Sức khỏe yếu, không nghề nghiệp ổn định, những người phụ nữ ở các vùng quê khác nhau nhiều năm qua sống mưu sinh “nhờ”… những người đã chết.
Công việc hằng ngày của họ là thắp hương, dọn dẹp vệ sinh, đốt lửa sưởi ấm, tâm sự cho những ngôi mộ bớt cô quạnh tại nghĩa trang Hòa Sơn (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) với bao vất vả, nhọc nhằn.
Trò chuyện, chăm sóc cho mộ phần
Mặc cơn mưa nặng hạt của buổi sáng mùa thu, chúng tôi lên đường để được chứng kiến tận mắt công việc những người phụ nữ mưu sinh nhờ những người đã chết. Bởi lẽ khi nghe đến tên công việc này, chúng tôi tò mò về thân phận phụ nữ làm nghề này.
Lúc chúng tôi tìm đến nơi trời vẫn mưa, mây kéo tới đen kịt. Hàng nghìn ngôi mộ nằm sát nhau ướt át. Những cây hương ai đó thắp mới cháy được một phần đã tắt ngúm khiến không gian xung quanh thêm lạnh lẽo. Quan sát khắp nơi, chúng tôi lặng lẽ đi theo con đường mòn từ một căn chòi lá nằm vệ đường tiến về những ngôi mộ ở xa trên triền núi để tìm gặp những người phụ nữ chăm sóc mộ. Hỏi thăm một người đi thăm mộ, chúng tôi được biết, trời mưa nên những người phụ nữ chăm sóc mộ thường đốt củi sưới ấm ở các ngôi mộ mới đắp trước khi đi từng mộ riêng lẻ.
Đi một đoạn khá xa, chúng tôi gặp một người phụ nữ đang mặc áo mưa, ngồi lặng trước một ngôi mộ lớn dùng khăn lau bộ lư sứ và đốt đèn dầu. Hỏi thăm công việc đang làm, chị im lặng từ chối. Cố gắng thuyết phục và xắn tay áo giúp chị làm việc, chúng tôi mới được nghe tâm sự về công việc.
Chị tên là Nguyễn Thị Hương, 46 tuổi, quê ở tỉnh Hà Nam. Vì cuộc sống quá khó khăn, không có đất đai để làm ăn nên cả gia đình chị di cư vào Đà Nẵng sống đã lâu. “Tôi làm nghề này được hơn 7 năm. Ban đầu thì cũng làm công nhân trong công ty nhưng công việc nặng nhọc mà đồng lương quá ít ỏi, không chăm lo được gia đình, con cái. Tôi nghỉ ở nhà đợi tìm công việc khác làm thì được một số chị em rủ đi chăm sóc các ngôi mộ nghĩa trang ở đây. Nghĩ là làm đợi việc, không ngờ mình gắn bó đến tận bây giờ…” – Chị Hương cho biết.
Chị Nguyễn Thị Hương làm công việc đốt đèn dầu, chăm sóc mộ phần
Mỗi ngày, dù trời nắng hay mưa chị Hương vẫn đi làm. Đối với các ngôi mộ mới, chị nhận chăm sóc thường xuyên 49 ngày. Đó là đốt củi sưởi ấm, thắp hương, lau chùi, dọn dẹp, vệ sinh mộ thường xuyên. Đối với các ngôi mộ cũ thì hằng ngày chỉ đi thăm thắp hương, quét dọn vệ sinh cho thông thoáng. Tiền công mỗi ngày được khoảng 100 ngàn.
“Mới đầu đi làm vắng vẻ, xung quanh hàng ngàn mộ phần của người chết khiến tâm trạng cứ bồi hồi, lo lắng, sợ sệt. Ngồi trước mỗi ngôi mộ lại có cảm giác khác nhau. Lau chùi những tấm hình, thắp nén nhang rồi đôi lúc nói chuyện tâm sự cho không khí bớt cô quạnh. Làm riết rồi nó quen đến giờ đã hơn 7 năm. Không đi làm thì ngày đó không có tiền để lo cho chồng, cho con. Gánh nặng gia đình đặt hết trên vai tôi khi chồng đau ốm không làm được việc, nhà có ba đứa con đều đang tuổi đi học.” – Chị Hương tâm sự.
Giữa hàng ngàn ngôi mộ trải trên khắp đồi núi, chúng tôi tiếp tục tìm gặp chị Ba (quê xã Hòa Sơn), một người cũng đã gắn bó với công việc này hơn 10 năm. Chị Ba cho biết nhà không có đất đai, hai vợ chồng có 3 đứa con, cuộc sống quá khó khăn. Do nhà gần nghĩa trang nên hằng ngày chứng kiến những người mất được gia đình ở xa đưa đến chôn cất không ai chăm sóc, chị Ba xin để mình giúp đỡ.
Chị Ba với công việc đắp nền, dọn dẹp mộ phần
“Họ thấy mình ở gần, nhờ quan tâm dọn dẹp, lo cho mộ phần được tốt thì sẽ trả tiền công nên tôi đồng ý. Trung bình mỗi tháng có vài ngôi mộ mới, tôi nhận chăm sóc như đốt củi sưởi ấm, thắp hương, lau chùi mộ phần, đắp nền cho sạch sẽ. Tiền công mỗi ngày nhận 150 ngàn.” – Chị Ba nói.
Khi chúng tôi nói thu nhập như vậy còn hơn nhiều nghề thì chị Ba lắc đầu cho biết: “Không phải làm ngày nào cũng có được chừng đó tiền, hễ tháng nào có người mất đi, họ ở xa để mình nhận chăm sóc, lo giúp thì mình mới có tiền. Còn không có mộ để chăm sóc thì có tiền đâu mà lo cuộc sống! Chị em chúng tôi hay nói đùa “sống cũng nhờ người chết cả” đó thôi!”
Chúng tôi được biết, để có củi đốt cho các ngôi mộ, các chị phải tự đi chặt và đem theo, nếu không có thì phải mua. Tiền công đốt củi sưởi ấm cho mộ là 70 ngàn/ngày; nếu cả đốt củi, thắp hương, đèn dầu qua đêm và dọn dẹp vệ sinh là 200 ngàn/tháng. Càng nhiều mộ để nhận chăm sóc thì tiền được trả càng cao.
Nỗi lo bệnh tật
Dù trong điều kiện thời tiết mưa hay nắng, những người phụ nữ làm nghề này vẫn phải đi dạo hàng trăm ngôi mộ để thắp hương, dọn vệ sinh, đốt lửa, tâm sự cho các mộ phần không cô quạnh.
Một phần công việc của những người phụ nữ nơi đây
Không giấu nổi niềm lo lắng, chị Hương cho biết sức khỏe mình đang ngày càng yếu. “Lúc trước khỏe lắm nhưng từ khi làm công việc chăm sóc cho mộ phần thấy hay đau đầu, chóng mặt, thường xuyên mệt mỏi. Biết là nghề nào cũng bệnh tật, thôi thì cố gắng gượng lo cho chồng, cho con.”
Chị Ba cũng đang bị đau khớp, thế nhưng vẫn gắng gượng làm để lo cho gia đình. Do công việc nên đi từ sáng sớm đến khi mặt trời lặn mới trở về nhà. Mỗi ngày chị len lỏi giữa vài trăm ngôi mộ, mang theo củi, hương, nước uống đùm theo để làm trễ thì ở lại làm cho xong mới về.
“Nhiều lúc cứ hay suy nghĩ lắm, công việc cứ chạy chỗ này chỗ kia rồi bộn bề, lo lắng. Làm chỉ mong được sớm về nhà với chồng với con.” – Chị Ba nói.
Chúng tôi được biết, dù những dịp lễ tết, 20/10 hay 8/3, những người phụ nữ này không bao giờ có riêng cho mình được thời gian nghỉ. Chị Hương tâm sự: “Những ngày lễ như thế chúng tôi vẫn phải bươn mình mà làm, chăm lo cho các mộ phần thôi. Ngày lễ đông người đi thăm mộ, chúng tôi đến lo dọn sớm để kiếm thêm chút đỉnh tiền lo cho gia đình. Nhiều lúc cũng chạnh lòng lắm nhưng được lo cho gia đình thấy mình cũng vui”.
Nghĩa trang Hòa Sơn nơi có hàng ngàn ngôi mộ được các chị chăm lo
Trò chuyện với chúng tôi, ông Phùng Quýt – Phó ban quản lí Nghĩa trang Hòa Sơn, cho biết: Hiện tại, nghĩa trang Hòa Sơn có tổng cộng 7 người làm nghề chăm sóc mộ phần. Tất cả đều là phụ nữ không có việc làm ổn định, nhà ở gần nghĩa trang muốn kiếm thu nhập, lo cho cuộc sống gia đình. Trung bình mỗi tháng, mỗi người được khoảng 1,5 triệu đồng. Đây là số tiền nhận mộ để chăm sóc giúp thân nhân người chôn cất tại nghĩa trang.
“Công việc này cũng nhiều khó khăn, vất vả, thu nhập không bao nhiêu nhưng vì lo cho cuộc sống gia đình nên mọi người cố gắng làm thôi!” – Ông Quýt nói.