Người Sài Gòn làm từ thiện gấp 10 lần HN?

Ngày 17/09/2013 08:11 AM (GMT+7)

“Tôi có cảm nhận rằng, người Nam hào hiệp hơn, bởi lịch sử văn hóa dân di cư, người cũ thường giúp người mới đến khó khăn”, GS.TS Nguyễn Đình Cử phân tích.

Như thông tin Khampha.vn đưa, nghiên cứu “Đóng góp từ thiện tại Việt Nam” do Trung tâm nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương ở Hà Nội thực hiện với sự tài trợ của Quỹ Châu Á gần đây cho thấy tại thời điểm khảo sát, ở Hà Nội có 8% doanh nghiệp đang tham gia ít nhất vào một hoạt động từ thiện, trong khi ở TP.HCM lên tới 66%. Trung bình mỗi năm các doanh nghiệp ở TP.HCM đóng góp cho hoạt động từ thiện số tiền nhiều hơn khoảng 8 - 9 lần so với các doanh nghiệp ở Hà Nội.

Người ở SG thoáng hơn

TS. Đặng Nguyên Anh trưởng nhóm nghiêm cứu cho rằng, cần nhìn góc độ làm từ thiện của doanh nghiệp tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh từ thị trường. Bản chất thị trường TP. Hồ Chí Minh “động và mở” hơn Hà Nội. Doanh nghiệp muốn quảng bá hình ảnh, được nhiều người dân biết đến nên làm từ thiện nhiều hơn.

“Ở Miền Nam, doanh nghiệp thoải mái và cởi mở hơn so với miền Bắc. Họ cho rằng, cần phải làm từ thiện mới đem lại hình ảnh đẹp cho doanh nghiệp, thể hiện trách nhiệm xã hội”, ông Đặng Nguyên Anh nói.

Theo ông Anh, ở Hà Nội, cơ chế xin cho mạnh nên doanh nghiệp có làm từ thiện cũng không quyết định đến sự thành công, bởi còn phụ thuộc nhiều vấn đề khác.

“Tôi không hiểu tại sao, nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội rất ngại công bố việc làm từ thiện. Một phần họ không muốn khai báo do lo bị đóng thuế, bị hỏi han... Do vậy số tiền và tỷ lệ từ thiện thấp”, ông Anh lý giải.

Người Sài Gòn làm từ thiện gấp 10 lần HN? - 1

Những suất cơm từ thiện được phát đến tận tay người dân

Ông Anh không đồng tình quan điểm, sự khác nhau về văn hóa hai miền dẫn đến khác nhau trong cách làm từ thiện. Bởi di cư làm văn hóa hai miền khá hòa hợp, trong TP. Hồ Chí Minh rất nhiều người Hà Nội vào làm ăn. Sự khác nhau này ở vấn đề thị trường và cơ chế.

GS.TS Nguyễn Đình Cử (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội)  tỏ ra nghi ngờ con số thống kê trung bình các doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh đóng góp cho hoạt động từ thiện số tiền nhiều hơn khoảng 8 - 9 lần so với  Hà Nội. Theo ông Cử, con số chênh lệch quá cao. Tuy nhiên, ông Cử không tỏ ra bất ngờ trước thông tin doanh nghiệp Hà Nội làm từ thiện ít hơn Sài Gòn.

“Tôi có cảm nhận rằng, người Nam hào hiệp hơn, bởi lịch sử văn hóa dân di cư, người cũ thường giúp người mới đến khó khăn”.

Ngoài ra, GS Nguyễn Đình Cử cho rằng, thị trường từ thiện ở TP. Hồ Chí Minh tốt hơn, có tổ chức thống kê rõ ràng, chuyên nghiệp hơn. Bên cạnh đó, cũng có thể, người miền nam làm từ thiện tốt hơn vì họ khá giả hơn; cơ chế dễ dàng hơn, cho là cho luôn, không cần qua tổ chức nào.

Ngồi quán nhậu cũng làm từ thiện hàng tỷ đồng

Trao đổi với PV, nhà văn Lê Lựu – Giám đốc Trung tâm Văn hoá Doanh nhân Việt Nam cho rằng, con số doanh nghiệp Sài Gòn làm từ thiện hơn gần 10 lần Hà Nội đơn thuần là số liệu thống kê, không phản ánh đúng bản chất thực thế.

Theo nhà văn Lê Lựu, sự phân biệt vùng miền đối với doanh nghiệp trong hoạt động từ thiện không rõ ràng. “Vì gần một nửa doanh nghiệp miền Nam là người Bắc vào”.

Nhiều khi công ty ở phía Nam nhưng do người Bắc làm chủ doanh nghiệp; Cũng có khi, công ty ở Hà Nội nhưng có chi nhánh ở TP. Hồ Chí Minh, nếu chi nhánh đó làm từ thiện vẫn phải coi là công ty Hà Nội.

Người Sài Gòn làm từ thiện gấp 10 lần HN? - 2

Nhà văn Lê Lựu – Giám đốc Trung tâm Văn hoá Doanh nhân Việt Nam

Tuy nhiên, ông Lê Lựu cũng cho rằng, đúng là cách làm từ thiện của các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh có thoáng hơn ở Hà Nội. Điều đó xuất phát từ cơ chế làm việc của doanh nghiệp phía Nam đơn giản, gọn nhẹ hơn, kinh tế vững mạnh hơn.

Nếu ở Hà Nội, doanh nghiệp muốn làm từ thiện phải chỉn chu giấy tờ, trên dưới, quen biết..., còn doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh có khi ngồi quán nhậu cũng làm từ thiện hàng tỷ đồng ngay tại đó.

Ông Lê Lựu cho hay, một phần doanh nghiệp phía Nam “thoáng” làm từ thiện hơn bởi họ tin vào những trung tâm kêu gọi từ thiện. Họ tin chắc rằng, số tiền mình bỏ ra sẽ đến đúng địa chỉ, không bị lãng phí.

Theo nhà văn Lê Lựu, nói doanh nghiệp phải làm từ thiện để nổi tiếng, lấy đó làm ăn cho dễ là cách giải thích “hớt váng”. Cách giải thích này cho thấy, không hiểu sâu nguồn gốc vấn đề.

“Doanh nghiệp làm từ thiện từ tình cảm và lòng thương của họ với người nghèo. Nếu người thực sự có tâm, họ sẽ chủ động đi làm từ thiện. Nếu không có tâm sẽ viện đủ lý do từ chối”.

Theo Dương Tùng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan