Để đưa được các em đến trường, các thầy cô giáo nơi đây phải đi vận động thuyết phục bằng đủ mọi cách. Có hôm thầy cô đi từ 7 giờ đến 12 giờ mới "bắt" được 3 học sinh.
Đó là lời chia sẻ của cô Trần Thị Thanh, giáo viên trường tiểu học Lê Quý Đôn, TP. Nam Định trong dịp đến huyện K'bang- Gia Lai. Cô Thanh cùng với các thầy cô giáo trong đoàn thiện nguyện "Hè yêu thương" đã vượt qua hơn một nghìn cây số đến hai điểm trường ở xã Đăkrong và Krong trao quà cho học sinh nhân dịp năm học mới. Món quà dành cho các em học sinh vùng cao đơn giản là những quyển vở, bút thước, truyện tranh nhưng lại vô cùng ấm áp và thiết thực.
Cô Thanh chia sẻ: "Cảm giác đầu tiên của chúng tôi khi bước vào 2 điểm trường ở xã Đăkrong và Krong vô cùng thân thiện, ấm áp. Ấn tượng hơn, trường học còn có cả khu vườn trồng rau xanh và khu chuồng nuôi lợn, chim bồ câu phục vụ cho thầy cô và học sinh của trường".
Trường tiểu học Đăkrong
Cô Thanh được thầy Phạm Quốc Tuấn, hiệu trưởng trường tiểu học Đăkrong kể lại nhiều câu chuyện dở khóc dở cười. Học sinh huyện K'bang chủ yếu là người dân tộc Bana, nghèo nàn, lạc hậu. Các em vẫn còn tình trạng ăn bốc và vệ sinh chùi bằng que. Để đưa được các em đến trường, các thầy cô giáo phải đi vận động thuyết phục bằng đủ mọi cách. Có hôm thầy cô đi từ 7 giờ đến 12 giờ mới "bắt" được 3 học sinh. Các em cứ thấy bóng dáng giáo viên là trốn vào rừng vào bụi. Chuyện tiếp cận với học sinh và cha mẹ rất khó khăn.
"Để vận động được trẻ đến trường, các thầy cô đã phải bỏ tiền ra mua những gói muối, mì chính,... hay biết gia đình nào có người ốm thì mua thuốc men đem đến cho để gây thiện cảm. Sau khi làm quen, các thầy cô mới có cơ hội vận động và thuyết phục phụ huynh cho con đến trường", cô Thanh chia sẻ.
Mặc dù là trường bán trú, nhưng để giữ học sinh, các thầy cô giáo nhà trường đã phải tìm cách tổ chức cho học sinh ở nội trú. Tại đây, các em được nuôi ăn, được dạy học, được chăm sóc khi ốm đau mà cha mẹ các em không phải đóng góp một khoản nào.
Chính vì vậy, giáo viên phải tự tăng gia trồng rau, nuôi lợn, nuôi chim để phục vụ bữa ăn và mua sách vở, bút cho các em. Không những thế, thầy cô còn xắn tay lên làm thợ mộc, đi xin gỗ về dựng nên những căn phòng chức năng phục vụ học tập và vui chơi giải trí cho các em như phòng thư viện, phòng đa năng...
Cơ sở vật chất chủ yếu do chính tay thầy cô của trường xây dựng.
Cô Thanh chia sẻ thêm: "Mỗi khi học sinh ốm, các thầy cô ở đây còn tự nguyện đóng góp ngày lương để đưa học sinh đi chữa chạy. Cuối tuần học sinh được nghỉ về nhà thì chủ nhật nào các thầy cô cũng phải đến từng làng từng bản cách xa từ 4-20 cây số để đón đưa các em đến trường".
Cô Trần Thị Thanh, diễn viên Lương Giang cùng toàn thể thành viên nhóm Hè yêu thương góp phần mang đến niềm vui cho những em nhỏ vùng cao.
Từ những đứa trẻ chỉ biết ăn bốc và vệ sinh chùi bằng que, các thầy cô đã tận tình dạy bảo các em những kĩ năng sống cơ bản nhất để bước vào xã hội văn minh. Ngoài học tập văn hoá, thầy cô tổ chức tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh như đá bóng, tập erobic... tạo niềm vui cho các em. Hay mỗi dịp Tết đến, thầy cô còn gói bánh chưng tặng cho các em mang về nhà.
Chia sẻ về thành công của nhà trường, thầy Phạm Quốc Tuấn, hiệu trưởng trường cho biết, điều quan trọng là phải quyết tâm làm, cả tập thể giáo viên trong nhà trường phải đồng lòng, chung tay chung sức thì mới mang lại kết quả tốt đẹp.
"Chuyến đi có quá nhiều kỷ niệm đối với tôi. Tôi cùng nhóm làm thiện nguyện Hè yêu thương vô cùng cảm ơn những người bạn học, các nhà hảo tâm đã luôn ủng hộ động viên, chung tay góp sức với chương trình vì các em nhỏ vùng sâu vùng xa", cô Thanh bày tỏ.