Từ những vật dụng bỏ đi, thậm chí là rác thải nhưng qua bàn tay của những người phụ nữ khéo léo nó đã biến thành sân chơi hữu ích cho trẻ em.
Nói đến sân chơi tự chế ở tổ dân phố số 2, phường Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) người dân sinh sống ở phường này không ai là không biết. Sân chơi được dựng lên ngay tại nhà văn hóa của tổ dân phố, mỗi buổi chiều, rất đông các cháu nhỏ ở lại tập trung về đây vui chơi, nô đùa.
Khác với các sân chơi thông thường, các vật dụng đồ chơi trẻ em ở đây đều được tự chế từ những thứ đồ bỏ đi. Người thực hiện việc làm mang đầy ý nghĩa nhân văn, lại bảo vệ được môi trường này chính là Hội phụ nữ trong khu phố.
Những loại đồ chơi trẻ em được thiết kế bắt mắt từ vật liệu phế thải bỏ đi.
Theo quan sát của chúng tôi, đồ chơi cho trẻ em được làm từ những chiếc lốp xe cũ, những tấm gỗ hay vỏ chai lọ không còn giá trị sử dụng. Tất cả được tô vẽ, thiết kế lại thành những giỏ hoa, bập bênh, xích đu phù hợp với từng lứa tuổi của trẻ.
Bà Lê Thị Chương - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố số 2 cho biết, ý tưởng thành lập sân chơi này bắt đầu từ cuộc phát động sống xanh để bảo vệ môi trường. Trong quá trình đi vận động bà con nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, các thành viên trong hội phụ nữ thấy có rất nhiều vật dụng còn tốt có thể tái chế được nên đã thu gom lại để làm ra những vật dụng phục vụ vui chơi cho trẻ.
Ban đầu, các thành viên của Hội Phụ nữ phải bỏ rất nhiều công sức đi đến các cơ sở thu gom, thậm chí là mua lại, rồi đi nhặt đồng nát trong khu dân cư về để tái chế, tạo nên những vật dụng đầy màu sắc. “Lúc đầu khi thấy chúng tôi làm vậy nhiều người cũng xì xào nói rằng “ôm rơm nặng bụng”, người ta vứt đi chẳng được mình lại thu gom về.
Hiện có nhiều người mang đồ hết hạn sử dụng đến ủng hộ để cùng nhau xây dựng khu vui chơi cho trẻ.
Đến khi các đồ tái chế được dựng lên, trẻ nhỏ vui chơi thỏa thích, lúc đó một số người đã phải thay đổi cách nhìn và cách suy nghĩ. Thậm chí có người còn sẵn sàng mang tới nhà văn hóa để ủng hộ Hội làm đồi chơi cho trẻ”, bà Chương chia sẻ.
Từ khi sân chơi đi vào hoạt động, cứ mỗi buổi chiều có mặt tại nhà văn hóa, nhìn các cháu nhỏ nô đùa thỏa thích, bà Chương cũng các thành viên trong hội lại cảm thấy hạnh phúc, vì đã đóng góp một phần nhỏ bé để các cháu có lối sống lành mạnh, giúp bảo vệ môi trường.
Đây không chỉ là nơi vui chơi của trẻ em, mà nó còn là điểm dừng chân của nhiều người đi thể dục về.
Đang dẫn theo cháu nhỏ ra nhà văn hóa chơi đùa, ông Sửu (71 tuổi) cho biết, từ khi có sân chơi này trẻ con trong khi nô đùa náo nhiệt hẳn. Các cháu nội ngoại của ông cứ chiều đến là ra nhà văn hóa chơi, không còn đòi xem tivi, điện thoại nhiều như trước.
“Chúng tôi rất ủng hộ việc làm ý nghĩa này. Thật sự, chúng tôi vô cùng bất ngờ bởi những vật liệu tưởng chừng bỏ đi như lốp xe, sắt cũ, hộp nhựa, bánh xe... nhưng dưới bàn tay khéo léo của các chị em đã tạo thành món đồ chơi tiện lợi, thân thiện, đảm bảo an toàn cho người sử dụng”, ông Sửu chia sẻ.
Ngoài khu vực đồ chơi cho trẻ, những người phụ nữ khéo tay còn dùng các chai nhựa để trồng hoa.
Với mô hình ý nghĩa này, Chi hội Phụ nữ tổ dân phố số 2 đã giành giải nhất trong Ngày hội Sáng tạo với rác thải nhựa năm 2020 do UBND, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Đoàn Thanh niên phường Việt Hưng tổ chức. Theo bà Chương, tới đây bà cùng các thành viên khác tiếp tục đi nhặt, vận động mọi người cùng tham gia tu sửa, thiết kế, lắp mới những vật dụng khác để các loại đồ chơi cho trẻ được đa dạng hơn.
“Dự kiến trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục làm thêm nhiều đồ chơi cho các em nhỏ. Hội dự tính sẽ làm một chiếc cầu trượt với vật liệu cũng từ những chiếc lốp xe đã hết giá trị sử dụng. Với mô hình này, chúng tôi mong muốn lan toả thông điệp ý nghĩa, chung tay bảo vệ môi trường", bà Chương phấn khởi nói.