Ở Hội An có một người phụ nữ gần 20 năm cuộc đời gắn với trái bắp và gánh hát bài chòi. Bà mang dáng dấp của sự “trầm mặc” và “chầm chậm”, từng ngày giữ hồn cho phố cổ Hội An. Đó là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi bắt gặp và trò chuyện với bà Phan Thị Liên.
Bà Liên sinh năm 1966, trú tại thôn 1, xã Cẩm Nam, TP. Hội An, Quảng Nam. Sinh ra trong một gia đình thuần nông, tuổi thơ bà Liên gắn với những luống bắp ngô bên dòng chảy Thu Bồn. Khi bà lớn lên, lấy chồng, sinh con cũng là lúc những câu ca bài chòi bắt đầu xuất hiện trong phố cổ dưới hình thức một hội chơi.
Năm 1997, gánh hát bài chòi xuất hiện đầu tiên giữa lòng phố Hội, cũng là lúc bà Liên bắt đầu hành nghề bán bắp luộc, bắp nướng. Từ khi có gánh hát, ngày nào bà Liên cũng tranh thủ bán cho xong bắp để tối mua thẻ tham gia chơi bài chòi. Nhiều lúc hội bài chòi bắt đầu cất tiếng trống, mặc dù bán chưa hết bắp, bà vội vã đến mua thẻ chơi. Mỗi ngày của bà Liên đều trôi qua bình dị như thế.
Bà Liên bên chiếc xe bán bắp dạo
Ông Lương Đáng – nghệ nhân chơi bài chòi phố cổ Hội An nói: “Ở khu phố cổ này, có rất nhiều người yêu thích bài chòi, nhưng không phải ai cũng ghé lại một cách đều đặn như bà Liên. Bà ấy dân giã, đời thường, cũng rất thẳng tính và hòa đồng, ai ai trong hội cũng quý và nể bà ấy cả!
17 năm bài chòi xuất hiện ở Hội An, chưa bao giờ bà vắng mặt để chơi bài chòi”. Từ việc bán bắp dạo rồi chơi bài chòi, bà Liên đã chứng kiến biết bao đổi thay của thành phố bên sông, từ những gian nhà cổ đến cây cầu An Hội bắt ngang nhịp qua dòng chảy sông Thu Bồn. Bà yêu nơi này, yêu bài chòi và yêu công việc của mình.
Trong sân chơi bài chòi, cứ thẻ của bà trúng, bà lại lấy phần quà là chiếc lồng đèn Hội An rồi tặng cho những du khách lần đầu ghé phố. Dường như trong tiềm thức của người phụ nữ trung niên này, phố cổ là nhà, là một phần cuộc sống của bà.
Bà Liên chăm chú nghe nghệ nhân hát bài chòi
Bà Liên là người rất hiếu khách, bà luôn sẵn lòng giới thiệu về món bắp nướng, hay chỉ cho họ cách tìm đường đến xem chùa Cầu. Với khách du lịch, dù không nói được tiếng nước ngoài nhưng bà vẫn nở nụ cười đôn hậu, ánh mắt chứa chan, và cố gắng chỉ đường cho những “khách tóc nâu” bập bẹ nói tiếng Việt…
Cũng từ việc bán bắp dạo và chơi bài chòi một cách thường nhật như thế, với bà bây giờ, những câu ca bài chòi không có gì là xa lạ nữa. Chỉ cần nghe câu hát đầu tiên bà đã biết con bài tiếp theo tên là gì.
Chẳng hạn như khi nghệ nhân hát câu: “Anh đi anh nhớ quê nhà/Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương/Nhớ em một nắng hai sương/Dù có lận đận nhưng đời em không nghèo”, thì bà Liên đã đoán được đó là bài Nhì Nghèo, dù lúc đó trên loa chưa phát ra tên.
Hay khi hát: “Em lấy chồng từ tuổi mười ba. Chồng chê em bé không nằm với em. Đến khi mười tám đôi mươi, em nằm dưới đất chồng bê em lên giường. Lên giường chồng nhớ chồng thương, chồng thương em quá nên bốn cẳng giường nó rung rinh”, bà biết ngay đó là bài Tứ Cẳng…
Những tiếng hô, tiếng ca như lời ru ngọt ngào của mẹ, lúc nồng nàn lan tỏa, lúc hòa quyện cùng tiếng trống rộn ràng như lời mời gọi thân thương, tự bao giờ trở thành món ăn tinh thần của bà Liên.Từ niềm yêu thích bài chòi, bà đã hướng con gái đầu của mình học ngành nghề du lịch rồi về làm tại Hội An. Cũng nhờ có con gái mà bà có thêm 1 lí do nữa để đến nơi này.
Nhắc đến đứa con gái "rượu", bà không ngần ngại bộc bạch rằng: “Từ lúc con bé còn nhỏ, tôi đã dắt nó đi theo bán bắp, rồi cho nó nghe bài chòi. Về nhà tôi động viên nó học cho giỏi ngoại ngữ để thi vào ngành du lịch, sau này xin về làm tại đây. Mới đó mà đã bao nhiêu năm trôi qua rồi…”.
Vậy là giờ đây, ngoài việc bán bắp, chơi bài chòi, bà Liên còn được đến xem và ngắm nhìn con gái của mình mang bộ đồ bà ba làm việc. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của bà.Phổ cổ Hội An đã qua cái thời phồn thịnh của một thương cảng, nhưng vẫn còn lại đó những ngôi nhà cổ đầy nét rêu phong luôn hướng về dòng sông Hoài thơ mộng, còn những câu ca bài chòi đậm chất Quảng và còn mãi những người giữ hồn phố như bà Liên.