Người thứ 2 mắc não mô cầu ở Hà Nội đang phục hồi tốt

Ngày 05/03/2016 13:51 PM (GMT+7)

“Sáng 5.3, bệnh nhân đã tỉnh táo, không còn buồn nôn và nôn. Sức khỏe đang hồi phục tốt”, bác sĩ cho hay.

Sáng 5.3, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Phó khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, ngày 4.3, Khoa đã tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân nam 24 tuổi (làm thợ sơn ở Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội) mắc viêm cầu não. Đây ca thứ hai mắc căn bệnh này ở Hà Nội trong năm nay.

Người thứ 2 mắc não mô cầu ở Hà Nội đang phục hồi tốt - 1


 

Bệnh nhân mắc não mô cầu ở Hà Nội đang phục hồi tốt.

“Sáng 5.3, bệnh nhân đã tỉnh táo, không còn buồn nôn và nôn. Sức khỏe đang hồi phục tốt”, bác sĩ Cấp cho hay.

Theo đó, ngày 2.3, bệnh nhân có dấu hiệu mệt mỏi, buồn nôn và nôn nhiều. Người thân đã đưa đi cấp cứu tại BV Bạch Mai và được xuất viện ngày hôm sau.

Đến ngày 4.3, bệnh nhân bị đau đầu, buồn nôn nên người nhà đã đưa đi cấp cứu tại BV Việt Đức và được chẩn đoán bị viêm màng não do não mô cầu. Sau đó, bệnh nhân được chuyển sang BV Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Trước đó, ngày 29.2, Hà Nội ghi nhận ca mắc bệnh não mô cầu đầu tiên là một bệnh nhân nam giới, 30 tuổi, ở huyện Đông Anh.

Đến 5.3, sức khỏe bệnh nhân này đã tiến triển tốt. Bệnh nhân cảm thấy khỏe, tỉnh táo hoàn toàn, không còn trạng thái lơ mơ, nhức đầu, sốt và buồn nôn. Đặc biệt, bệnh nhân không bị biến chứng khi mắc não mô cầu.

Bác sĩ Cấp cho biết thêm, số bệnh nhân mắc viêm não mô cầu không nhiều nhưng đã mắc là nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao hoặc để lại các di chứng nặng. Bệnh cũng dễ lây lan nhanh qua đường hô hấp.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm 2015 đến nay, trên toàn quốc có 112 trường hợp mắc não mô cầu, có 3 trường hợp tử vong. Riêng 2 tháng đầu năm 2016, bệnh đã xuất hiện tại 7 tỉnh thành trên toàn quốc là Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Sơn La, Lào Cai, Bình Định và TP HCM.

Tiêm chủng được coi là phương pháp hữu hiệu để bảo vệ bản thân khỏi bệnh nguy hiểm này.

Viêm não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria Meningtidis gây nên. Đây là bệnh ít gặp nhưng lây lan nhanh. Bệnh thường xuất hiện phổ biến vào mùa đông và đầu mùa xuân.

Đối tượng mắc viêm màng não mô cầu là tất cả mọi người ở các lứa tuổi khác nhau. Trong đó, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh nhất, nếu bệnh nhiễm khuẩn nghiêm trọng, có thể lấy đi sinh mạng của trẻ nhỏ đang khỏe mạnh chỉ trong vòng 24 giờ sau khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên.

Triệu chứng sớm của bệnh như sốt cao 39-40 độ C, buồn nôn, nôn, đau đầu, chóng mặt, chảy nước mũi, ăn không ngon, chán ăn. Triệu chứng đặc hiệu thường xuất hiện muộn như xuất hiện ban đỏ vùng da mỏng, đầu chi, cứng gáy, đau cổ, sợ ánh sáng, nặng có thể bị mê sảng, hôn mê, co giật, mất ý thức.

Bệnh viêm não mô cầu có thể lây truyền qua hoạt động hằng ngày như: Dùng chung cốc uống nước, sống trong khu tập thể, nhà trường, nhà trẻ, sinh hoạt cộng đồng, người hút thuốc lá hay tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá…

Bệnh viêm màng não diễn biến rất nhanh, do đó, khi có các triệu chứng trên, người nhà nên đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh viêm màng não mô cầu có thể tử vong. Còn những bệnh nhân sống sót cũng để lại di chứng nặng nề do tổn thương não, tổn thương các cơ quan nội tạng như thận, các giác quan như thị giác, thính giác và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, tâm sinh lý bệnh nhân.

Theo Công Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Viêm não mô cầu