'Nguyệt thực toàn phần' hay 'trăng máu', gọi thế nào cho đúng?

Ngày 03/04/2015 16:44 PM (GMT+7)

'Trăng máu' là cách gọi khác ấn tượng của Nguyệt thực toàn phần nhưng chúng ta không nên lạm dụng nó vì có thể hiểu sai về bản chất hiện tượng.

Thế giới chào đón Nguyệt thực toàn phần

Vào chiều tối ngày 4/4, người dân Việt nam cùng cư dân của một số vùng trên thế giới sẽ có cơ hội quan sát được hiện tượng nguyệt thực toàn phần đầu tiên trong năm.

Bóng tối của Trái đất sẽ bao phủ hoàn toàn Mặt trăng trong khoảng thời gian rất ngắn chỉ khoảng 4'43, từ 18h57  tới  19h02 (theo giờ VN). Thời điểm cực đại của nguyệt thực toàn phần diễn ra vào lúc khoảng 19h.

#039;Nguyệt thực toàn phần#039; hay #039;trăng máu#039;, gọi thế nào cho đúng? - 1

Nguyệt thực toàn phần năm ngoái tại Mỹ. Ảnh: The Virtual Telescope Project

Trừ châu Âu, châu Phi và một phần nhỏ khu vực châu Á, thì các vùng còn lại đều có thể quan sát được nguyệt thực toàn phần hay một phần. Đặc biệt, các nước ở khu vực Bắc Mỹ và Úc và Đông Á sẽ có điều kiện quan sát thuận lợi nhất sự kiện lần này.

Chia sẻ của anh Đặng Tuấn Duy, chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC), đây có lẽ là lần nguyệt thực toàn phần ngắn nhất của thế kỷ 21.

#039;Nguyệt thực toàn phần#039; hay #039;trăng máu#039;, gọi thế nào cho đúng? - 2

Theo tìm hiểu, thuật ngữ “Trăng máu” (tiếng Anh là Blood Moon) có thể được dùng để nói về:

1. Hunter’s Moon (Trăng của người thợ săn)

Trong văn hóa dân gian của một số vùng miền ở phương Tây, mỗi lần trăng tròn đều có tên riêng. Mỗi tên đặc thù này thường có liên quan với các tháng trong năm, hay theo mùa. Một trong những tên nổi tiếng nhất là Hunter’s Moon, đây là lần trăng tròn ngay sau Harvest Moon, lần trăng tròn gần nhất với Thu phân trong năm.

Tại sao đôi khi Hunter’s Moon (Trăng của người thợ săn) lại được gọi là “Trăng máu”? Có lẽ bởi vì tại các vùng này nét đặc trưng của những lần trăng tròn trong mùa thu (ở Bắc bán cầu, có vĩ độ cao) là chúng xuất hiện gần như là tròn và mọc lên ngay sau khi mặt trời lặn, trong vài đêm liên tục. Tức là ngay sau khi mặt trời lặn ở thời điểm trăng tròn thì Mặt trăng luôn mọc ở ngay chân trời.

Nhiều người sẽ quan sát Mặt trăng ở thời điểm này, khi nó ở gần chân trời; chính hiệu ứng “ảo ảnh quang học” làm cho Mặt trăng dường như trông rất to, và có màu đỏ hay đỏ cam. (do gần chân trời nên ánh sáng tới từ Mặt trăng phải đi qua lớp không khí dày hơn so với khi nó ở đỉnh đầu, các ánh sáng màu khác bị bầu khí quyển tán xạ chỉ còn ánh sáng đỏ-cam tới được mắt người quan sát, do ánh sáng bước sóng càng ngắn thì bị tán xạ càng mạnh). Do đó mặt trăng có màu đỏ, một liên tưởng tới màu của máu, và “Trăng máu”.

Lần Nguyệt thực liền trước ngày 8/10/2014 thì Nguyệt thực toàn phần diễn ra trùng với Hunter’s Moon, do đó cái tên “Trăng máu” đã được dùng để gọi cho sự kiện này.

2. Mặt trăng khi xảy ra một Nguyệt thực toàn phần cụ thể hay Nguyệt thực toàn phần nói chung

Khi diễn ra Nguyệt thực toàn phần, Mặt trăng sẽ chuyển sang màu đỏ. Do đó thuật ngữ “Trăng máu” này cũng đôi khi được dùng để chỉ một lần Nguyệt thực toàn phần cụ thể hay Nguyệt thực toàn phần nói chung. Theo Earthsky, các tác giả về thiên văn thường gọi màu đỏ Mặt trăng khi Nguyệt thực toàn phần diễn ra là “đỏ máu- blood red”. Nguyệt thực toàn phần là một hiện tượng tự nhiên ấn tượng, mà trong tự nhiên thì không có màu đỏ nào ấn tượng bằng màu của máu. Do đó “đỏ máu” đôi khi được dùng trong “trăng màu đỏ máu” nhằm nhấn mạnh sự ấn tượng cho màu đỏ của Mặt trăng khi diễn ra Nguyệt thực toàn phần.

3. Các nhà khoa học hoàn toàn không rõ lý do vì sao trong thời gian gần đây rất nhiều người dùng thuật ngữ “Trăng máu” để chỉ 4 lần Nguyệt thực toàn phần liên tiếp (lunar tetrad), lần lượt diễn ra là 15/4/2014; 8/10/2014; 4/4/2015 và cuối cùng là 28/9/2015.

Định nghĩa về “lunar tetrad” như sau: là bốn lần Nguyệt thực toàn phần liên tiếp, mà giữa chúng không hề có một Nguyệt thực một phần nào, và mỗi lần cách nhau 6 lần trăng tròn. Có lẽ nguồn gốc của việc này là từ tôn giáo, theo đó, có 2 mục sư Cơ đốc giáo (Christian) là John Hagee và Mark Blitz đã dùng định nghĩa này gắn với thuật ngữ “Trăng máu”, chính Hagee đã góp phần phổ biến thuật ngữ này trong cuốn sách của ông năm 2013 (Four Blood Moons: Something Is About to Change).

#039;Nguyệt thực toàn phần#039; hay #039;trăng máu#039;, gọi thế nào cho đúng? - 3

Ảnh nguyệt thực toàn phần chụp vào ngày 8/10/2014 tại Illinois (Ảnh: Greg Lepper/Earthsky).

Theo 2 ông này, 4 lần nguyệt thực toàn phần liên tiếp là điềm báo cho lời tiên tri ghi trong Kinh thánh. Theo đó, Mặt trăng được cho rằng sẽ chuyển sang màu đỏ máu (và Mặt trời trở nên tối tăm) trước thời điểm tận thế diễn ra. Và “Trăng máu” được gán cho các lần trăng tròn trong 4 lần “nguyệt thực toàn phần” liên tiếp kể từ 2014 tới 2015.

Hoàn toàn không hề có cơ sở khoa học nào giữa định nghĩa về “lunar tetrad” với thuật ngữ Blood Moon và thời điểm tận thế. Do vậy, không thể khẳng định rằng “Trăng máu” đi đôi với bất kỳ lần Nguyệt thực toàn phần nào trong chuỗi 4 lần liên tiếp, hay có liên quan tới lễ “Vượt qua- Passover” hay “Lễ lều- Tabernacles” của người Do Thái.

Có lẽ do ảnh hưởng này, thuật ngữ “Trăng máu” được dùng chủ yếu để thu hút sự chú ý của người đọc mà thôi.

Như vậy, chúng ta hiểu được vì sao thuật ngữ “trăng máu” lại xuất hiện. Do đã nhấn mạnh ở trên, “Trăng máu” liên quan tới 4 lần nguyệt thực toàn phần liên tiếp không có cơ sở khoa học mà chỉ được lan truyền nhằm thu hút sự chú ý nhất định mà thôi. “Trăng máu” theo đó chủ yếu bắt nguồn từ màu đỏ của Mặt trăng khi diễn ra nguyệt thực toàn phần hay màu đỏ (cam) mà Mặt trăng có khi nó ở sát chân trời (ứng với Hunter’s moon), chứ bản chất không phải là bắt nguồn từ lời tiên tri. Nếu xét cả lời tiên tri trong Kinh thánh thì cũng là do “Mặt trăng chuyển sang màu đỏ máu trước thời điểm tận thế” mới có “Trăng máu”

Nguyệt thực toàn phần là một hiện tượng tự nhiên ấn tượng, mà trong tự nhiên thì không có màu đỏ nào ấn tượng bằng màu của máu. Do đó “đỏ máu” đôi khi được dùng trong “trăng màu đỏ máu” nhằm nhấn mạnh sự ấn tượng cho màu đỏ của Mặt trăng khi diễn ra Nguyệt thực toàn phần và là một tên gọi tạo ấn tượng cho sự kiện. Nhưng hãy tránh lạm dụng tên gọi này quá nhiều, hãy trả đúng tên là “Nguyệt thực toàn phần” cho sự kiện, và “Trăng máu” chỉ là một cách gọi “ấn tượng” khác đôi khi được dùng mà thôi", anh Đặng Tuấn Duy, chủ nhiệm HAAC bày tỏ.

Tào Nga
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hiện tượng thiên nhiên kỳ thú