Nguy cơ tái xuất dịch bệnh cúm A(H5N1) trên người ở nước ta là rất lớn bởi dịch bệnh này đã bùng phát tại Campuchia sát biên giới Việt Nam.
Tổ chức Y tế thế giới tại Campuchia xác nhận trong tháng đầu tiên của năm 2013, quốc gia này đã ghi nhận 5 trường hợp người nhiễm virus cúm gia cầm H5N1, trong đó có 4 người đã tử vong.
TS Trần Thanh Dương, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cảnh báo, một trong hai địa phương có người nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 tại Campuchia chỉ cách biên giới Việt Nam 30km. Do đó, nguy cơ dịch cúm gia cầm trên người xâm nhập và tái xuất tại Việt Nam là rất lớn. Đặc biệt là thời điểm cận Tết Nguyên đán như hiện nay, nhu cầu sử dụng, mua bán gia cầm tăng đột biến khiến nguy cơ dịch bệnh càng tăng cao. Dịch bệnh này có thể lây lan qua việc kinh doanh, buôn bán gia cầm của người dân hai nước, qua con đường buôn lậu gia cầm vùng biên giới hoặc cũng có thể lây từ chim hoang dại di chuyển giữa hai nước.
Trước tình hình đó, để chủ động phòng chống không để dịch bệnh cúm A(H5N1) từ gia cầm sang người, ông Trần Thanh Dương cho biết Cục Y tế dự phòng đã đề nghị các Sở Y tế tăng cường hoạt động kiểm dịch y tế quốc tế, sớm phát hiện các trường hợp có biểu hiện sốt cao và viêm đường hô hấp cấp, cách ly, điều trị để giảm thiểu lây nhiễm cúm A(H5N1) vào nước ta.
Sở Y tế các địa phương phải phối hợp với ngành Nông nghiệp tăng cường giám sát gia cầm, thủy cầm nhập khẩu và nội địa, phát hiện sớm các ổ dịch trên gia cầm, thủy cầm, triển khai ác biện pháp xử lý kịp thời.
Đồng thời tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm A(H5N1) sang người, phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương giám sát dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương sát biên giới Campuchia phải tăng cường giám sát, kiểm dịch các trường hợp người từ Campuchia sang Việt Nam, người có biểu hiện cúm A(H5N1), chuẩn bị sẵn sàng lực lượng chống dịch.
Các cơ sở y tế đều có kế hoạch trực dịch 24/24h, các đội cơ động phòng chống dịch, đội cấp cứu cơ động của các bệnh viện cũng sẵn sàng khi có bệnh nhân nhiễm cúm gia cầm.
Theo TS Dương, những người sống sát biên giới Campuchia có nguy cơ tiếp xúc và ăn gia cầm mắc bệnh rất lớn, vì vậy để tránh nhiễm bệnh cần tuyệt đối không ăn, vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch từ Campuchia sang Việt Nam, không buôn bán, vận chuyển ăn gia cầm ốm chết, không dùng gia cầm đó để phơi khô ăn vì nó rất nguy hiểm, bị nhiễm cúm A(H5N1).