Từ đống chai thủy tinh tưởng chừng vô giá trị, người phụ nữ này đã chế tác, tái chế chúng trở thành những tác phẩm vừa nghệ thuật vừa có thể sử dụng trong nhà.
Những năm gần đây, trào lưu “sống xanh, giảm nhựa” ngày càng được phổ biến rộng rãi hơn và được nhiều người ủng hộ. Rất nhiều thói quen tưởng chừng như khó bỏ nhưng với sự quyết tâm góp một phần sức nhỏ của mình, nhiều người dần hạn chế túi nilon, nói “không” với sự hoang phí không cần thiết và tích cực tái chế, tiết kiệm.
Rất nhiều ý tưởng tái chế những thứ tưởng chỉ có thể vứt đi trở thành những món đồ hữu dụng và mang dáng vẻ xinh đẹp không kém đồ mới. Điển hình chính là công việc tái chế chai lọ thủy tinh cũ thành rất nhiều vật dụng có ích trong gia đình.
Chị Nguyễn Diệu Thúy (SN 1980) hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội, có niềm đam mê bất tận với những món đồ thủy tinh. Chị Thúy bắt đầu làm đồ tái chế từ chai thủy tinh từ năm 2014. Khi ấy, chị chỉ đơn giản nhìn thấy chồng cắt chai thủy tinh ra làm lọ, thế là nảy ra ý tưởng vẽ màu lên cho thêm phần sinh động.
Lọ hoa do chị Thúy tự tay vẽ lên những chai thủy tinh vứt đi
Cặp lọ hoa khiến nhiều người mê mẩn này cũng là sản phẩm tái chế
“Ban đầu là chồng chị cắt chai thuỷ tinh làm lọ, chị lấy màu acrylic vẽ lên làm thành lọ cắm hoa, cốc đựng nến... Thấy đẹp nên chị đem những sản phẩm đó tặng người thân. Rất vui vì mọi người tỏ ra rất thích thú. Đúng thời gian đó, nhân dịp có hội chợ của học sinh, sinh viên, vợ chồng chị mang một số sản phẩm đi bày bán, nhiều người cũng rất thích và ủng hộ. Từ đó hai vợ chồng quyết định tìm hiểu kỹ hơn về cách cắt, mài chai thuỷ tinh. Chị thì tìm hiểu về màu vẽ chuyên dụng, các kiểu dáng, hình vẽ... Dần dần các sản phẩm được đa dạng và chất lượng hơn”.
Dàn đèn độc đáo, sáng tạo từ chai rượu vứt đi
Được biết, thông thường chị Diệu Thúy thu gom chai từ các nhà hàng, quán bia, sau đó về vệ sinh chai sạch sẽ. Tuỳ hình dáng, kích thước của chai mình cắt mà tạo dáng thành lọ hoa, chao đèn hay cốc uống nước...
Sau khi cắt tạo hình bằng máy cắt tự chế, chị Diệu Thúy bắt đầu trang trí những màu sắc, đường nét cho sản phẩm. Bằng sự khéo léo của mình, những chiếc đèn ngủ, đèn chùm hay lọ hoa của chị Thúy nhìn cực kỳ đẹp mắt và sáng tạo.
"Đĩa" hoa quả gọn gàng, sáng tạo
Những chiếc chai này còn có thể trồng cây nữa
Chị chia sẻ, bản thân rất thích và có duyên với đồ tái chế. Chị cũng đã thử qua rất nhiều loại chất liệu như: Giấy, gỗ, nhựa, chai thủy tinh, sỏi... Chị còn hướng dẫn nhiều người thử sức và tài khéo tay để làm ra những vật dụng hữu ích từ những thứ bỏ đi. Với những chai, lọ thủy tinh bạn có thể vẽ trang trí lên thành lọ hoa, ống cắm bút, bức vách ngăn phòng... Tìm những nơi có thể cắt chai để làm cốc uống nước, lọ hoa, chao đèn, chậu trồng cây... Nếu có lò nung, bạn có thể ép chai thành đĩa, khay đựng, đồng hồ treo tường. Màu vẽ thủy tinh các bạn có thể tìm ở cửa hàng họa phẩm.
Đối với các sản phẩm từ nhựa, mọi người có thể tái chế tương tự như thủy tinh nhưng dễ làm hơn rất nhiều. Dùng màu acrylic trang trí lên làm thành sản phẩm như lọ hoa, chao đèn, chậu trồng cây, đồ chơi rất xinh xắn.
Với những cành gỗ bỏ đi, mọi người có thể cưa, quét acrylic, dùng dây thừng buộc lại. Thêm đồ trang trí và bóng đèn là các bạn đã có một cây thông xinh xắn. Sau đó có thể kết hợp với thủy tinh hoặc nhựa để tạo thành đèn ngủ.
Những viên sỏi không biết dùng làm gì, thay vì vứt đi, bạn có thể dùng acrylic sơn màu và trang trí cho viên sỏi, gắn chúng thành tranh hoặc làm chặn giấy…
Sản phẩm được tái chế từ chai thủy tinh trông rất lạ mắt nhưng không kém phần nghệ thuật
“Hiện tại, môi trường sống của chúng ta đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Rác thải thuỷ tinh, nhựa... khó phân huỷ được thải ra môi trường với số lượng lớn và tràn lan. Xung quanh mình cũng đã có rất nhiều người quan tâm đến thực trạng này và họ dần có lối sống xanh, hạn chế sử dụng túi nilon, nhựa, và bắt đầu tập tái chế, tái sử dụng lại đồ vật...”, chị Thúy chia sẻ.
Bằng những hành động rất nhỏ, vợ chồng chị Diệu Thúy bắt đầu lan tỏa niềm yêu thích với đồ tái chế đến những người xung quanh.
“Vợ chồng mình cũng vậy, nói giải cứu trái đất thì nghe to lớn quá, chúng mình chỉ tìm cách tái sử dụng lại những đồ vật, tái chế, thêm công dụng và vòng đời cho những chiếc chai. Muốn tạo ra những sản phẩm sáng tạo từ vật dụng bỏ đi, thổi hồn bằng màu sắc, nghệ thuật vào sản phẩm. Mình thực sự mong muốn những sản phẩm này sẽ tới tay nhiều người, để mọi người có hứng thú, yêu thích những đồ vật tái chế, và họ cũng sẽ biết cách tái chế như mình”, chị nói thêm. Từ lúc làm đồ tái chế, chị Diệu Thúy được tiếp xúc, nghiên cứu nhiều hơn về những tác hại của túi nilon và tự hạn chế sử dụng loại túi này.
Chị Thúy còn sáng tạo trên những chiếc túi vải canvas để hạn chế dùng túi nilon
Lớp học nho nhỏ của chị Thúy và những bài học về tái chế
Chị Diệu Thúy có 1 xưởng vẽ nho nhỏ và ở nơi đây, chị thỏa thích mang niềm đam mê của mình truyền cảm hứng cho các em nhỏ đến với lớp học: “Mình đưa những câu chuyện tái chế chai nhựa, thuỷ tinh, giấy... vào bài học, hướng dẫn phương pháp biến những thứ bỏ đi thành đồ vật hữu ích mang tính thẩm mỹ. Mỗi lần được trải nghiệm với chất liệu mới, các bé rất hào hứng. Các sản phẩm được làm nên từ đồ tái chế cũng được các bạn nhỏ và phụ huynh quan tâm, thích thú”.