Người phụ nữ Việt đối mặt với bão tuyết trên đỉnh Everest

Ngày 18/10/2014 11:28 AM (GMT+7)

Chị Võ Thị Mỹ Linh, một trong số vài người Việt Nam tham gia hành trình leo núi gặp bão tuyết ở Nepal lên tiếng làm rõ một vài thông tin liên quan đến trận bão tuyết hôm 14/10.

Nhưng tôi nhớ lại lời cậu bạn thân dặn trước lúc đi, có thể không tin bất cứ ai nhưng luôn tin vào bản thân mình. Và tôi tin là tôi có thể vượt qua cơn bão tuyết đó. Tôi cố gắng lê chân cho đến khi nhìn thấy trạm với rất nhiều cờ. Đó chính là Trorung La Pass. Tôi lết vào căn nhà Tea House với chật kín người cũng lạnh cóng như tôi.

Người phụ nữ Việt đối mặt với bão tuyết trên đỉnh Everest - 1

Những người ở lại trong ngôi nhà đã may mắn sống sót

Lúc đó khoảng tầm 11-12h trưa. Có khoảng 50 người ở trong căn nhà Tea House lúc đó vì họ quá lạnh không thể đi xuống. Tôi cũng cố gắng chờ cơn bão ngừng để đi xuống nhưng chờ khoảng 2h đồng hờ chỉ thấy thời tiết ngày càng tệ và bão ngày càng mạnh hơn. Mọi người trong nhà bắt đầu hoảng loạn tìm cách thuê ngựa hay trực thăng đến đón. Nhưng một người dân địa phương có mặt trong căn nhà lúc đó bảo không thể có ngựa vào lúc này và trực thăng cũng không thể đáp trên đỉnh Thorung La Pass với thời tiết xấu như vậy. Thêm vào đó chúng tôi đã cố gắng nhưng không bắt được có bất cứ tín hiệu nào từ mạng điện thoại.

Khoảng 3h, một người đàn ông từ làng Muktinath lên đến ngôi nhà. Một hướng dân viên bảo, đây là người đàn ông rành nhất khu vực này. Nếu mọi người đi theo ông ta có thể đến được làng Muktinath và sống sót. Còn nếu ở lại ngôi nhà này sẽ chết vì sức chứa không đủ và thời tiết ngày càng xấu, ở đây sẽ chết cóng vì lạnh.

Người phụ nữ Việt đối mặt với bão tuyết trên đỉnh Everest - 2

Người đàn ông bị tuyết vùi lấp chỉ nhìn thấy tay và đầu đang kêu cứu khi thấy đoàn leo núi đi qua

Khoảng 50 người trong ngôi nhà bắt đầu náo loạn. Họ quyết định đi cùng người đàn ông thổ địa xuống làng Muktinath. Mỗi người phải trả cho người đàn ông này 60 USD. Có khoảng 30 người đi theo ông. Ngay lúc đó, tôi đã nghĩ rằng, để mọi người đi hết đi, tôi sẽ chạy lại xin anh chủ Tea House ở lại ngôi nhà này. Nhưng người chủ bán trà cũng sợ chết và quyết định đi theo người đàn ông kia. Không còn cách nào khác, tôi cũng phải theo họ.

Tôi rất lạnh vì không có găng tay nên quyết định sẽ chen chân đứng vào giữa đoàn để không bị lạc. Nhưng khi vừa mang balo ra ngoài, nhìn thấy bão tuyết, tôi thấy tình hình mình không theo nổi nên đã vội vàng quay lại căn nhà và quyết định không đi. Một vài người chuẩn bị đi thấy tôi quay vào thì hỏi sao không đi. Tôi bảo họ, bão ở bên ngoài rất lớn, nếu các bạn ở lại ngôi nhà này các bạn có thể sống được 3 ngày vì có thức ăn và túi ngủ. Nhưng nếu các bạn xuống núi ngay lúc này, có thể các bạn sẽ chết trong tích tắc. Một vài người nhìn ra ngoài trời và đồng ý với ý kiến của tôi và quyết định ở lại căn nhà.

Khoảng 30 người quyết định xuống núi và 20 người quyết định ở lại. Trong số 20 người ở lại, có 3 người khuân vác đồ và 2 hướng dẫn viên.

Người phụ nữ Việt đối mặt với bão tuyết trên đỉnh Everest - 3

Một người là hướng dẫn viên cho một chàng trai Việt Nam, chính là chàng trai người Việt tên Phong tôi nhắc đến. Việc leo núi của anh cũng khá thoải mái vì anh không phải đeo chiếc ba lô nặng 8kg như tôi mà tất cả đồ đạc của anh đã có người mang hộ. Đoạn đường từ High Camp lên Thorung La Pass, anh cũng thuê một con ngựa chở anh lên nhưng cuối cùng, anh vẫn bị kẹt lại ở Tea house vì người hướng dẫn này có vẻ mới và không biết đường xuống núi nhất là trong bão tuyết. Nhưng cũng nhờ vậy anh được an toàn và sống sót đến bây giờ.

Tối hôm đó, trong căn nhà phải ngồi tựa vào nhau ngủ vì nhà quá nhỏ và sàn nhà ẩm thấp, mọi đồ đạc gần như bị đóng băng. Một trong 3 người khuân đồ là người Nepalese bị sốt cao và sùi bọt mép gần như sắp chết. Nhưng hầu như ai cũng lo mình chết nên không chịu nhường túi ngủ cho cậu bạn này.

Tôi bắt buộc phải cởi hết áo quần của cậu bé ra vì áo quần của cậu bị ướt và nếu cứ mặc cậu sẽ chết trong vài giờ tới. Tôi cũng đưa túi ngủ của mình cho cậu choàng vào, lấy Diamox cho cậu uống cùng một chút chocolate và hạt hạnh nhân chuẩn bị trước khi đi. Sau khi uống thuốc và ăn, cậu bé trở nên tỉnh táo. Nhưng cả tối hôm đó, tôi bị lạnh vì đã phải nhường túi ngủ cho cậu đồng thời cậu kiệt sức nên tựa cả cơ thể vào vai tôi khiến sáng hôm sau vai tôi nhức ê ẩm.

20 con người trong căn nhà chốc chốc lại đánh thức nhau tỉnh dậy vì sợ rằng có người nào đó ngủ quên rồi không bao giờ tỉnh dậy nữa. Chúng tôi bắt buộc phải đi vệ sinh ngay trước mặt nhau vì nếu ra ngoài với thời tiết khoảng -10 độ C lúc đó sẽ chết cóng vì lạnh.

Một đêm dài trôi qua, cuối cùng tôi dậy sớm ra ngoài thấy tuyết đã ngừng rơi, trời bắt đầu hửng nắng và mọi người chuẩn bị đồ đạc xuống núi. 

Đường xuống núi khá nguy hiểm và tuyết đã phủ dày không thấy đường đi. Đi được một đoạn lại thấy một xác người với chiếc ba lô bị phủ đầy tuyết. Một trong những người đàn ông bị tuyết che phủ đến dầu nhưng vẫn sống sót thấy chúng tôi đi qua thì lên tiếng kêu cứu. Những chàng trai trong nhóm vội vàng lao ra đào xới tuyết và giải thoát người đàn ông. Tuy vậy, không ai dám ở lại cùng ông vì ai cũng sợ bão tuyết ập tới lần nữa. Tôi đưa túi ngủ của mình cho ông để ông chờ trực thăng đến cứu hộ.

Tôi không nhớ là đã bước qua bao nhiêu xác người để đi về. Chỉ biết có những lúc 2-3 xác người nằm cạnh nhau úp mặt xuống tuyết. Lúc đi qua một cái hố sâu, một chàng trai trẻ đã chết nhưng mắt vẫn mở nằm ngay giữa đường. Tôi không dám bước qua xác anh ta để đi nhưng rồi bắt buộc phải nhắm mắt bước qua vì đó là con đường duy nhất.

Người phụ nữ Việt đối mặt với bão tuyết trên đỉnh Everest - 4

Lúc lên đến vùng trực thăng cứu hộ, tôi thấy vài cảnh sát và tiến lại gần. Họ thấy tôi từ Thorung Laa pass về thì đưa một gói bánh và một túi mì bảo ăn đi kẻo đói. Nhưng chưa kịp ăn thì tôi nhận ra cô bạn người Trung Quốc – một trong 30 người theo người đàn ông Muktinath xuống núi đang đứng co ro vì vừa được cảnh sát cứu từ vực sâu lên. Chúng tôi ôm nhau vì nhận ra cả hai đều sống sót dù trước đó ở căn nhà Tea House. Cô bạn kể chuyện trong số 30 người theo người đàn ông Muktinath xuống núi, 1 nửa đã chết vì bão quá lớn và họ không thể theo kịp người đàn ông. Riêng cô bị rơi xuống vực nhưng may mắn có túi ngủ nên chống chọi được.

Cạnh cô bạn, 2 xác người đàn ông vừa được kéo lên. Ở góc khác, một anh bạn đến từ châu Âu ngồi co ro thẫn thờ với 2 tay bị đóng băng. Tôi nhận ra anh đói và khát nhưng cảnh sát cứu hộ bận làm nhiệm vụ nên bỏ rơi anh. Tôi tiến lại gần hỏi anh có đói không, có muốn ăn gì không thì anh bảo tay anh không cử động được. Tôi cắn một miếng bánh đút vào miệng anh và rót một tách trà ấm đút cho anh uống. Anh chỉ về cái xác người nằm ngay trước mặt và bảo, người bạn thân nhất của anh đã ra đi. Tôi lặng người, vỗ vào vai anh động viên an ủi.

Vài phút sau, tôi tiến lại phía cảnh sát hỏi thông tin về người bạn Tom của tôi nhưng họ không biết. Một cô gái đứng cạnh đó đang cố tìm cách mở gói mì nhưng không mở được. Tôi mở giúp cô và hỏi cô ổn không thì cô oà khóc và bảo nhóm đi 3 người nhưng một đã chết một chưa tìm thấy xác và cô thì mắt không nhìn thấy gì. Tôi chỉ biết ôm chầm cô kịp giữ những giọt nước mắt cô rơi trên vai tôi.

Đứng ở chỗ cảnh sát 1 tiếng thì tôi phải xuống núi vì mong muốn xem anh bạn Tom của tôi có ở làng Muktinath không. Đoạn đường về không còn nguy hiểm nữa nhưng vì quên mang kính chống nắng nên mắt tôi gặp vấn đề. May mắn thay, mắt tôi chỉ bị mù khi tôi đến được làng Muktinath, tắm rửa và gặp lại cậu bạn Tom.

Người phụ nữ Việt đối mặt với bão tuyết trên đỉnh Everest - 5

Chị Linh kể lại: "Tôi không nhớ là đã bước qua bao nhiêu xác người để đi về. Chỉ biết có những lúc 2-3 xác người nằm cạnh nhau úp mặt xuống tuyết"

Tom bảo cậu gặp bão và cố gắng đi cho kịp đoàn người nên không đợi tôi được. Lúc về cậu hối hận vì đã bở rơi tôi nên cậu để người ướt dẫm, ôm cái máy hình ra ngoài hiên, cứ ai đi qua thì bảo có thấy cô gái người Việt Nam không. Mọi người đều lắc đầu không biết. Hôm sau cậu vẫn ra hiên đợi. Mọi ngưởi bảo, nếu chiều nay cô gái đó không về thì nghĩa là cô đã chết. May mắn thay tôi về tới làng lúc 5h chiều.

Mọi người trong làng thấy tôi đeo ba lô cầm cây gậy đi từ phía núi về thì chạy ra chào đón hỏi han. Một trong những hướng dẫn viên nhìn tôi và bảo, cô là cô gái may mắn nhất vì không có bạn, không có hướng dẫn, không có khuân vác đi theo bảo vệ nhưng vẫn sống sót. Một vài người còn chạy lại xin chụp hình với tôi vì họ tin rằng tôi may mắn và chụp hình với tôi sẽ đem niềm may mắn đó đến cho họ.Đến nay tôi đã an toàn ở khách sạn của anh bạn thân và được anh dẫn đi khám bác sĩ. Mọi thứ có vẻ an toàn ngoài việc da mặt tôi bị bỏng rát vì đi giữa trời nắng.

Bầu trời Nepal những ngày này chưa bao giờ nhiều trực thăng đến thế. Người dân Nepal chưa bao giờ phải nhắc đến tên đỉnh núi Annapurna nhiều thế. Và đỉnh núi Annapurna hiền hoà cũng chưa bao giờ khiến người ta e sợ đến thế. Tháng 10, 11 được xem là mùa du lịch ở Nepal. Nhưng sau sự kiện này, dường như mọi thứ có vẻ thay đổi.

Đọc hết bài viết này, nhiều bạn có vẻ băn khoăn và hỏi tôi, thế liệu có nên leo núi không? Tôi sẽ không ngần ngại mà bảo: Có. Vì cuộc sống này vốn dĩ có quá nhiều thứ xấu xa. Nên đôi khi để tìm được niềm tin người ta phải leo lên núi ngắm một bông hoa nở trên đá và nhận ra rằng cuộc sống vẫn đẹp tuyệt vời. Nhưng để có một cái nhìn đẹp, có một bức ảnh đẹp, đôi khi bạn phải chấp nhận trả bằng cả mạng sống. Thế nên, điều quan trọng là bạn muốn gì.

Dĩ nhiên, tôi không phải trèo lên đỉnh núi Annapurna để ngắm một bông hoa nở trên đá. Trước lúc đi, một anh bạn giám đốc của công ty du lịch nhìn tôi và bảo, cô không đi Annapurna Circuit được đâu, cô sẽ chết trên núi đấy. Thay vào đó đi Annapurna Base Camp đi, an toàn mà vẫn có nhiều cảnh đẹp. tôi bảo là tôi muốn xem sức chịu đựng của mình, nên tôi sẽ đi Annapurna Circuit. Nhiều bạn đến giờ sẽ ngạc nhiên vì tôi vẫn có thể sống sót sau bão tuyết. Còn tôi thì tự hỏi, phải chăng có quá nhiều người chết nên ông trời niệm tình để cho tôi sống sót.

Một lần nữa, tôi xin chia buồn cùng các nạn nhân xấu số đã ra đi. Mỗi người họ đến từ một vùng miền đất nước khác nhau. Chúng tôi không quen nhưng đã từng sẻ chia những miếng bánh, những ngụm nước và những câu chuyện cười. Và giờ, có những người tôi không bao giờ gặp lại….

Theo Facebook chị Võ Thị Mỹ Linh

Chị Võ Thị Thùy Linh (sinh năm 1989), từng là phóng viên của một tờ tạp chí ở Việt Nam, sau đó chị chuyển sang làm PR cho ngân hàng. Chị đã xuất bản một số cuẩn sách cho tuổi Teen.

Tháng 4/1014, chị Linh bỏ việc ở Việt Nam sang đi Ấn độ và hoàn thành cuốn tiểu thuyết đang viết dang dở. Sau khi hoàn thành tiểu thuyết chị qua Nepal chơi. Dự định leo núi xong thì chị lên vùng núi Dolakha làm tình nguyện viên, tham gia dạy học cho trẻ em nghèo.

Hà Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot