Người phụ nữ Việt đối mặt với bão tuyết trên đỉnh Everest

Ngày 18/10/2014 11:28 AM (GMT+7)

Chị Võ Thị Mỹ Linh, một trong số vài người Việt Nam tham gia hành trình leo núi gặp bão tuyết ở Nepal lên tiếng làm rõ một vài thông tin liên quan đến trận bão tuyết hôm 14/10.

Ngày 14/10 vừa qua, một trận bão tuyết kèm lở tuyết đã xảy ra ở vùng núi Manang và Mustang, trong dãy Himalaya trên phần lãnh thổ của Nepal. Các hãng thông tấn của nước ngoài đã đưa tin có ít nhất 20 người thiệt mạng trong trận bão tuyết này, trong số đó có một người Việt Nam. Tuy nhiên việc nhận dạng tên tuổi cụ thể chưa được công bố. Và cho đến nay, giới chức Nepal vẫn chưa đưa ra con số chính xác về số người thương vong trong trận bão tuyết khủng khiếp này.

Mới đây, trên trang Facebook cá nhân của chị Võ Thị Mỹ Linh, một trong số vài người Việt Nam tham gia hành trình leo núi gặp bão tuyết ở Nepal, chị Linh đã kể lại toàn bộ câu chuyện xảy ra trong chuyến hành trình leo núi của mình.

Trong bài chia sẻ này, chị cho biết, các trang mạng ở Việt Nam dẫn nguồn AFP nói rằng có một người Việt Nam đã thiệt mạng trong trận bão tuyết. Hầu hết bạn bè sau khi đọc thông tin này đều nghĩ rằng chị Linh chính là nạn nhân người Việt đó. Chị Linh đã lên tiếng về thông tin này và nói rằng chị vẫn an toàn, một người Việt khác đi cùng tuyến với chị tên Phong, gia đình ở TP.HCM nhưng sống và làm việc tại Singapore hiện sức khỏe vẫn bình thường.

Được sự đồng ý của chị Linh, chúng tôi xin đăng lại những chia sẻ của chị đăng tải trên trang Facebook cá nhân:

Một số trang báo Việt Nam dẫn nguồn AFP cho biết có 29 người chết trong đó có 1 nạn nhân người Việt tử vong. Hầu hết bạn bè sau khi đọc bài báo ấy đều nghĩ tôi là nạn nhân người Việt đó. Xin xác nhận một lần nữa, hiện tại tại sức khoẻ tôi vẫn ổn. Tối hôm trước tôi bị mù mắt tạm thời do không đeo kính râm ở trên đỉnh núi cao khi quá gần mặt trời. Hôm nay mắt tôi đã bình ổn trở lại, chỉ còn đỏ và hơi đau chút.

Ngoài ra, tôi còn biết một người Việt khác đi cùng tuyến với tôi. Anh tên Phong, gia đình ở TP.HCM nhưng sống và làm việc tại Singapore. Hiện tại anh vẫn khoẻ. Tôi hy vọng thông tin một người Việt tử vong chỉ là sự nhầm lẫn nào đó. Vì mỗi lần dừng tại các trạm dừng để ăn uống ngủ nghỉ, mọi người hỏi chuyện nhau, tôi bảo tôi là người Việt Nam thì cả thảy đều bảo tôi cô gái Việt hiếm hoi leo núi. Thậm chí qua những trạm kiểm tra giấy phép leo núi, tôi hay trò chuyện với các cảnh sát ở đây, chụp hình cùng họ thì họ bảo tôi là cô gái Việt đầu tiên họ gặp.

Người phụ nữ Việt đối mặt với bão tuyết trên đỉnh Everest - 1

Bức ảnh này chụp ở Thorung La pass khi trận bão tuyết ập đến. Bão tuyết lớn khiến tầm nhìn bị che khuất

Tuy nhiên tôi sẽ làm việc với cảnh sát để xác nhận danh tín về nạn nhân người Việt này. Hơn ai hết, tôi mong muốn không có một nạn nhân người Việt nào thiệt mạng trong trận bão tuyết vừa qua.

Thông tin 29 người chết mà AFP đưa ra chỉ là thông tin tạm thời ngay trong ngày đầu tiên cơn bão tuyết xảy ra. Ngày 15/6, tôi trở về bình an. Sáng sớm ngày 16/6, trước khi chuẩn bị lên xe quay về thủ đô Kathmandu, tôi tranh thủ làm việc với một số cảnh sát cứu hộ ở làng Muktinath. Họ cho biết có 35 thi thể đã tìm kiếm được tính đến thời điểm đó.

Căn cứ vào những tấm hình chụp được của tôi về những nạn nhân tử vong tôi gặp trên đường xuống núi, số người chết nhiều hơn thế, thậm chí tôi ước tính khoảng 1/3 trong số những ng leo núi đã tử vong tức nếu có 168 người leo núi hôm đó thì ít nhất 60 người đã ra đi. Tuy nhiên, việc tìm kiếm thi thể nạn nhân tạm thời gặp nhiều khó khăn bởi các mảng tuyết dày đã vùi lấp các thi thể. Tôi sẽ đưa con số tử vong chính xác nhất ngay khi cảnh sát Nepal có kết quả.

Người phụ nữ Việt đối mặt với bão tuyết trên đỉnh Everest - 2

Chị Võ Thị Mỹ Linh xác nhận sức khỏe của chị hiện tại vẫn ổn định. Bức ảnh này chị chụp khi trở về an toàn sau trận bão tuyết thảm khốc

Các bạn sẽ thắc mắc vì sao bão ập đến mà tôi vẫn chụp được hình. Việc tôi chụp hình ngay cả lúc bão ập đến và chụp xác người vì lý do thói quen kinh nghiệm 5 năm làm phóng viên. Ngay ngày hôm sau khi cơn bão đi qua, tôi cùng một số bạn bè xuống núi và cũng quyết định chụp một số tấm hình lưu giữ khoảnh khắc trên đỉnh Thorung La Pass. Vì chính chúng tôi cũng không biết số phận mình đi về đâu, có xuống núi thành công hay không. Tôi chỉ nghĩ đơn giản một điều rằng, nếu mình gặp bất trắc, cảnh sát nhặt được chiếc máy ảnh của tôi sẽ hiểu những gì đã xảy ra trong hành trình của tôi.

Dưới đây là những diễn biến xảy ra trong cơn bão:

Một số bạn bè theo dõi trang cá nhân của tôi đều biết tôi bắt đầu chuyến đi leo núi ngày 6/10 với Tommy đến từ Indonesia và Pavel đến từ Russia. Lẽ ra ban đầu chỉ có tôi và Tom, 2 đứa lập kế hoạch đi vào ngày 1/10. Nhưng sau đó, tôi nhận được tin nhắn của Pavel trên FB rằng anh ta cũng muốn tham gia cùng. Thế là 2 đứa quyết định đợi Pavel và không nghĩ sự trì hoãn này dẫn dắt đến một biến cố lớn.

Người phụ nữ Việt đối mặt với bão tuyết trên đỉnh Everest - 3

Đoàn người leo núi gặp bão tuyết

Ngày 6/10 bọn tôi bắt đầu chuyến leo núi. Pavel đi cùng chúng tôi 2 ngày thì bị cảm và quyết định quay về Pokhara vì việc bị cảm rất nguy hiểm đến tính mạng khi leo núi.

Tôi và Tom rong ruổi trên những nẻo đường và ngày 13/10 thì đến High Camp độ cao 4833m. Một điều phiêu lưu lớn đối với tôi là chúng tôi vì tiết kiệm tiền nên không thuê người chỉ đường và không thuê người khuân vác hành lý. Vì đây là mùa leo núi ở Nepal nên tôi và Tom chỉ cần đi theo các đoàn leo núi khác là được. Về hành lý, tôi và Tom mỗi người phải tự mang ba lô nặng khoảng 8kg.

Mang một ba lô nặng 8kg suốt chặng đường dài hàng chục ngày và phải trèo đèo lội suối quả là việc không đơn giản với người nhỏ con như tôi. Nên có những lúc vì nặng quá, tôi đã vứt vài cái áo, quần.

Người phụ nữ Việt đối mặt với bão tuyết trên đỉnh Everest - 4

Đoàn leo núi khi bão tuyết chưa đổ bộ

Sau khi đến High Camp, Tom bị nhức đầu nên muốn nghỉ lại ở High Camp 1 ngày rồi sau đó mới chinh phục đích đến là Thorung La Pass độ cao 5.416m. Tôi vì lại muốn chinh phục Thorung la Pass sớm để trở về Kathmandu tiễn cậu bạn thân đi châu Âu nên quyết định leo núi một mình không có Tom.

5h sáng ngày 13/10, mọi người dậy sớm chuẩn bị leo núi. Theo ước tính của tôi, có khoảng gần 200 khách leo núi ngày hôm đó. Trước đó 1 ngày, thời tiết rất đẹp.

Nhưng tối hôm 13/10, High Camp trời bắt đầu có tuyết rơi. Tôi vẫn nghĩ đây là chuyện thường tình, vì ở độ cao 4800m khí hậu lạnh sẽ có tuyết. Các hướng dẫn viên leo núi cũng nghĩ có tuyết chỉ làm thời gian leo núi kéo dài 1-2 tiếng chứ không ảnh hưởng gì.

Người phụ nữ Việt đối mặt với bão tuyết trên đỉnh Everest - 5

Trong căn nhà phải ngồi tựa vào nhau ngủ vì nhà quá nhỏ và sàn nhà ẩm thấp, mọi đồ đạc gần như bị đóng băng.

5h sáng, tôi bắt đầu men theo đoàn người leo núi. Tôi đi rất chậm lại có thói quen chụp ảnh nên hầu như đi sớm nhưng bị mọi người bỏ lại khá xa.

Khoảng 6h thì tôi gặp Tom. Cậu bảo cậu thấy tôi leo nên cũng leo chứ ở lại High Camp thì chán. Nhưng vì Tom đi rất nhanh nên chúng tôi nhanh chóng lạc mất nhau. Đến 8h trở đi tuyết bắt đầu rơi mạnh kèm theo gió bão. Tôi cố gắng bám theo đoàn người đi trước nhưng không kịp do găng tay và giày tôi không phải loại chống nước nên dễ dàng bị ướt khiến cả tay và chân tôi gần như bị đóng băng.

Một nhóm leo núi khác tiến lên, tôi cố gắng bước theo họ nhưng cơn bão tuyết mạnh ngang qua khiến tôi không còn thấy dấu chân hay bóng dáng họ nữa và bị lạc giữa thung lũng tuyết không bóng người. Tuyết dày cao đến hông, gió càng lúc càng thổi mạnh khiến tôi nghĩ là mình sẽ bị chết vì kẹt cứng lúc đó.

Hà Anh
Nguồn: Khampha.vn

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot