Việc ghép hạch bạch huyết kết hợp với tạo hình lại ngực giúp cho bệnh nhân lấy lại vóc dáng cũ. Đây là niềm mơ ước của nhiều phụ nữ không may gặp phải căn bệnh quái ác này.
Tránh biến chứng ung thư
Đầu năm 2014, chị Trần H. (41 tuổi, TP.HCM) phát hiện bị mắc ung thư vú giai đoạn đầu. Được sự tư vấn của bác sĩ, chị quyết định cắt bỏ vú trái. Sau hơn hai tháng nạo hạch, xạ trị, sức khỏe của chị tương đối bình thường. Tuy nhiên, chị cũng như nhiều bệnh nhân cắt bỏ vú do ung thư khác, tay trái có cảm giác đau, sưng phù… Chị thực hiện các liệu pháp nhưng vẫn không thuyên giảm.
Tay càng ngày càng đau, chị đến khoa Ung bướu – ngoại tổng quát (bệnh viện Thủ Đức, TP.HCM) khám. Lúc này, bác sĩ cho biết, tình trạng của chị là thường gặp đối với những người điều trị ung thư vú. Số lượng bệnh nhân gặp phải trường hợp này chiếm 56%.
Cánh tay của chị H. đã giảm sưng so với trước
Sở dĩ những người điều trị ung thư vú thường gặp trường hợp này là trong quá trình hóa trị, xạ trị, đường dẫn bạch huyết tại vùng nách bị tổn thương, bị co rút. Điều này dẫn đến bạch huyết từ cánh tay không thể lưu thông bình thường nên gây ra tình trạng phù tay, đau nhức. Người bệnh rất khó sinh hoạt, có thể bị lở loét không lành, thậm chí di căn thành ung thư…
Mặc dù tình trạng này khá phổ biến đối với những người điều trị ung thư vú, nhưng tại Việt Nam, đội ngũ y bác sĩ vẫn chưa tìm được cách khắc phục, điều trị. Vì điều này, ekip bác sĩ Khoa Ung bướu – ngoại tổng quát (bệnh viện Thủ Đức) đặc biệt chú ý về căn bệnh này. Về sau, khi được tập huấn tại Mỹ và Hàn Quốc, các bác sĩ đặc biệt chú trọng đến phương thức điều trị bằng cách ghép hạch bạch tuyết và tạo hình lại ngực cho bệnh nhân.
Được sự tư vấn của bác sĩ, chị H. chấp nhận làm bệnh nhân đầu tiên ở Việt Nam được điều trị bằng cách ghép hạch bạch tuyết. Trong khoảng thời gian này, chị khá lo lắng, vì chưa biết kết quả thế nào. Tuy nhiên, trong thâm tâm, chị vẫn tin tưởng vào đội ngũ y bác sĩ.
Tháng 1/2015, chị H. bước vào quy trình điều trị. Ca mổ kéo dài hơn 10 tiếng đồng hồ. Gần ba tháng trôi qua, hiện tại, mô vú của chị đã tái tạo tốt, cánh tay trái giảm phù khá nhiều so với trước. Chỗ phù to nhất trước đây là 31,5 cm, hiện nay chỉ còn khoảng 30 cm.
Chị cho biết, tình trạng đau nhức ở cánh tay cũng giảm nhiều. Chị thật sự vui mừng và hạnh phúc khi mình là người đầu tiên được ghép hạch bạch huyết, điều trị di chứng phù tay đầu tiên tại Việt Nam và đang có những diễn biến tốt.
Niềm vui cho nhiều người trong tương lai
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ (Trưởng khoa Ung bướu – ngoại tổng hợp, Bệnh viện Thủ Đức) cho biết, để thay thế hạch bị thương, đội ngũ bác sĩ lấy hạch bạch huyết từ vùng bẹn ghép vào vùng nách. Việc ghép hạch bạch huyết nhằm kích thích tăng sinh hệ thống bạch huyết, kết nối với hạch. Từ đó, tạo lập việc dẫn lưu bạch huyết như lúc ban đầu, khi chưa thực hiện điều trị ung thư vú.
Đặc biệt hơn, việc ghép hạch bạch huyết kết hợp với tạo hình lại bầu vú giúp cho bệnh nhân lấy lại được vóc dáng cũ. Đây là niềm mơ ước của nhiều phụ nữ không may gặp phải căn bệnh quái ác này.
Bác sĩ Vũ cho biết, việc thực hiện ghép hạch bạch huyết chỉ được thực hiện đối với những bệnh nhân ung thư vú phát hiện kịp thời. Riêng các trường hợp được phát hiện trễ thì không thể thực hiện. Bởi, việc phù tay là do ung thư tái phát nên lúc này, việc ghép hạch không có giá trị. Ngoài ra, những trường hợp bị phù tay sớm sau khi điều trị ung thư thì không cần phải phẫu thuật mà chỉ cần điều trị bằng cách uống thuốc.
Ông Vũ khuyên, sau khi mổ ung thư vú, bệnh nhân nên tập vật lý trị liệu sớm như sử dụng băng thun găng tay áp nhẹ để máu không bị dồn ứ, tập đưa tay áp sát tường rồi đưa lên cao dần… Riêng khi ngủ cần đặt tay cao hơn tim để máu dễ lưu thông.