Đã hơn 1 tháng trôi qua, kể từ thứ Sáu ngày 13 đen tối của tháng 11, thành phố Paris gần như đã lấy lại vẻ hoa lệ vốn có để chào đón năm mới 2016.
Bộ áo sáng rực khoác lên thành phố những ngày này như làm phai nhòa đi nỗi kinh hoàng hơn 1 tháng trước. Những cảnh tượng kinh hoàng của vụ khủng bố hôm ấy vẫn hiện hữu trong ký ức của người Pháp nhưng họ đã nén đau thương để hướng về những điều tốt đẹp của tương lai.
Khủng bố không thể ngăn cản được không khí chào đón Năm mới của người dân Paris và người Việt sống ở đây.
Mùa đông với những cơn gió lạnh đã đến nhưng điều đó dường như chẳng làm bận tâm người dân Paris và những người Việt đang sinh sống tại đây. Họ vẫn dạo bước để mua sắm ở khu chợ ngoài trời trên đại lộ Champs Elysees.
Đường phố muôn màu sắc rực rỡ bởi đèn nháy được treo trên hai hàng cây hai bên đường làm cho Paris thật xứng danh với cái tên "kinh đô ánh sáng" mà bao lâu nay người ta đã trìu mến đặt cho nó. Đi dạo phố Paris lúc này, ta bắt gặp gần như khắp mọi nơi những ông già Noel và cây thông giáng sinh, biểu tượng đặc trưng cho mùa Giáng sinh và năm mới tại Âu châu.
Trong không khí vui tươi của những ngày cuối năm, nét rạng rỡ trên khuôn mặt của người dân Paris dường như làm cho người ta phút chốc quên đi những gì tồi tệ đã diễn ra trong quá khứ chưa xa.
Các khu chợ đã trở nên đông đúc hơn với những đoàn người đi mua sắm những thứ cần thiết cho Noel và năm mới. Trong các siêu thị, những mặt hàng đặc trưng cho thời điểm này được bày bán nhiều hơn ngày thường như chocolat, gan ngỗng, hàu… Và cũng như mọi năm, người dân rất háo hức chuẩn bị cho ngày lễ lớn nhất trong năm này mà không ngần ngại để chất đầy xe đẩy những món hàng hóa.
Đường phố Paris sặc sỡ đèn hoa chào đón năm mới.
Trong không khí hân hoan cùng người dân bản xứ, người Việt Nam cũng hòa vào văn hóa của các bạn Pháp. Các lịch trình đi chơi Noel tại các thành phố nổi tiếng như Strasbourg, Colmar… đã được lên từ rất sớm. Cũng không ít người Việt sẽ tới chung vui với các gia đình người Pháp. Người Việt sống tại Pháp thật sự luôn thể hiện tinh thần hòa nhập văn hóa Pháp mạnh mẽ, nhất là những dịp lễ lớn như Giáng sinh và năm mới.
Đón năm mới, người Pháp treo những nhành cây tầm gửi được vòng thành như một quả bóng trên trần nhà, đến Giao thừa mọi người hôn nhau dưới vòng cây tầm gửi như dấu hiệu của tình hữu nghị và thiện chí, có nơi còn tin rằng sẽ gặp may mắn trong tình yêu và khả năng sinh sản.
Sống ở Pháp nhiều năm, nhiều gia đình người Việt cũng đã quen dần với những tập quán này. Thường thì Tết Nguyên Đán, người Việt chỉ ăn những đồ ăn truyền thống của Việt Nam, nhưng Tết Tây, người Việt ở đây cũng thích đơn giản hơn với những bữa tiệc ấm cúng trong đêm Giáng sinh và năm mới với những món ăn đặc trưng của nước bạn.
Buổi ăn đêm Giao thừa thường gồm 6-7 món, bắt đầu bằng món khai vị như gan ngỗng, cá hồi xông khói, ốc nhồi, xúc xích trắng. Các món này thường được uống với rượu trắng, riêng gan ngỗng được uống với sauternes, một loại rượu trắng ngọt. Sau đó là món chính, người Pháp thường ăn thịt gà tây, heo rừng, nai và cả thịt kangaroo, nói chung họ ăn những thứ thịt lạ mà ngày thường họ ít dùng.
Thực đơn Giao thừa của người Việt tại Pháp cũng là một hội nhập thú vị: trên bàn tiệc, bên cạnh gan ngỗng, cá hồi còn có chả giò, xôi gấc, heo quay, món ốc nhồi của Tây thay vì được ướp với bơ sẽ được chấm với nước mắm gừng. Phần tráng miệng thay vì bánh bouche de Noel, chocolat thì có chè, có nhãn, bánh chuối...
Ngày đầu tiên của năm mới, cũng như những người Pháp, người Việt tại đây cũng dành khoảng thời gian để thăm hỏi người thân, bạn bè.
Ở Paris, năm nay có những điều khác lạ khi giao thông trên đường trong năm mới như việc đi lại trên phố sẽ bị kiểm tra nghiêm ngặt hơn. Sau vụ khủng bố tháng trước, an ninh ở Paris vẫn được thắt chặt. Tình trạng khẩn cấp được chính phủ ban bố ngay khi thảm kịch xảy ra được kéo dài cho tới tận tháng 2 năm tới. Các nhân viên an ninh xuất hiện nhiều trên đường phố và việc kiểm tra túi xách, hành lý đối với người dân vẫn diễn ra thường xuyên.
Những điều này tuy vậy cũng không làm giảm đi sự đông đúc của người dân đi mua sắm và không khí đón chào năm mới. Người Việt ở Paris cũng đã mặc nhiên cho nó trở thành một việc bình thường bởi ai cũng cho rằng, sau thảm kịch tồi tệ vừa qua thì các biện pháp này là cần thiết cho một sự an toàn và bình yên, nhất là trong lúc các lễ lớn đang diễn ra.