Người phụ nữ biến đồ jean cũ thành hàng thời trang chất, khách hàng bất ngờ với thành phẩm

An Phú - Ngày 25/03/2021 12:15 PM (GMT+7)

“Khi khách hàng đến nhận túi, rất nhiều người ngạc nhiên và không tin đó là túi làm từ vải quần jean cũ họ đem đến đổi. Ai cũng cảm thấy thích thú với sản phẩm mới trên tay…”.

Đó là cảm nhận chung của nhiều chị em ở Hà Nội và các tỉnh thành khác khi nhận lại thành phẩm túi tái chế từ đồ jean cũ của chị Bùi Thị Kim Ngân (quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội).

Người phụ nữ biến đồ jean cũ thành hàng thời trang chất, khách hàng bất ngờ với thành phẩm - 1

8 năm trước, cơ duyên của chị Kim Ngân đến với công việc này hết sức tình cờ. Khi thấy mẹ dọn tủ đồ của 3 chị em và giữ lại tất cả quần áo cũ, vì không mặc được nữa nên bỏ đi chỉ thành giẻ lau rất phí, thế là chị bắt đầu giữ lại và mày mò sáng tạo, làm những sản phẩm đầu tiên từ quần áo cũ.

“Lúc đầu chỉ tính làm chơi để tặng mọi người cho vui, không ngờ sản phẩm tạo được hiệu ứng tốt, có rất nhiều người thích. Bạn bè đăng lên facebook, ai cũng khen, có cả người nước ngoài nữa, thế là mình nảy ra ý tưởng mở chương trình thu gom quần áo cũ đổi lấy túi tái chế, kiếm nguồn vật liệu ổn định để sáng tạo nhiều hơn”, chị Kim Ngân chia sẻ.

Người phụ nữ biến đồ jean cũ thành hàng thời trang chất, khách hàng bất ngờ với thành phẩm - 2
Người phụ nữ biến đồ jean cũ thành hàng thời trang chất, khách hàng bất ngờ với thành phẩm - 3
Người phụ nữ biến đồ jean cũ thành hàng thời trang chất, khách hàng bất ngờ với thành phẩm - 4
Người phụ nữ biến đồ jean cũ thành hàng thời trang chất, khách hàng bất ngờ với thành phẩm - 5

Từng có thời gian làm thợ thiết kế túi cho nhãn hiệu khác ở địa phương nên chị có kinh nghiệm sáng tạo và hiểu các công đoạn làm túi hoàn chỉnh. Từ những chiếc túi đơn giản đến những mẫu túi thời trang, chị Kim Ngân nhanh chóng có lượng người mua ổn định. “Làm túi tái chế, đặc biệt là làm thủ công hoàn toàn nên rất mất thời gian, mình phải thuê thêm thợ để phụ mình ở xưởng. Trong thời điểm đó, mình cũng quyết định nghỉ việc luôn ở văn phòng để tập trung cho công việc này. Thời gian đầu, mình vấp phải nhiều ý kiến từ gia đình, nhất là mẹ, nhưng dần dần mọi người ai cũng ủng hộ vì thấy túi mình làm ra đẹp, lại có nhiều ý nghĩa cho môi trường nữa”, chị hào hứng kể.

Theo chị Ngân, jean là chất liệu bền, chống chịu tốt qua thời gian, mỗi loại jean đều có những họa tiết ấn tượng riêng nên rất khó trùng lẫn với bất kì sản phẩm nào. Khi nhận một chiếc quần áo cũ trên tay, chị Ngân sẽ chọn phần vải có chi tiết lạ để cắt tạo mẫu, tận dụng lại khuy, nút, tất cả các phụ liệu trên quần để tiết kiệm nguyên liệu, tránh sử dụng thêm đồ mới.

Người phụ nữ biến đồ jean cũ thành hàng thời trang chất, khách hàng bất ngờ với thành phẩm - 6

“Đã làm đồ tái chế thì phải nghĩ làm sao để hạn chế dùng đồ mới, không thải ra thêm ngoài môi trường nên khi nhận quần áo đổi từ mọi người, mình cũng sẽ xem xét cái nào thật cũ, sờn mới làm túi, còn mới sẽ dành lại để tặng cho những người có hoàn cảnh khó khăn”, chị nói thêm. 

Rác thải từ ngành công nghiệp thời trang luôn là gánh nặng cho môi trường. Chị chia sẻ trong quá trình làm đồ tái chế, người làm phải đảm bảo sản phẩm mình làm ra cũ nhưng bền, chắc chắn, sử dụng được lâu, kéo dài thêm vòng đời cho nó chứ không phải là đồ tái chế thì chỉ dùng năm ba bữa.

Người phụ nữ biến đồ jean cũ thành hàng thời trang chất, khách hàng bất ngờ với thành phẩm - 7

Tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, bước rẽ sang công việc chẳng mấy liên quan này đã khiến chị suy nghĩ ít nhiều, nhưng với chị thà chọn việc vất vả hơn, thậm chí có rủi ro nhưng đem lại cảm giác vui vẻ mỗi ngày làm việc. Nhớ lại khoảng thời gian gắn bó với công việc văn phòng, chị kể: “Ai cũng quan niệm làm văn phòng sẽ nhàn hạ, nhưng với mình thì quả thật rất chán, mỗi ngày mình chỉ tập trung làm được khoảng 5 tiếng, thời gian còn lại rất uổng phí. Thay vào đó, khi làm việc ở nhà, mình sẽ tự chủ động thời gian và làm được điều mình thích”.

Người phụ nữ biến đồ jean cũ thành hàng thời trang chất, khách hàng bất ngờ với thành phẩm - 8

Bỏ qua những lời bàn ra vào của mọi người, chị tập trung cho chuyên môn thiết kế của mình. Từ ngày làm công việc này, chị thấy mỗi ngày đều vui vẻ và đáng sống hơn. Chị bày tỏ: “Ít ra mình cũng biết bản thân đang sống vì điều gì, làm được chút gì đó cho cuộc đời này, để khi mình chết đi thì những sản phẩm mình đã làm, thương hiệu mình xây dựng bao năm qua vẫn ở lại với mọi người”. 

Mỗi sản phẩm chị làm ra đều nhận lại rất nhiều phản hồi tốt từ khách hàng trong và ngoài nước. Từ TP.Vũng Tàu đặt mua túi ở Hà Nội, chị Kiều Mi tỏ ra thích thú: “Mình đã mua sản phẩm handmade nhiều rồi nhưng túi của Ngân tạo cho mình cảm giác ấm áp và thân thiện, mình tò mò nên mua luôn hàng may sẵn của Ngân. Khi nhận được túi, mình rất bất ngờ, vì túi tái chế thì nhiều bạn làm thật nhưng làm bằng cả cái tâm và tình yêu thì lần đầu mình cảm nhận được. Ngân đã đặt tình yêu vào từng nét thêu, cả cái khóa dây đẹp, đường kim mũi chỉ rất chất lượng. Chính cô nàng đã kéo dài thêm vòng đời của những chiếc quần jean đã cũ”.

Chị Ngân kể thêm, có nhiều lần khi khách hàng đến nhận túi, rất nhiều người ngạc nhiên và không tin đó là túi làm từ vải quần jean cũ họ đem đến đổi. Ai cũng cảm thấy thích thú với sản phẩm mới trên tay. “Họ hỏi ngược lại mình, liệu có phải làm từ jean cũ họ đem đến không? Sao nó nhìn lạ và thú vị quá”, chị vui vẻ nói. 

Mỗi phần vải trên quần áo cũ đều có thể sáng tạo làm ra nhiều cái mới mà không đòi hỏi kỹ thuật gì quá cao siêu, miễn là người làm có con mắt nhìn để kết hợp, hài hòa chúng lại với nhau. 

Đến nay, chị Ngân đã có nhiều đơn đặt hàng từ khách nước ngoài tìm đến qua dòng chữ in trên mỗi sản phẩm “Made in Hanoi, Vietnam”. Nhìn lại chặng đường đã đi qua, chị luôn cảm thấy biết ơn vì bản thân đã vượt qua nhiều trở ngại từ sức khỏe, kinh tế để chạm đến đam mê của mình. “Mỗi lần nhận phản hồi từ chị em trên facebook, mình cảm thấy vui lắm. Tuy mình chưa đi được nhiều nơi, nhưng những sản phẩm của mình đã đi thay mình đến nhiều thành phố, tỉnh thành khác nhau”, chị tự hào kể.

Người phụ nữ biến đồ jean cũ thành hàng thời trang chất, khách hàng bất ngờ với thành phẩm - 9

Công việc tái chế đòi hỏi nhiều thời gian và công sức của người thợ cho một sản phẩm, nhưng chị vẫn luôn có cách sắp xếp để dung hòa mọi việc, cả chăm lo cho đình, chồng con nữa. “Làm túi tái chế là sở thích riêng, công việc chính mình vẫn là cộng tác viên thiết kế túi cho một số nhãn hiệu và bên túi móc thủ công từ sợi. Ngoài thời gian làm việc, mình vẫn có một góc vườn nhỏ để đọc sách, trồng cây hương thảo, hoa hồng, các loại rau” – chị chia sẻ.

Theo chị Ngân, mỗi thời điểm sẽ có những khó khăn nhất định. Bản thân mình phải biết sắp xếp thứ tự ưu tiên và khoa học. Như việc nhà, việc bếp, việc chăm con thì có chồng phụ giúp, hai người sẽ san sẻ với nhau trong mọi hoạt động. Cây và các loại rau ngoài vườn có thể làm hệ thống tưới tự động để tiết kiệm thời gian chăm sóc. Vì đây là công việc đam mê nên chị Ngân chỉ làm vừa sức và cảm thấy thoải mái, không để áp lực quá lớn.

Quỹ thời gian cho sở thích cá nhân sẽ hẹp lại khi làm vợ, làm mẹ, nhưng nhờ có gia đình, chị có thể cân đối mọi thứ. “Một tay không vỗ thành tiếng, mình luôn cảm thấy may mắn vì có người thân ủng hộ, chồng bên cạnh mọi lúc và có một công việc riêng ổn định để nuôi dưỡng sở thích cá nhân” – chị tâm sự.

Người phụ nữ biến đồ jean cũ thành hàng thời trang chất, khách hàng bất ngờ với thành phẩm - 10

Hiện tại, chị Ngân đang mở xưởng và sản xuất chính tại nhà, trong tương lai chị sẽ kết hợp với nhiều trạm xanh, cửa hàng bán đồ thuần thiên nhiên, cùng chung mục đích bảo vệ môi trường để bày bán sản phẩm. Mỗi chiếc túi tùy kiểu dáng có giá dao động từ 105.000 – 650.000 đồng.

Ly hôn, bị mất một tay, người mẹ vẫn quyết từ chối tử thần vì tôi chết, con sẽ đói
"Đã hơn 2 lần tôi tìm cách tự tử tại nhà, nhưng chắc ông trời thương 3 mẹ con tôi, nên những lần đó con tôi đều phát hiện và kêu to, khóc òa…".
An Phú
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Eva giảm nhựa