Sau khi điều trị nhiều cách không có kết quả, cuối cùng, chị C tìm đến bệnh viện Nhiệt Đới và xác định được nguyên nhân bệnh của mình.
Hiện tại, bệnh nhân B.T.C (38 tuổi, tỉnh Đắk Lắk) sức khỏe đã ổn định trở lại sau khoảng thời gian dài bị sốt nặng. Chị C làm công nhân ở huyện Vĩnh Của, tỉnh Đồng Nai. Giữa tháng 2/2015, chị về quê thăm gia đình. Đầu tháng 3/2015, bỗng dưng chị bị sốt cao, nhức đầu… Chị cho rằng mình bị sốt bình thường nên ra quầy thuốc tây mua thuốc về uống.
Chị C hiện đang được điều trị tại bệnh viện Nhiệt Đới
Hơn 3 ngày trôi qua nhưng các triệu chứng không có dấu hiệu thuyên giảm. Ngược lại, trên người nổi nhiều ban đỏ. Đúng một tuần, chị cảm thấy quá mệt nên đến bệnh viện tỉnh Đắk Lắk khám. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán chị bị nhiễm siêu vi nên cho điều trị ngoại trú.
Chị uống thuốc và hạ sốt trong ba ngày. Tuy nhiên, sau đó, cơn sốt trở lại và nặng hơn trước. Chị tìm đến phòng khám đa khoa tư nhân điều trị nhưng vẫn không có kết quả.
Gần 20 ngày trôi qua, chị đến bệnh viện tỉnh Đồng Nai khám và được bác sĩ chẩn đoán bị nhiễm giun chỉ cấp. Ngày 18/3, chị quyết định nhập viện bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM.
Qua thăm khám, bác sĩ tại bệnh viện Nhiệt Đới xác định, chị C bị giảm tế bào máu ngoại biên, nhiễm trùng nặng, gan, thận bị tổn thương… Phết máu ngoại biên và phết tủy xương soi, bác sĩ phát hiện có loài trùng roi di động.
Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu (Giám đốc bệnh viện Nhiệt Đới) cho hay, từ trước đến nay, ở Việt Nam chưa ghi nhận bất kì trường hợp nào bị nhiễm trùng roi. Trên thế giới, việc người bị nhiễm trùng roi thường được phát hiện ở châu Phi, Nam Mỹ. Tuy nhiên, chị C khẳng định mình không hề xuất ngoại. Điều này khiến đội ngũ y bác sĩ vô cùng bất ngờ.
Đây là ca bệnh nhiễm trùng roi được phát hiện ở Việt Nam
Nhận thấy sự nguy cấp, bệnh viện Nhiệt Đới gửi mẫu bệnh phẩm sang Phòng Ký sinh trùng (Khoa Thú y, đại học Kasetsart, Thái Lan) xét nghiệm. Ngoài ra, bệnh nhân được cho uống các loại thuốc kháng nấm.
Ngày 31/3/2015, kết quả từ xét nghiệm từ Thái Lan gửi về cho biết, đúng là chị C bị nhiễm trùng roi dạng Trypanosoma evasi. Ngay sau đó, chị được truyền thuốc vào tĩnh mạch liên tục tám ngày và tình trạng sốt được thuyên giảm.
Vì đây là căn bệnh hiếm gặp nên thuốc điều trị đặc hiệu thường khó tìm. Trường hợp của chị C may mắn đáp ứng tốt với điều trị và hiện tại vẫn được theo dõi sức khỏe định kỳ.
Trùng roi dạng Trypanosoma hay còn gọi là bệnh ngủ châu Phi là loại bệnh do ký sinh trùng Trypanosoma gây nên, và lây truyền qua vết đốt của ruồi tse-tse. Ruồi tse tse đã vận chuyển Trypanosoma từ gia súc sang người trong quá trình hút máu. Triệu chứng của bệnh là co giật, rối loạn giấc ngủ trầm trọng dẫn đến hôn mê và tử vong. Căn bệnh này đe dọa đến hàng triệu người ở 36 quốc gia Châu Phi, dự tính mỗi năm số người mắc bệnh tăng lên từ 50.000 đến 70.000 người. Trùng roi dạng Trypanosoma trải qua 3 thời kì: - Thời kì đầu bệnh gây sốt kéo dài kèm theo triệu chứng thần kinh do não và màng não bị thương tổn. - Thời kì giữa trùng bệnh ngủ gây viêm màng não làm bệnh nhân gầy còm, rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mê. - Thời kì cuối là lúc bệnh nhân ngủ quá nhiều, giấc ngủ ngày càng sâu, cuối cùng hôn mê và tử vong. Được biết, tại Việt Nam, từ hàng chục năm nay, các chuyên gia thú y ở các tỉnh phía Bắc đã ghi nhận Trypanosoma evansi gây bệnh cho trâu bò. Bệnh chủ yếu nhiễm qua đường máu do các loại ruồi muỗi hút máu từ trâu, bò bệnh rồi hút máu trâu bò khỏe và truyền bệnh cho chúng… |