Lừa gạt hơn 16.000 người, trong đó có cả những thành viên của hoàng gia, người phụ nữ này đã phải chịu bản án tù dài nhất trong lịch sử loài người.
Chamoy Thipyaso là nhân viên của Cơ quan Dầu khí Thái Lan và là vợ của một thành viên cấp cao trong Không quân Hoàng gia Thái Lan. Điều này đã giúp bà ta có một vị trí khá lớn trong xã hội. Tuy nhiên, Chamoy chẳng lập được công trạng gì lớn lao. Khi nhắc tới bà, người ta chỉ nhớ đến người phụ nữ đã chịu bản án tù dài nhất lịch sử. Chamoy đã lừa gạt tổng cộng 16.231 người với số tiền khoảng 300 triệu USD (hơn 7.000 tỷ đồng so với tỷ giá hiện tại), để rồi nhận án tù 141.078 năm, nhiều gấp hơn 2.000 lần trung bình một đời người.
Chamoy bắt đầu những trò lừa đảo của mình vào cuối những năm 1960, khi thành lập một quỹ chit có tên Quỹ Mae Chamoy (từ "Mae" trong tiếng Thái Lan có nghĩa là "mẹ"). Quỹ chit là một loại giao dịch mà một người tham gia sẽ góp một số tiền nhất định bằng cách trả góp định kỳ trong một khoảng thời gian xác định; sau đó những người tham gia sẽ xác định theo lô hoặc đấu thầu, rồi nhận số tiền thưởng theo quy định.
Nó tương tự như hình thức của mô hình Ponzi, vay tiền của người này để trả nợ người khác. Kẻ đi vay đưa ra cam kết trả lợi tức cao cho người cho vay và quảng cáo với họ về những tấm gương đã từng nhận được lợi tức cao trước đây để hấp dẫn người cho vay.
Bức ảnh hiếm hoi về bà Chamoy Thipyaso.
Quỹ Mae Chamoy được thành lập giống như một cổ phiếu dầu với lợi nhuận cao. Tại thời điểm đó, quỹ chit rất phổ biến ở Thái Lan và Ấn Độ nên nhiều người đã mù quáng đăng ký theo bà Chamoy, mong muốn được làm giàu.
Thêm vào đó, với mối quan hệ xã hội của bà Chamoy, đặc biệt là trong Không quân và Cơ quan Dầu khí, nhiều người đã cảm thấy an toàn và tin tưởng khi đầu tư theo bà ta.
Quỹ Mae Chamoy đã tồn tại được một khoảng thời gian khá dài và thu hút 16.231 người tham gia, trong đó có cả những thành viên của hoàng gia Thái Lan. Chamoy đã lừa đảo theo mô hình kim tự tháp và thu được khoảng 300 triệu USD - một số tiền thực sự khổng lồ tại thời điểm đó. Phải mất một cuộc điều tra rất lớn và dài, cho tới giữa những năm 1980, hoạt động phi pháp này mới bị dừng lại.
Lý giải cho sự thành công của Quỹ Mae Chamoy, nhiều người tin rằng việc có nhiều thành viên hoàng gia tham gia đã khiến chính phủ cũng phải bảo lãnh cho nó để không ảnh hưởng tới quyền lực. Nhiều nhà đầu tư có máu mặt đã ép cấp dưới phải tham gia, sau đó đe dọa nếu họ rút tiền ra thì sẽ bị cho vào danh sách đen và không bao giờ được đầu tư lại nữa. Có thể nói, mối quan hệ của bà Chamoy với quân đội đã tạo nên sức mạnh chính trị và kinh doanh rất lớn, góp phần quan trọng trong việc lừa đảo của bà ta.
Ví có dính líu tới thành viên hoàng gia và một số nhân vật có chức quyền nên khi đó, Vua Thái Lan Bhumibol Adulyadei cũng phải vào cuộc điều tra và thảo luận. Sau đó, bà Chamoy đã bị bắt giữ và quỹ của bà ta cũng bị đóng cửa.
Ban đầu, bà Chamoy bị Không quân giam giữ bí mật. Phiên tòa xét xử bà ta đã không diễn ra cho đến tận khi nhưng tổn thất của quân đội và thành viên hoàng gia liên quan được phục hồi. Đã có một số cuộc thẩm vấn nhưng chi tiết lời khai của bà Chamoy hoàn toàn được hoàng gia Thái Lan niêm phong, giữ kín. Trong khi đó, hàng chục nghìn người không có chức quyền khác đã mất tất cả tiền tiết kiệm của mình mà không biết phải kêu cứu ai. Có thông tin rằng thời điểm đó, một số cuộc đảo chính đã xảy ra tại Thái Lan.
Ngày 27/7/1989, Chamoy bị kết tội gian lận. Bà ta đã lừa đảo 16.231 người theo mô hình kim tự tháp. Ngoài ra, 7 đồng phạm khác của Chamoy cũng bị kết án.
Chamoy đã nhận bản án tổng cộng 141.078 năm tù, dài nhất trong lịch sử loài người từ trước đến nay. Do việc lừa đảo có liên quan tới quân đội và hoàng gia, Chamoy sẽ không được khoan hồng. Bản án đưa ra khi ấy đã khiến cả thế giới kinh ngạc.
Thế nhưng may thay cho Chamoy, luật pháp Thái Lan tại thời điểm đó đã quy định, tội phạm lừa đảo chỉ bị giam giữ nhiều nhất là 20 năm. Trên thực tế, bà Chamoy chỉ phải thụ án 8 năm trong tù nhờ một đạo luật mới thông qua vào năm 1989. Kể từ sau khi tại ngoại, những thông tin về bà Chamoy rất khan hiếm.