Với chiêu trò “thao túng tâm lý” hết sức tinh vi, một phụ nữ góa chồng suýt mất cả gia tài vì người tình “ngoại quốc” mới quen trên mạng xã hội.
Mới đây, câu chuyện về một người phụ nữ lớn tuổi ở Thanh Hoá suýt mất một lượng lớn vàng bởi chiêu trò lừa đảo tinh vi của các đối tượng xấu trên mạng đang thu hút được sự quan tâm rất lớn từ phía dư luận.
Theo đó, bà H.T.M. (trú tại xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) cho biết, khoảng một tháng trước, thông qua mạng xã hội Facebook, bà M. có quen với một người đàn ông có nick Facebook "Miracle". Người này thường xuyên nhắn tin qua lại với bà M. và cho biết hiện đang ở nước ngoài.
Nội dung cuộc trò chuyện giữa bà M. và đối tượng mới quen biết trên mạng
Người này ngỏ ý muốn gửi vài kiện hàng có giá trị về Việt Nam để tặng bà M. Để tạo lòng tin, đố tượng còn gọi trực tiếp để bà M. xem bên trong lô hàng có nhiều tiền đô la và đồ trang sức giá trị.
Tới ngày 7/8, một phụ nữ tự xưng là cán bộ Hải quan gọi điện báo cho bà M. muốn nhận những kiện hàng gửi từ nước ngoài về phải đặt cọc khoảng 91 triệu đồng. Do nhẹ dạ cả tin, bà M. nhanh chóng lấy số vàng cất trữ lâu nay mang đi bán để gửi tiền cho các đối tượng.
Tiếp nhận tin báo, vào cuộc xác minh, lực lượng công an xác định tài khoản Facebook "Miracle" là tài khoản ảo, đồng thời tuyên truyền, giải thích cho bà M. về thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng trên không gian mạng, qua đó kịp thời ngăn chặn vụ việc.
Trao đổi với PV, Thượng tá Trịnh Kim Vân (nguyên điều tra viên cao cấp Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội) cho biết, trong giai đoạn bùng nổ thông tin như hiện nay, tội phạm về công nghệ ngày càng phổ biến, với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Tuy vậy, có khá nhiều dấu hiệu để chúng ta có thể nhận biết loại tội phạm như trong câu chuyện nêu trên.
Đầu tiên, tội phạm sẽ tìm kiếm, xác định và tiếp cận nạn nhân thông qua các diễn đàn trên mạng xã hội. Chúng sử dụng nick ảo với những hình ảnh giả mạo (lấy trộm của người khác) có vẻ bề ngoại ưa nhìn, gợi cảm và thể hiện cuộc sống sang chảnh để thu hút sự quan tâm của đối phương.
Sau khi đã kết nối thành công, những kẻ xấu sẽ tiến tới bước xây dựng mối quan hệ bằng cách chuyện trò qua lại. Chúng thường sử dụng ngôn từ mùi mẫn, những câu chuyện cảm động không có thật nhằm "thao túng tâm lý" nạn nhân.
Khi đã lấy được lòng tin của nạn nhân, các đối tượng sẽ sử dụng những thủ đoạn quen thuộc. Một số thủ đoạn mà các đối tượng xấu thường dùng như dụ dỗ nạn nhân gửi hình ảnh, video nhạy cảm; lôi kéo tham gia đầu tư tài chính hoặc chiêu trò gửi bưu kiện hàng hoá có giá trị cao để tặng, thể hiện tình cảm…vv.
Và chỉ chờ nạn nhân "sập bẫy" chúng sẽ chặn nick, tài khoản để chiếm đoạt tài sản.
Với cách thức hoạt động tinh vi của loại tội phạm này, rất nhiều nạn nhân đã phải ngậm "trái đắng".
Thượng tá Trịnh Kim Vân chia sẻ với PV về những dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa tội phạm công nghệ
Cũng theo ông Vân, để tránh bị lừa đảo, người dân cần phải nêu cao tinh thần cảnh giác.
Tất nhiên việc giao du, kết bạn là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Tuy vậy, để tiến tới một mối quan hệ có thể tin tưởng, chia sẻ câu chuyện cuộc sống với nhau, chúng ta cần phải xác định rõ danh tính, địa chỉ thật của đối phương. Thậm chí tốt nhất là gặp nhau trực tiếp.
Điều đáng nói, đối với những mối quan hệ quen biết trên không gian mạng, chúng ta nói không với những yêu cầu tài chính như cho vay mượn, nhờ chuyển tiền hộ hay đầu tư vào một lĩnh vực nào đó để mong sinh lời cao.
Và tuyệt đối đừng bao giờ gửi hình ảnh, video nhạy cảm, hay thông tin bảo mật của cá nhân cho bất kì ai. Bởi rất có thể, những điều đó sẽ trở thành công cụ mà các đối tượng xấu dùng để khống chế, đe doạ bạn.
Hay như trong câu chuyện nêu trên của chị M. (quê Thanh Hóa). Sở dĩ nạn nhân bị lừa là do quá thiếu kiến thức, sự hiểu biết xã hội. Chúng ta phải nên hiểu một điều rằng, chẳng ai cho không ai thứ gì, chứ chưa nói tới những món hàng có giá trị như ngoại tệ, trang sức. Trước khi nhận món quà từ ai đó mới quen biết gửi tặng, chúng ta cần phải xác minh thông tin thật kĩ lưỡng để tránh những rủi ro.
Nếu trong trường hợp của chị M. chúng ta hoàn toàn có thể tìm số chính thống của cơ quan Hải quan đang lưu giữ kiện hàng để kiểm tra, xác thực lại thông tin trước khi tiếp nhận.
Tóm lại, để tránh trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo, người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin đời sống xã hội qua báo, đài. Luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, khi gặp tình huống có dấu hiệu bất thường, nên tham khảo ý kiến người thân, cần thiết có thể liên hệ với công an nơi sở tại để được hướng dẫn, giải quyết.