Người đàn ông 60 tuổi cưới vợ trẻ khiến bao người ngỡ là cha con: "Bao giờ trúng số thì về thăm bố mẹ vợ"

NGỌC HÀ - Ngày 29/03/2023 12:00 PM (GMT+7)

3 năm “đầu ấp tay gối”, chú Định và vợ chưa một lần cãi vã, thay vào đó luôn yêu thương, đùm bọc và nhường nhịn.

Ai ngang qua đường Lý Thái Tổ (quận 3, TP.HCM) sẽ thấy người đàn ông lớn tuổi sống cùng người phụ nữ gần 40 trên chiếc xe bò 2 bánh tự chế, đằng sau là 2 chú chó. Họ giống như một gia đình nhỏ: bố, con gái và thú cưng. Ngờ đâu hỏi ra mới rõ đó là cặp đôi “đũa lệch” chồng 60 tuổi – vợ 40 tuổi.

Một người dân sống cạnh đó cho hay: “Thường ngày đi qua đây, tôi thấy ông cụ nằm trên chiếc xe ôm 2 chú chó ngủ một cách ngon lành. Còn cô gái trẻ nhặt ve chai ở mọi nơi về phân thành từng loại. Tôi nghĩ đó là cha con có hoàn cảnh khó khăn, đùm nhau sống từng ngày.

Vậy mà tôi hỏi ra mới biết họ là vợ chồng: ông cụ hơn vợ tận 20 tuổi. Họ mưu sinh bằng nghề nhặt ve chai, không con cái ngoài 2 chú chó”.

Sau đó chúng tôi tìm đến nơi “trú ngụ” của cặp vợ chồng “đũa lệch”. Họ thấy người lạ không hề cảm thấy sợ hãi, ngược lại nhiệt tình nói chuyện giống như đã thân quen từ lâu. “Tôi vốn là người gốc Đức Hoà (Long An), lên đây mưu sinh được chục năm rồi. Tôi làm đủ nghề chân tay để có thể bám trụ ở nơi phồn hoa này.

Chiếc xe bò tự chế của hai vợ chồng.

Chiếc xe bò tự chế của hai vợ chồng.

Cô ấy là vợ tôi, chứ không phải cháu gái hay con gái đâu. Ở đây có người hiểu lầm chúng tôi là cha con, lại phải giải thích cặn kẽ”, chú Định (60 tuổi) – người chồng cho biết.

“Vậy cô chú đã nên nghĩa vợ chồng được chục năm rồi à?”, khi được hỏi người đang ông xua tay: “Không, chúng tôi mới làm vợ chồng được 3 năm nay thôi – từ hồi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ấy. Thuở đó hai vợ chồng có thuê một căn phòng trọ để sống, sau đó chẳng có tiền trả nên dọn ra đây ở. Tối cả hai ngủ trên chiếc xe đó, còn 2 con chó cho ngủ dưới đất”.

Chú Định vừa dứt lời, người vợ kém 20 tuổi cho biết chị từng có một đời chồng, một con gái riêng hiện sống cùng bố mẹ đẻ ở quê nhà Hậu Giang. Cách đây vài năm, chị quyết định rời quê lên Bình Dương làm thuê trong xưởng gỗ rồi về Sài Gòn làm mướn trong quán cơm. Tại đây chị đã quen ông xã và nảy sinh tình cảm. Cả hai quyết định về một chung một nhà bởi có nhiều sự đồng cảm cả về hoàn cảnh lẫn tâm hồn.

Chú Định tâm sự về cuộc đời nghèo khó của mình.

Chú Định tâm sự về cuộc đời nghèo khó của mình.

“Ở với nhau được vài tháng, tôi bảo với ông xã rằng làm phụ quán cơm vất vả mà đồng lương ít ỏi, hay ra ngoài lượm ve chai bán. Tôi cũng nói ông lớn tuổi không làm được thì để tôi. Thế là ông ấy gật đầu cái rụp với hi vọng kiếm được nhiều tiền hơn.

Ngờ đâu dịch COVID-19 bùng nổ, hai vợ chồng đành chôn chân ở phòng trọ, cầm cự bằng những suất cơm chay từ thiện. Đến khi dịch đỡ vì suốt thời gian dài không đi nhặt ve chai, chẳng có tiền đóng nhà trọ, chúng tôi phải trả lại chủ và dọn ra ngoài này ở.

Chúng tôi sống ở đây vất vưởng, nắng mưa nhưng vất vả quen rồi. May mắn chúng tôi có 2 con chó bầu bạn, cũng đỡ chán và tủi thân”, người phụ nữ 40 tuổi thành thật.

3 năm “đầu ấp tay gối”, chú Định và vợ chưa một lần cãi vã, thay vào đó luôn yêu thương, đùm bọc và nhường nhịn. Chú bảo cả hai giống như rổ rá cạp lại nên thấu hiểu tâm tư, vì thế xác định “3 cùng”: cùng nhau làm, cùng nhau sống, cùng nhau ăn. Họ chấp nhận có bao nhiêu ăn bấy nhiêu và luôn sát cánh kề vai, nguyện ở bên đến cuối đời.

“Gia đình tôi có 6 anh em, tôi là út. Nhiều người thấy tôi với vợ vất vưởng ngoài đường hỏi sao không về quê nương nhờ người thân. Quả thật chị của tôi nghèo khó, chẳng thế giúp đỡ được gì đâu. Tôi khổ quen, sống sao cũng được, chỉ thương cô ấy từ ngày làm vợ chưa được một ngày sống cho ra sống”, chú Định thật thà nói.

Vợ chú Định tiết lộ cha mẹ ở quê thương con gái cực nên hay giục về quê sống. Song chị không muốn làm phiền gia đình, vì thế cứ bám trụ ở Sài Gòn. Chị tâm sự: “Ông bà kêu vợ chồng mình về quê, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo… nhưng nghĩ đi nghĩ lại ông bà nuôi con mình rồi, về đó lại trở thành gánh nặng cho ông bà. Ông xã cũng bảo rằng bao giờ trúng số độc đắc, có tiền thì về đó chào bố mẹ vợ”.

Người phụ nữ rưng rưng.

Người phụ nữ rưng rưng.

Nhắc đến chuyện chú Định có yêu thương con gái riêng hay không, chị vợ cười tự hào: “Có chứ. Ông ấy cứ kiếm được chút tiền, tích cóp vào rồi hàng tháng bảo tôi gửi về cho con bé, phụ giúp ông bà được phần nào hay phần đó. Tôi cảm nhận ông ấy coi con riêng của tôi như con ruột vậy á. Tôi hi vọng một ngày gần nhất có cơ hội đưa ông ấy về quê chơi một chuyến”.

Về chuyện hai con chó, người phụ nữ thừa nhận cuộc sống khó khăn nhưng vẫn có thể nuôi nấng được chúng. Chúng vốn là chó của người khác, mắc bệnh đường ruột nên bị bỏ rơi. Chị thấy vậy đã “nhặt” về, mua thuốc điều trị và nuôi nấng đến tận bây giờ. Chúng chính là hai người bạn thân thiết của họ.

Chàng trai vốn có cái tên rất kêu nhưng hay bị gọi nhầm, được ông nội đặt lại tên độc nhất vô nhị, đi học thường xuyên được thầy Toán trêu chọc
Chàng trai lớn lên với cái tên do ông nội "chỉnh sửa" đã gặp phải nhiều tình huống "dở khóc dở cười" khiến chính bản thân cậu cũng phải bật cười.

Đặt tên cho con

Theo NGỌC HÀ (Nguồn: Duy Còi)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những câu chuyện cảm động