Người phụ nữ Thái Nguyên có 4 đứa con, 3 đứa bị câm điếc ai biết hoàn cảnh cũng thương

NGỌC HÀ - Ngày 27/03/2023 16:20 PM (GMT+7)

"Giờ tôi đã thấm cái nghèo cái khổ khi đông con và con lại nhiều bệnh tật", người phụ nữ nói.

Đời này có nhiều số phận con người ở tận cùng mọi khổ đau khiến chúng ta không khỏi xót xa và rơi nước mắt thương cảm. Và câu chuyện về gia đình chị Máy (SN 1990) – ngụ xã Thượng Đình (Phú Bình, Thái Nguyên) cũng không ngoại lệ, thậm chí những nỗi đau, sự thống khổ chồng chất khiến nhiều người không khỏi rùng mình.

Vợ chồng chị Máy có 4 người con: 1 gái và 3 trai nhưng có đến 3 đứa câm điếc chẳng thể nghe nói được gì. Chị Gái – một người quen của cặp vợ chồng cho biết: “Cô Máy cưới chồng về đây được chục năm rồi! Cả hai sinh được 4 đứa con mà bệnh tật suốt nên khổ cực lắm. Chồng đi làm thuê ở dưới thành phố, cô ấy một mình chăm lo cho đàn con bệnh tật.

Chị Gái buồn khi nhắc đến hoàn cảnh của hàng xóm.

Chị Gái buồn khi nhắc đến hoàn cảnh của hàng xóm.

Tôi nhìn thương lắm nhưng chẳng biết giúp đỡ thế nào bởi hoàn cảnh cũng chẳng khấm khá hơn. Tôi hi vọng mạnh thường quân có thể giúp đỡ gia đình cô Máy thật nhiều, chứ nhìn tội lắm”.

Cũng theo chị Gái, ngôi nhà của vợ chồng chị Máy đang ở là nhà tình nghĩa, từ thời của bố mẹ chồng để lại. Do đó căn nhà tuềnh toàng, cũ kỹ và chẳng có thứ gì đáng giá, thậm chí công trình phụ cũng chẳng có.

Mở đầu câu chuyện, chị Máy giải thích: “Ngôi nhà tình nghĩa này do chính quyền xây dựng để bố mẹ chồng có chỗ ở. Sau này ông bà qua đời, để lại cho ông xã – khi ấy tôi chưa về làm đâu. Chúng tôi nên nghĩa vợ chồng dự tính ở đó rồi chăm làm để có tiền xây dựng nhà mới cho khang trang hơn. Vậy mà giờ gia đình vẫn sống, chưa thể sửa sang được gì”.

Sở dĩ vợ chồng chị Máy nghèo mãi nghèo vì các con chào đời cứ lần lượt bệnh tật. Chị cho biết con gái đầu – bé Tiên chào đời đã khiến hai vợ chồng chết lặng khi được bác sĩ thông báo bị câm điếc bẩm sinh. Chị không hiểu chuyện gì xảy ra với con gái vì họ hàng nội ngoại không có ai bị như thế.

Ngôi nhà của vợ chồng chị Máy nằm ở rìa cánh đồng.

Ngôi nhà của vợ chồng chị Máy nằm ở rìa cánh đồng.

Chán chường vì con bị câm điếc bẩm sinh là thế nhưng chị Máy chưa bao giờ từ bỏ thiên chức làm mẹ. Chị nỗ lực kiếm tiền đưa con xuống bệnh viện kiểm tra với hi vọng con có thể nghe được. “Bác sĩ nói rằng nếu con lớn hơn, cộng với việc có 20 triệu đồng, có thể lắp trợ thính cho con bé. Khi ấy nó không chỉ nghe được mà còn có thể nói. Tôi mừng lắm, giống như chết đuối vớ phải cọc vậy.

Nhưng thời điểm con bé có thể lắp trợ thính, tôi sinh bé trai thứ 2 – Lộc trong tình trạng bị dây rốn quấn cổ, ngạt thở ảnh hưởng đến não. Tôi vội vàng đưa con xuống Bệnh viện Nhi Hà Nội để cứu chữa với tổng chi phí lên tới 50 triệu đồng. Vậy là cơ hội có thể nghe được của Tiên đã không còn. Hiện tại nó đang học ở trường khuyết tật dưới tỉnh”, chị Máy nhớ lại.

Bé Lộc được cứu sống nhưng do thiếu oxy trong não đã dẫn đến tình trạng não không phát triển, chân tay cứng đơ không thể đi. Bé hiện 6 tuổi với gương mặt khôi ngô nhưng nằm im một chỗ, bố mẹ đặt đâu sẽ nằm ở đó. Đau đớn hơn, bé chẳng thể nói cũng không nghe được, thi thoảng bật cười và ú ớ điều gì đó mà chỉ có người mẹ mới có thể hiểu.

“Thằng nhỏ trắng trẻo, tuấn tú mà người cứ cứng đơ như khúc gỗ vậy đó. Nó cứ nằm một chỗ, tôi đút gì thì ăn đó thôi. 3 năm sau, tôi tiếp tục sinh bé Bình An với hi vọng con chào đời có một cơ thể lành lặn, cuộc sống thật an yên. Song ông trời trớ trêu, tiếp tục khiến tôi ngục ngã khi con mãi chẳng biết nói cười. Giờ con được 3 tuổi, nói rất chậm và khờ khạo. Tôi tính đưa con xuống bệnh viện thành phố kiểm tra mà chưa có điều kiện”, người phụ nữ 33 tuổi bật khóc.

Chị Máy cùng những đứa con bệnh tật.

Chị Máy cùng những đứa con bệnh tật.

Một thời gian sau, chị Máy tiếp tục sinh bé trai thứ 4 và đặt tên là Hưng. Bé hiện chưa nói nên chị vô cùng lo lắng, sợ mang gen của các anh chị. Và khi nhắc đến chuyện vì sao sinh nhiều đến vậy, chị thẳng thắn thừa nhận do không biết cách kế hoạch nên để… nhỡ.

“Có thai rồi, tôi không muốn bỏ chúng đành để đẻ thôi. Giờ tôi đã thấm cái nghèo cái khổ khi đông con và con lại nhiều bệnh tật. Ông xã đi làm thuê với mức lương bèo bọt, còn tôi ở nhà làm nông kiếm đồng ra đồng vào.

Tôi dự định sẽ đưa cái Tiên xuống Hà Nội kiểm tra rồi mua máy trợ thính cho con nhưng làm mãi chẳng có đủ tiền. Tôi thương tụi nhỏ vô cùng mà bất lực”, chị Máy xót xa.

Chị Máy chia sẻ nguyện vọng muốn nuôi con bò, con gà để cải thiện cuộc sống, song không có vốn mua bò gà và dựng chuồng. Giờ chị chỉ mong mạnh thường quân chung tay giúp đỡ để gia đình có “cần câu cơm”, từ đó các con có cơ hội được đi khám bệnh.

Cô gái tí hon cưới chồng khiếm thị, nhìn đứa con ai cũng thở phào nhẹ nhõm cho đến khi biết bệnh tình
"Đáng nhẽ Ly phải có một đám cưới thật đẹp nhưng vì một vài lý do mà không có lễ cưới nào cả. Gia đình cô ấy tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ, còn nhà tôi không có. Đến ảnh cưới của hai vợ chồng cũng không chụp. Tôi luôn suy nghĩ về việc này và cảm thấy đời này nợ cô ấy nhiều thứ”, người đàn ông khiếm thị rưng rưng.

Những câu chuyện cảm động

Theo NGỌC HÀ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những câu chuyện cảm động