Câu chuyện về hai cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh (82 tuổi) và Hồ Văn Lang (41 tuổi) ở huyện miền núi Tây Trà (Quảng Ngãi) suốt hơn 40 năm lưu lạc giữa rừng sâu, sống biệt lập với thế giới bên ngoài nay trở về lại làng đã khiến nhiều người kinh ngạc, tò mò.
Người ta kinh ngạc trước những gì mà hai cha con “người rừng” đã chống chọi với cuộc sống khắc nghiệt giữa rừng sâu để tồn tại. Nhưng, có một đều lạ, ngạc nhiên hơn, dù 2 cha con “người rừng” chỉ mặc khố che thân nhưng “người rừng” Hồ Văn Thanh vẫn lưu giữ kỷ vật là một bộ quần áo của người lính Cụ Hồ những ngày trước giải phóng…
Kỷ vật giữa rừng sâu
Túp lều rộng chưa đầy 4 mét vuông trên thân cây rừng nằm sâu trong đỉnh núi Apon, xã Trà Xinh, huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) là nơi tá túc của cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh suốt hơn 40 năm qua.
Trong số nhiều vật dụng được tìm thấy trong căn lều, người ta đã phát hiện một bộ đồ bộ đội trước năm 1975 được cha con “người rừng” gói ghém, cất giữ cẩn thận như một kỷ vật đặc biệt.
Người dân tìm thấy bộ đồ bộ đội của ông Thanh
Xác minh sơ bộ ban đầu, “người rừng” Hồ Văn Thanh trước đây từng đi bộ đội, bám trụ ở vùng căn cứ cách mạng địa phương. Trong một trận càn của địch, 2 người con và mẹ ruột của ông Thanh đã tử vong vì bom đạn. Đau buồn đến quẫn trí nên ông đã ôm theo người con thứ 3 rời làng và không quên mang theo bộ đồ bộ đội từng theo ông trong những ngày tháng chiến đấu giữa núi rừng Tây Trà.
Trung tá Nguyễn Tấn Hoa, chính trị viên cơ quan quân sự huyện Tây Trà không khỏi ngạc nhiên khi cầm trên tay bộ đồ mà “người rừng” Hồ Văn Thanh cất giữ. Bộ đồ ấy còn khá nguyên vẹn. “Bộ đồ này là của bộ đội trước ngày thống nhất đất nước 1975. Ông Thanh đem theo luôn vào rừng cùng với cái áo của đứa con ruột của mình là Hồ Văn Lang. Đây là một bộ đồ được ông Thanh cất giữ rất kỹ”, trung tá Hoa nói.
“Người rừng” Hồ Văn Thanh đã không quên bộ đồ bộ đội, có lẽ ông xem nó như một kỷ vật vô cùng thiêng liêng với mình nên mới gìn giữ suốt hơn 40 năm nay.
Kỷ vật rất thiêng liêng nên ông Thanh cất giữ
Có áo bộ đội nhưng “người rừng” Thanh chỉ mặc… áo tự làm từ vỏ cây rừng
Quanh câu chuyện về cha con “người rừng” nhiều người đã tự đặt câu hỏi, vì sao cha con họ có thể sống đến bây giờ giữa rừng sâu? Vì sao cha con “người rừng” ấy có thể làm ra được nhiều dụng cụ dùng trong sinh hoạt và lao động tìm cái ăn? Thậm chí là vì sao khi ôm đứa con trai thứ 3 của mình là “người rừng” Hồ Văn Lang khi Lang chỉ mới vài tháng tuổi mà ông Thanh có thể nuôi sống Lang trưởng thành đến bây giờ?
Tất cả chỉ có thể trả lời bằng một từ: lạ! Bởi chẳng có ai có thể sống đến giờ trong điều kiện khắc nghiệt như vậy. Nhưng cha con “người rừng” này thì lại khác. Khi vào rừng sâu, người cha đã phải mò mẫm tìm kiếm miếng ăn nuôi con. Cha con tự tìm kiếm những vật dụng còn sót lại trong rừng là những mảnh đạn bom mang về, chế tác thành những đồ vật như rựa, dao, búa, nồi,…
Đã dần quen với làng
Sau hơn 2 ngày trở về làng, cha con “người rừng” đã dần quen với cuộc sống mới. Anh Lang đã biết cười, bớt sợ hãi hơn trước. Người nhà đưa cho anh chiếc điện thoại anh thấy lạ nhưng giờ đã nhận biết. Anh cũng đỡ bớt sợ trước cái tivi đang mở đặt trong nhà. Cả hai cha con tinh thần đã dần ổn định. Sau hai ngày nằm điều trị ở bệnh viện, khuôn mặt “người rừng” Hồ Văn Thanh đã khá hơn trước, sức khỏe đã ổn.
Sức khỏe “người rừng” Hồ Văn Thanh đã tốt hơn lúc mới đưa từ rừng ra
Trong sáng nay (9/8), ngay sau khi cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh trở về địa phương, Đảng uỷ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi đã về thăm và tặng quà cho hai cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang.
Đảng uỷ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi đã đến tận bệnh viện huyện Tây Trà thăm hỏi “người rừng” là cựu binh Hồ Văn Thanh. Cán bộ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi đã thăm hỏi và làm việc với chính quyền địa phương về việc làm hồ sơ, truy tìm các tài liệu, hồ sơ cũ để nhanh chóng giải quyết chế độ chính sách cho “người rừng” Hồ Văn Thanh.
Đoàn đã đến nhà ông Hồ Minh Lâm, nơi cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang đang trú ngụ sau khi được đưa từ rừng về thăm hỏi con của “người rừng” Hồ Văn Thanh là Hồ Văn Lang, đồng thời tặng quà là 5,5 triệu đồng tiền mặt, 10kg gạo cùng các nhu yếu phẩm như muối, bột nêm, dầu ăn để hai cha con “người rừng” này sớm hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống mới khi trở về làng.