Nhắc đến chuyện có ai hỏi mua Lắc hay không, chị Ngân hạnh phúc khoe cách đây chục hôm đi bán vé số gặp một người lạ. Họ tỏ ra rất thích thú và ngỏ lời mua Lắc với giá 85 triệu đồng.
Vài tháng trước, dư luận không khỏi ngỡ ngàng trước câu chuyện mẹ đơn thân ở Bến Tre sở hữu thú cưng là chuột dừa – giống với chuột đồng nhưng loài này chỉ có thể tìm thấy trên những cây dừa Bến Tre, ấp trong người 24/24. Nhiều người cho rằng việc nuôi chó mèo hoặc chuột hamster là điều bình thường, phù hợp với trào lưu của giới trẻ hiện nay. Song việc nuôi một con chuột dừa thuộc loài tự nhiên như thế không phải tốt, có thể gây bệnh cho chính con người.
Thậm chí có người còn đặt ra loạt câu hỏi, như: “Chuột dừa bẩn, dễ có hạch và lây bệnh cho đám trẻ trong nhà. Vậy chị nuôi như thế này là hại chính gia đình?”, “Chuột là loài bẩn thỉu nhất trong các loài, giờ ăn ngủ cùng như thế rất nguy hiểm. Chị không sợ à mà còn gọi là con, xưng mẹ?”…
Trước hàng loạt câu hỏi xoay quanh vấn đề coi chuột dừa là “con”, chị Ngân (37 tuổi) – chủ nhân của nó lần nữa xuất hiện trên kênh YouTube Độc lạ Bình Dương để giãy bày tất cả, mong mọi người hiểu và thông cảm cho việc chị coi nó là thú cưng.
Hiện tại Lắc đã lớn và béo tốt hơn rất nhiều.
Mở đầu câu chuyện, mẹ đơn thân bộc bạch: “Tôi thấy Lắc (tên gọi của chuột dừa) rất dễ thương, không hề ghê sợ hay rùng rợn như nhiều người nghĩ. Tôi có quan niệm đã là động vật thì con nào cũng xứng đáng được yêu thương và cưng chiều, không thể có sự phân biệt giữa chó mèo, cá, heo hay chuột… Mọi người phải nuôi mới biết được nỗi lòng của tôi.
Tôi cũng hi vọng đừng ai độc mồm độc miệng nguyền rủa Lắc có hạch rồi lây bệnh tật cho con người. Tôi nuôi nấng nó từ nhỏ, chăm sóc sạch sẽ như con ruột của chính tôi, thậm chí còn tắm rửa cho nó 3 ngày/lần… Như thế nó khác hẳn so với chuột ngoài tự nhiên”.
Chị Ngân ân cần cho Lắc ăn cơm...
Cũng theo chị Ngân, sau khi đoạn video ghi cảnh chị và Lắc thân thiết với nhau được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội, rất nhiều người đã gọi điện đến hỏi thăm và động viên. Nhưng cũng có người gọi điện buông lời chê bai Lắc và chửi mắng… khiến chị cảm thấy bị làm phiền. Vì thế chị đành phải tắt nguồn điện thoại một thời gian.
“Tôi cũng đọc nhiều bình luận nói ra nói vào chuyện tôi nuôi chuột dừa. Tôi chỉ cười, chứ không dám phản ứng gì thái quá. Tôi nghĩ rằng mỗi người có một quan điểm sống riêng nên không thể ép họ theo ý của tôi được. Song nhiều người yêu mến Lắc lắm đó. Tôi đi bán vé số có người nhận ra, chạy lại hỏi thăm này kia. Khi ấy tôi vui vẻ lắm, nhận ra bên cạnh những người không thích cũng có người yêu mến”, người phụ nữ 34 tuổi tâm sự.
Vừa dứt lời, chị Ngân hướng ánh mắt trìu mến vế phía Lắc – đang chạy quanh quẩn trên bàn. Chị nhỏ nhẹ: “Mẹ lấy cơm cho Lắc ăn nhé”. Thế rồi, chị nhờ con gái nhỏ chạy vào trong bếp lấy chút cơm trắng cùng miếng dưa hấu. Chị từ từ đút từng hạt cơm cho chuột dừa nhấm nháp.
Chị Ngân coi chuột dừa như con cưng trong nhà.
“Đợt này Lắc ăn đa dạng hơn trước, có thể ăn cơm, dưa hấu và uống sữa đặc pha loãng… Nó không biết nói nhưng đói lúc nào là bảo mẹ ngay. Nó chỉ cần liếm tay hoặc căn áo giật giật là tôi biết đói, cho ăn luôn. Ăn xong nó ngoan ngoãn nằm ngủ trong người hoặc túi áo của tôi”, chị Ngân nói.
Nhắc đến chuyện có ai hỏi mua Lắc hay không, chị Ngân hạnh phúc khoe cách đây chục hôm đi bán vé số gặp một người lạ. Họ tỏ ra rất thích thú và ngỏ lời mua Lắc với giá 85 triệu đồng. Nhưng chị lắc đầu từ chối, quyết không vì tiền mà “chuyển nhượng con” cho người khác.
“Thà nó chết rồi tôi đem đi chôn chứ không bán đâu. Tôi nghèo thật nhưng nuôi nấng gần 1 năm trời, có bao nhiêu tình cảm. Tôi lo sợ mình bán đi rồi, người ta có chăm sóc tốt, có cho ăn uống đầy đủ, có tắm rửa thường xuyên, có đối đãi tốt hay không?
Có thể nhiều người nói tôi gàn dở, quý chuột hơn tiền nhưng tính vậy rồi biết phải làm sao. Ai nuôi con gì đó mới hiểu rằng bản thân dành tình cảm đặc biệt cho thú cưng của mình như thế nào”, chị Ngân bộc bạch.
Chị Ngân vốn có một gia đình trọn vẹn. Sau đó chị và chồng không tìm được tiếng nói chung nên đường đi đôi ngả. Chị quyết định nuôi mấy đứa con, mưu sinh bằng nghề bán vé số.