Viêm não mô cầu đối với thể nhiễm trùng huyết tối cấp, bệnh nhân có thể tử vong rất nhanh, trong vòng 6-8 giờ hoặc 24 giờ sau khi bị bệnh.
Sau khi Hà Nội xuất hiện bệnh nhân đầu tiên mắc viêm não mô cầu, nhiều gia đình đã lo lắng đưa con đi tiêm vaccine phòng bệnh. Tuy nhiên, họ đều phải ra về sau khi nhận được thông báo “hết vaccine”. Tình trạng này không chỉ diễn ra tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, mà các điểm tiêm vaccine dịch vụ khác cũng trong tình trạng tương tự.
Một bệnh nhân nghi viêm não mô cầu đang được bác sĩ thăm khám tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Đ.Minh
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu thừa nhận hiện tại vaccine viêm não mô cầu đã hết hàng, dự kiến khoảng tháng 4 mới tiếp tục được nhập về.
Sau Hải Dương, ngày 3-3, Hà Nội đã ghi nhận bệnh nhân mắc căn bệnh viêm não mô cầu đầu tiên. Ngay sau khi xác định tình trạng bệnh, các bác sĩ của BV Bệnh nhiệt đới Trung ương đã khoanh vùng, giám sát và cách ly gần 30 người tiếp xúc với bệnh nhân. Theo hồ sơ BV, bệnh nhân 30 tuổi (trú Thụy Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mắc viêm não mô cầu nguy hiểm.
Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria Meningtidis gây nên. Ổ chứa vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên là ở người, do vậy nguồn lây bệnh chủ yếu là bệnh nhân và người lành mang vi khuẩn. Theo các chuyên gia, bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh. Bệnh xuất hiện đột ngột với triệu chứng: Sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn, cứng gáy, mệt mỏi, có thể có đau họng, chấm hay mảng xuất huyết, ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước...
Theo BS Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, một số người bình thường cũng có vi khuẩn trên ở họng, khi vì một yếu tố nào đó khiến nó biến đổi sẽ gây bệnh và có thể lây nhiễm gây ra dịch. Bệnh viêm não mô cầu có một số thể như thể viêm màng não mủ, thể nhiễm trùng huyết, thể viêm họng… “Đối với thể nhiễm trùng huyết tối cấp, bệnh nhân có thể tử vong rất nhanh, trong vòng 6-8 tiếng hoặc 24 tiếng sau khi bị bệnh. Điều đó có nghĩa là các thuốc điều trị chưa kịp ngấm thì bệnh nhân đã chết rồi” - BS Trung Cấp cảnh báo.
Một điểm đáng chú ý khác được nhiều chuyên gia cảnh báo là bệnh xuất hiện khá đột ngột, trước đó không có yếu tố gì có thể chỉ điểm được cả. Vì vậy, khi phát hiện ra ca bệnh đầu tiên cần phải theo dõi sát những người tiếp xúc, nếu phát hiện có dấu hiệu sốt cần phải đưa đi BV luôn hoặc trong trường hợp tiếp xúc gần gũi mà nguy cơ nhiễm bệnh khác thì có thể có chỉ định điều trị dự phòng.
BS Cấp cũng cho biết tiêm vaccine ngừa viêm não mô cầu là cách tốt nhất để phòng dịch nhưng vaccine này không nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên không phải ai cũng tiếp cận. Vì vậy, “khu vực nào phát hiện bệnh thì người ta mới chỉ điểm tiêm rộng rãi trong khu vực đó. Nếu phát hiện ca chỉ điểm đầu tiên thì tổ chức tốt việc cách ly, điều trị dự phòng cho những người cần thiết” - BS Cấp nói.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016 đã có các trường hợp mắc rải rác tại TP.HCM, Gia Lai, Sơn La, Hòa Bình, Nam Định và Lạng Sơn… Trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 650 trường hợp viêm màng não mủ do vi khuẩn, trong đó vi khuẩn não mô cầu chiếm khoảng 14%.
BS Dư Tuấn Quy, khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho rằng lứa tuổi mắc bệnh nhiều nhất là từ sáu tháng đến ba tuổi, tiếp đến là lứa tuổi đi nhà trẻ, trường học, trong đó có cả thanh thiếu niên cũng mắc nếu chưa chủng ngừa. Mùa hay gặp bệnh là vào đầu mùa xuân, mùa hè gặp ít hơn. Điều đặc biệt bệnh rất hay gặp ở thành thị, những nơi điều kiện vệ sinh kém. Cần lưu lý là những hồ bơi nơi công cộng nước không thay thường xuyên nên đi bơi rất dễ bị lây bệnh. Duy Tính |