Cụ ông 63 tuổi được cho là khách quen của bà cụ 88 tuổi không nơi nương tựa, một mình bán vé số mưu sinh ngoài chợ. Thương hoàn cảnh côi cút của cụ bà, vợ chồng ông này nhiều lần ngỏ ý đưa bà về phụng dưỡng như mẹ ruột và được cụ đồng ý.
“Nhặt” mẹ già về phụng dưỡng?
Nhiều ngày qua, con hẻm nhỏ dưới chân cầu Bà The (phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM) chộn rộn câu chuyện ông Đ.T.S., 63 tuổi, ngụ quận 12 và vợ “nhặt” 1 bà lão tứ cố vô thân về phụng dưỡng như mẹ ruột. Được biết, ông S. cùng vợ thuê trọ tại căn phòng trọ ọp ẹp, chưa đầy 12m vuông. Cuộc sống của ông bà chỉ trông chờ vào số tiền ít ỏi sau những cuốc xe ôm của ông S.. Thế nhưng, ông bà lại “nhặt” cụ bà N.T.S., 88 tuổi, quê tỉnh Tây Ninh về phụng dưỡng.
Trên 1 bài báo, ông S. kể chi tiết về việc mình gặp “mẹ nuôi” một cách đầy xúc động và lấp lánh tình người. Theo đó, nhiều năm trước, ông làm phu xe rác ở quận 3, TP.HCM. Mỗi ngày đi làm, khi ngang qua chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP.HCM), ông bắt gặp hình ảnh bà lão, thui thủi ngồi bán vé số. Thương cụ tuổi đã cao vẫn phải đội nắng dầm mưa mưu sinh, mỗi ngày ông đều ghé, mua ủng hộ cụ bà ít tờ vé số.
Ông Đ.T.S. chia sẻ câu chuyện "nhặt" mẹ về phụng dưỡng với PV cùng vẻ mặt ê chề.
Một đêm nọ, ông phát hiện cụ bà nằm co ro một mình trong chợ. Hỏi người dân xung quanh, ông mới biết bà cụ không có con cái, sống lang thang một mình. Xúc động trước cảnh cụ già côi cút, ông bàn với vợ mời cụ về phòng trọ của mình sống chung. Sau nhiều lần “năn nỉ”, cuối cùng, cụ bà đã chịu về nhà với ông S.. Tại phòng trọ, vợ chồng ông S. xưng con và gọi cụ N.T.S. là mẹ. Hơn thế, gia đình ông còn đối đãi, chăm lo cho cụ T.S. như đang phụng dưỡng chính mẹ ruột của mình.
Câu chuyện cảm động, thấm đẫm tình người ấy lan truyền chóng mặt. Không ít người đã tìm đến vợ chồng ông S. để tận mắt chứng kiến 2 con người có tấm lòng cao cả. Thậm chí, có người còn xem câu chuyện trên như một bài học đạo đức về chữ hiếu. Biết gia cảnh ông S. khó khăn, vợ bệnh nặng nhiều năm, không ít mạnh thường quân có ý định thăm nom, hỗ trợ để 2 người bớt phần nào nỗi cơ cực trong việc phụng dưỡng người mẹ không cùng huyết thống. Ngày 8/7, PV đến căn phòng trọ của vợ chồng ông S. để ghi nhận câu chuyện đầy nhân văn. Thế nhưng, khi vào cuộc tìm hiểu, PV lại vỡ lẽ 1 câu chuyện khác đầy bất ngờ.
Trong một bài báo, ông chia sẻ gặp cụ N.T.S. tại chợ khi cụ bà đội nắng, dầm mưa bán vé số mưu sinh. Thương cụ bà, ông mời cụ về nhà sống chung và chăm sóc.
Sự có mặt của PV không khiến những người sinh sống cùng dãy trọ với ông S. bất ngờ. Họ cho biết, mấy ngày nay cũng có nhiều người đến tìm ông bà S. với nhiều cảm xúc, mục đích khác nhau. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc ông S. đang phụng dưỡng mẹ nuôi một cách đầy hiếu thảo, những người này lại tỏ ra nghi ngại. Nhiều người còn cho biết, cụ N.T.S. thực chất là mẹ ruột của ông S. chứ không phải mẹ nuôi. Và, câu chuyện ông “nhặt” mẹ về phụng dưỡng chỉ là câu chuyện vui sau khi ông quá chén trong một cuộc nhậu.
Sự thật bất ngờ
Để xác tín thông tin trên, PV đến phòng trọ của ông S. tìm hiểu. Thời điểm PV có mặt đúng lúc bà N.T.N.L., 58 tuổi, vợ ông S. vừa dắt chiếc xe đạp về phòng trọ của mình. Trao đổi với PV, bà L. cho biết, đúng là có bài báo viết câu chuyện ông S. nhận cụ N.T.S. về nuôi. Tuy nhiên, bà không xác tín cũng không phủ nhận thông tin người dân cho rằng, cụ N.T.S. là mẹ ruột của chồng mình. “Hiện, tôi không muốn nhắc đến việc này nữa. Chồng tôi cũng không có nhà. Tôi rất mệt mỏi về chuyện này và không muốn chia sẻ gì thêm. Nếu báo chí muốn viết bài, đưa tin cứ viết theo bài báo cũ đã đăng”, bà L. nói rồi mời PV ra về để bà nghỉ ngơi.
Việc ông S. và vợ dù khó khăn, sống trong căn phòng trọ chưa đầy 12m vuông vẫn nhận nuôi thêm một cụ bà khiến không ít người cảm động, khâm phục.
Theo tìm hiểu của PV, thời điểm bà N.T.S. sống cùng nhà với ông S., cụ bà vẫn đi bán vé số. Mỗi sáng sớm, ông S. chở cụ bà đi bán vé số rồi mới đến điểm chạy xem ôm của mình. Trưa, ông lại đến đón bà cụ về phòng trọ. Bằng nhiều cách, PV đã liên hệ được với ông S. và có cuộc trao đổi về câu chuyện “nhặt” mẹ của mình.
Trò chuyện với PV, ông S. thú nhận, những thông tin ông cung cấp trên bài báo trước đây đều không đúng sự thật. “Cụ N.T.S. là mẹ ruột của tôi. Những gì tôi cung cấp cho cô nhà báo trước đó là không đúng sự thật. Lúc trò chuyện với cô nhà báo, tôi cũng đã có rượu rồi. Tuy nhiên, tôi không dựng lên câu chuyện với mục đích gì xấu và cũng không ngờ sự việc lại gây ra những phiền toái không đáng như vậy”, ông S. nói. Ông cho biết, việc ông gọi bà N.T.S. là mẹ nuôi là “chiều theo lời mẹ” và muốn cụ bà vui vẻ, được thỏa ý định của mình.
“Cách đây nhiều năm, vì muốn công việc bán vé số thuận lợi, được nhiều người ủng hộ, mẹ tôi tự biến mình thành người không có con cái, không có người thân. Bà dặn tôi gọi bà là mẹ nuôi. Sau đó, khi có người hỏi tôi với bà có quan hệ như thế nào, tôi đều nói theo ý bà rằng, tôi là con nuôi của bà. Biết việc mẹ tôi không có con cái, khách hàng ủng hộ, mua vé số của bà nhiều hơn. Thấy vậy, bà càng có ý định giấu chuyện chúng tôi là ruột thịt. Bây giờ, cụ già rồi, đã lẫn nhưng không chịu ở nhà, cứ đòi ra ngoài đường bán vé số. Bà cũng không chịu ăn cơm chung với vợ chồng tôi vì quen ăn ở ngoài rồi. Tôi thấy bà thích đi và nghĩ rằng, nếu để cụ ở nhà ngồi một chỗ lại sinh bệnh nên cứ để cụ đi đây đó, bán được hay không tôi cũng mặc”, ông S. chia sẻ.
Cũng theo ông, từ lâu, ông không màng đến chuyện cụ T.S. có bán được vé số hay không vì ông không bao giờ lấy tiền của cụ để trang trải. Ông quả quyết, dù cuộc sống khó khăn, đã có tuổi, ông vẫn còn làm việc được và có thể nuôi sống bản thân và vợ. Việc ông và cụ T.S. vẫn “giữ vai” con nuôi, mẹ nuôi là thói quen từ nhiều năm trước chứ không hề có ý định tranh thủ lòng tốt của mọi người.
Dù câu chuyện "nhặt" mẹ về phụng dưỡng là giả nhưng việc ông S. luôn hiếu thảo với cụ T.S. là điều rất thật.
Thương mẹ nóng nực trong những ngày hè, ông mua trả góp cho cụ một chiếc quạt hơi nước để cụ cảm thấy thoải mái hơn. Mới đây, ông tiếp tục mua trả góp thêm một chiếc máy lạnh, lắp trên gác xép cho cụ T.S. vì chiếc quạt trước đó không "chiến thắng" được cái nắng nóng, ngột ngạt của thời tiết miền Nam.
“Tôi rất sợ sau chuyện này, người khác nghĩ tôi dựng chuyện để lừa đảo, lợi dụng lòng tốt của mọi người. Từ trước đến nay, dù khó khăn chất chồng, tôi chưa từng ngửa tay xin ai đồng nào. Vừa qua, khi câu chuyện sai sự thật của tôi được đăng tải, nhiều người đến xin giúp đỡ tôi nhưng tôi kiên quyết từ chối. Nếu nhận, chẳng khác nào tôi lừa người ta trong khi tôi không hề có ý định như vậy. Tôi rất buồn vì chuyện này. Không phải tôi tạo dựng thông tin giả ra để lấy tiền bạc hay chờ đợi sự bố thí của người ta. Tôi chỉ nghĩ làm như vậy để bà cụ bán vé số cho “trôi chảy” thôi. Tôi chỉ nương theo bà cụ…”, ông S. buồn bã giãi bày.
Sẽ xác minh lại mối quan hệ của ông S. và cụ bà N.T.S. Ông Dương Minh Nhật, Phó Chủ tịch phường Thạnh Xuân cho biết: “Tại địa phương, hộ ông S. sống đơn chiếc và đang nuôi dưỡng mẹ già. Từ trước đến nay, gia đình ông chưa vi phạm pháp luật, không mâu thuẫn, phiền hà xóm giềng. Về việc báo chí phản ánh, chúng tôi sẽ xác minh lại mối quan hệ của ông với cụ bà N.T.S.”. |
Theo H.N (Người đưa tin)