Dân số Việt Nam đang thuộc top 20 quốc gia thấp nhất thế giới, vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này và giải pháp nào để giúp người Việt tăng chiều cao trong thời gian tới.
Mới đây, tại cuộc Hội thảo khoa học “Tầm vóc cơ thể và một số yếu tố tăng trưởng chiều cao”, TS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, hiện nay nam giới Việt Nam đứng thứ 19 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới, với chiều cao trung bình là 164.4cm. Nữ giới Việt Nam đứng thứ 13 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới, với chiều cao trung bình là 153.6cm.
TS Sơn cho biết, dù những năm qua nước ta đã có những đề án, chương trình để nâng cao tầm vóc Việt, nhưng trong quá trình đó các nước cũng phát triển chiều cao dân số đi lên. Vì thế, dù chiều cao dân số nước ta có phát triển hơn trước, nhưng vẫn thấp so với nhiều nước trên khu vực và thế giới.
TS Trương Hồng Sơn (đứng)- Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam
TS Sơn cho rằng có nhiều yếu tố lên sự tăng trưởng chiều cao của mỗi cá thể bao gồm: yếu tố gen, yếu tố dinh dưỡng, chế độ tập luyện thể thao, bệnh tật,…
Điển hình như vấn đề về dinh dưỡng, đây là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong phát triển chiều cao. Nhưng để đạt được kết quả tốt thì cần phải bổ sung dinh dưỡng phù hợp và phải được quan tâm ngay từ những năm tháng đầu đời.
Theo đó, để trẻ đạt được chiều cao tối ưu cần cho trẻ một chế độ dinh dưỡng cân đối. “Một vài nghiên cứu được cho rằng, nếu nạp đủ lượng protein trong quá trình tăng trưởng, chiều cao sẽ tăng trưởng tốt hơn. Do vậy trẻ cần được bổ sung đầy đủ protein, đặc biệt từ thịt nạc, đậu nành, cá và các sản phẩm từ sữa.
"Những loại protein này sẽ giúp cơ thể phát triển, làm chắc khỏe xương và kích thích sự tăng trưởng của trẻ. Các vi chất dinh dưỡng quan trọng ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ gồm canxi, sắt, kẽm, vitamin A, vitamin D, vitamin K2 cùng một số khoáng chất khác”, TS Sơn chia sẻ.
Việt Nam đang thuộc top những quốc gia có chiều cao thấp nhất thế giới.
Cũng liên quan đến vấn đề này PGS.TS Lê Thị Bạch Mai (nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho hay, hiện nay nhiều gia đình đang có những quan điểm sai lầm trong việc chăm sóc thúc đẩy phát triển chiều cao cho trẻ.
“Nhiều bà mẹ cho rằng bổ sung nhiều thức ăn có chứa canxi hay cho con uống nhiều sữa thì sau này lớn lên con sẽ cao. Điều đó hoàn toàn không chính xác, vì như vậy trẻ sẽ không hấp thu được hết và sẽ có những tác dụng ngược.
Trong khi đó, một số loại vi chất dinh dưỡng thiết yếu thì lại không đáp ứng đủ. Đặc biệt, hiện nay trong khẩu phần ăn của trẻ em Việt Nam vẫn trong tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng.
Ví dụ điển hình nhất là trẻ em ở các vùng miền trong cả nước đều đang thiếu Vitamin A trong khẩu phần ăn, duy chỉ có vùng Đông Nam bộ đáp ứng nhu cầu Vitamin A cho trẻ”, TS Bạch Mai cho hay.
Ngoài những quan điểm sai lầm trong việc bổ sung dinh dưỡng, thì những yếu tố như lười tập luyện thể dục thể thao, chế độ sinh hoạt không hợp lý, đặc biệt là việc chăm sóc giấc ngủ, hay vấn đề về di truyền cũng ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao.
>>Xem tiếp: CHIỀU CAO NGƯỜI VIỆT GẦN ÁP CHÓT KHU VỰC ASEAN
Làm gì để cải thiện chiều cao người Việt trong thời gian tới? - Trong giai đoạn 1000 ngày đầu đời (từ khi bà mẹ có thai cho tới trẻ 24 tháng tuổi) là cơ hội giúp cho trẻ phát triển về tầm vóc tốt nhất. Sau đó là ở giai đoạn tiền dậy thì (6 tới 11 tuổi), đây là giai đoạn cần phải được chăm sóc dinh dưỡng khoa học, hợp lý để trẻ phát triển chiều cao. Đó là phải bổ sung đầy đủ các loại vi chất dinh dưỡng bao gồm canxi, vitamin D, Sắt, kẽm, vitamin K2,… thông qua các loại thực phẩm như thịt, cá, trứng sữa, các loại rau… - Hạn chế sử dụng các loại đồ uống có gas, cồn, các loại đồ ăn nhanh và sống trong môi trường lành mạnh, không khói thuốc. - Cần phải có chế độ tập luyện thể dục thể thao (hay vận động) hợp lý theo từng lứa tuổi. Bởi nếu chỉ bổ sung dinh dưỡng mà không vận động thì sẽ dễ dẫn đến béo phì, điều này sẽ làm hạn chế phát triển chiều cao. - Chế độ sinh hoạt điều độ nhất là việc thực hiện ngủ đủ giấc vì khi trẻ ngủ cơ thể tiết ra lượng hormone tăng trưởng nhiều gấp 4 lần khi thức. - Cần thực hiện đúng những nguyên tắc vệ sinh cá nhân, tiêm phòng bệnh tật tránh những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ… |