con, gồm: 4 gái, 3 trai, trong đó 3 con trai và 2 con gái đều mắc bệnh tâm thần nặng, không thể lao động hoặc sinh hoạt bình thường. Bà tâm sự: “Chúng nó chào đời đều kháu khỉnh và đáng yêu, chẳng có dấu hiệu gì của bệnh tâm thần cả. Vì thế tôi cứ nuôi lớn bằng rau cháo qua ngày.

Năm 16 tuổi, cái Diễm (SN 1978, con gái thứ 4 – PV) bỗng dưng nổi mẩn hết người. Tôi cứ ngỡ nó bị dị ứng, ngờ đâu đêm đó phát bệnh tâm thần. Vài phút sau, em trai của nó đang học lớp 5 ói máu rồi cũng phát bệnh khiến tôi hoảng hốt, chẳng biết phải làm sao. Chúng nó cứ hú hét và quậy phá đồ đạc, phải uống thuốc mới hết”.

Sau đó, người con trai thứ 5 của bà Lụa – khi ấy còn tỉnh táo và khỏe mạnh, đang học lớp 9 đã quyết định rời quê lên Biên Hoà (Đồng Nai) làm nghề hàn xì kiếm tiền phụ giúp mẹ nuôi chị và em tâm thần. Tháng nào anh cũng gửi về nhà 500.000 đồng, Tết Nguyên đán sẽ biếu mẹ 5.000.000 - 6.000.000 đồng để chi tiêu.

Chị Diễm - người con gái thứ 4 của bà Lụa, đồng thời là người phát điên đầu tiên.

Chị Diễm - người con gái thứ 4 của bà Lụa, đồng thời là người phát điên đầu tiên.

Tết năm sau, bà Lụa không thấy con gửi tiền về nữa liền nóng lòng lo nghĩ chuyện không may xảy ra. Thế rồi bà nhận được cuộc điện thoại của đứa cháu thông báo con trai bị người ta đánh đập dã man. “Tôi lên đón về, nó chỉ còn bộ da bọc xương. Tôi không cầm nổi nước mắt, chỉ nói được câu “Về nhà với mẹ. Mẹ nuôi”. Không lâu sau nó phát bệnh tâm thần giống như chị gái và em trai nó.

Tiếp đó thằng con trai thứ 2 và bé út cứ lần lượt bị tâm thần. Năm 1997, chồng tôi qua đời vì bạo bệnh. Tôi một mình gồng gánh đàn con tâm thần với mong ước một ngày nào đó chúng hết bệnh. Song mơ mãi là mơ, chẳng bao giờ thành hiện thực cả”, bà Lụa kể.

Nhắc đến các con tâm thần, bà Lụa không hề run rẩy hay rưng rưng xúc động. Có lẽ mấy chục năm qua đã tôi luyện bà trở thành người phụ nữ kiên cường và mạnh mẽ vượt mọi bao dông cuộc đời. Bà cười: “Tôi mà nhu mì, dễ xúc động thì làm sao trị được chúng nó chứ. Ban đầu tôi thương con phận hẩm hiu nên khóc suốt, than trách ông trời bất công. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, chúng mang ghen của chồng tôi mới vậy, vì thế có đau buồn mãi cũng chẳng được.

Tôi phải vực dậy tinh thần còn làm chỗ dựa cho chúng nữa. Nhưng hồi ấy tôi còn hiền với chưa biết cách nuôi dạy con tâm thần, bị ăn đòn suốt đó”.

Đây là người phát bệnh cùng đêm với chị Diễm.

Đây là người phát bệnh cùng đêm với chị Diễm.

“Các anh chị chính là người đánh đập bà”, khi được hỏi bà Lụa nhớ lại ngày cứ lên cơn là cả 5 xúm nhau đánh nhau sứt đầu mẻ trán. Bà thấy thế chạy vào can ngăn cũng bị đánh đến mức một bên gò má mây giờ sưng như cục u.

“Chúng nó không chỉ đánh nhau mà còn đi lang thang, tôi đã nhiều lần phải đi tìm về. Sau đó tôi cho uống thuốc thì tỉnh hết. Chúng nó thống nhất rồi bảo tôi mua xích về để trói chân. Tôi dù đau đớn nhưng chẳng còn cách nào khác. Đến nay tôi đã xích chân các con được chục năm rồi.

Năm ngoái tôi thấy con út bệnh tình thuyên giảm, tỉnh táo hơn nhiều nên đã cởi bỏ dây xích. Nào ngờ nó đi lang thang không chịu về nhà. Nó bảo đã tìm được công việc rửa bát thuê, cuối tuần mới về nhà xin gạo đem đi. Tôi mừng vì con đỡ bệnh nhưng lo lắm, chỉ sợ người ta lại làm nó có thai giống như cái Diễm”, bà Lụa tâm sự.

Bà Lụa cho biết, một lần đi lang thang, chị Diễm đã bị người ta làm có bầu và hạ sinh một bé gái. Bà đã thay con gái chăm sóc và nuôi nấng cháu ngoại suốt 14 năm ròng. Ngoài ra bà còn nuôi cả cháu nội – con của một người con trai mắc tâm thần.

Khi được uống thuốc, họ tỉnh táo hơn rất nhiều.

Khi được uống thuốc, họ tỉnh táo hơn rất nhiều.

Hiện tại gia đình bà Lụa sống dựa vào đồng tiền trợ cấp từ chính quyền cũng như giúp đỡ từ mạnh thường quân trong vùng. Bà bảo bà từng đó tuổi, ăn không nhiều nên sống sao cũng được; còn các con ngày 3 bữa cơm là đủ.

“Mỗi ngày chúng nó phải uống 2 lần thuốc, chứ không uống là la hét như người điên. Số thuốc này được Sở Y tế thành phố tài trợ. Điều tôi băn khoăn và lo lắng nhất lúc này chính là khi nằm xuống, ai sẽ chăm sóc chúng nó và các cháu. Giờ tôi chỉ mong có đủ sức khoẻ để làm chỗ nương dựa cho các con”, bà Lụa thành thật.

Người đàn ông 60 tuổi cưới vợ trẻ khiến bao người ngỡ là cha con: Bao giờ trúng số thì về thăm bố mẹ vợ
3 năm “đầu ấp tay gối”, chú Định và vợ chưa một lần cãi vã, thay vào đó luôn yêu thương, đùm bọc và nhường nhịn.

Tin tức 24h

Theo NGỌC HÀ (Nguồn: Độc lạ Bình Dương)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h