Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khoảng 40%-80% bệnh nhân ung thư có nguy cơ sụt cân và 30% chết vì suy kiệt trước khi chết vì bệnh ung thư.
Ung thư đang là căn bệnh “giết người” đứng thứ 2, chỉ sau bệnh tim mạch. Tuy nhiên, khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây ra hầu hết các căn bệnh ung thư hiện nay mà chỉ xác định được các yếu tố nguy cơ. Bởi vậy, việc trang bị những kiến thức phòng bệnh ung thư là vô cùng quan trọng. Nhằm giúp độc giả phòng, chống căn bệnh nguy hiểm này, chúng tôi đăng tải loạt bài viết về các căn bệnh ung thư hiện đang có nhiều người mắc nhất hiện nay. Mời quý độc giả đón đọc. >> Ăn mặn có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày >> Nơi bệnh nhân ung thư chỉ cần giảm đau, không mong khỏi bệnh >> Ung thư phổi gia tăng, số người mắc bệnh ngày càng trẻ hóa >> Ung thư không có nghĩa là “bản án tử hình” >> 'Không phải cứ ăn thực phẩm bẩn là mắc ngay bệnh ung thư' |
Đừng để bệnh nhân ung thư suy kiệt
Ung thư hiện nay đang là căn bệnh “giết người” đứng hàng thứ 2 chỉ sau bệnh tim mạch, và bất kể ai khi biết mình mắc căn bệnh này đều hoang mang, lo lắng và ngay trong đầu xuất hiện tư tưởng “cái chết” đã cận kề. Chính điều đó cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong quá trình điều trị.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sở dĩ số lượng người tử vong do mắc bệnh ung thư ở Việt Nam liên tục gia tăng là vì đa số người bệnh khi phát hiện ra bệnh ung thư đã ở giai đoạn muộn hoặc đã di căn, nên việc sử dụng các liệu pháp điều trị không còn nhiều tác dụng.
Từ đó, nhiều người bệnh đã rơi vào tâm lý “buông xuôi” dẫn đến nhiều hệ lụy đối với cơ thể, thậm chí nhiều bệnh nhân còn chết vì bị tâm lý, suy kiệt trước cả bệnh ung thư.
Theo đó, một kết quả nghiên cứu về bệnh nhân ung thư ở Việt Nam cho thấy, có khoảng 30% bệnh nhân ung thư chết vì… “đói”. Nghiên cứu chỉ ra, khoảng 40%-80% bệnh nhân ung thư có nguy cơ sụt cân và 30% chết vì suy kiệt trước khi chết vì ung thư.
Lý giải về thực trạng trên, các chuyên gia về ung biếu cho rằng, có tới hơn 50% bệnh nhân khi phát hiện bị ung thư đã đối mặt với chứng chán ăn, hay lo âu, buồn bã, cơ thể mệt mỏi nên không vượt qua được các liệu pháp điều trị.
Rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh ung thư bị suy kiệt vì tâm lý chán nản.
Bản thân các biện pháp phẫu trị, hóa trị, xạ trị cũng gây ra nhiều rối loạn dinh dưỡng của người bệnh. Nếu bị khối u ở đường tiêu hóa, bệnh nhân còn thấy đau, dạ dày bị chèn ép gây no sớm.
Ngoài ra, khối u còn tiết các hóa chất trung gian gây viêm, làm thay đổi môi trường hoá thần kinh tại não, ức chế cảm giác thèm ăn… Hậu quả là 50-90% bệnh nhân ung thư bị sụt cân nhanh, hơn 90% bệnh nhân giai đoạn cuối bị suy kiệt, không đáp ứng miễn dịch, điều trị.
Một vấn đề nữa cũng khiến việc các bệnh nhân nhanh chóng suy kiệt sức khỏe khi mắc bệnh ung thư đó chính là nghe theo những quan điểm phản khoa học. Không ít bệnh nhân cho rằng mắc bệnh ung thư không nên ăn thức ăn có nhiều đạm, thậm chí là hạn chế ăn cả cơm.
Bởi những loại thức ăn này sẽ là nguồn cung cấp dinh dưỡng để khối u phát triển thêm. Theo các chuyên gia, đây là quan điểm chưa được khoa học chứng minh. Việc sử dụng chế độ dinh dưỡng sao cho hợp lý với từng bệnh nhân, từng loại bệnh mắc phải phải tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Có như vậy thì người bệnh mới đủ sức để đáp ứng quá trình điều trị.
Cần kết hợp điều trị khoa học và tâm lý
Cũng liên quan đến vấn đề chăm sóc giảm đau cho các bệnh nhân ung thư, đặc biệt là bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, chia sẻ với phóng viên TS. Đoàn Lực – Trưởng khoa Chống đau (Bệnh viện K Trung ương) cho biết, việc người dân quan niệm ung thư giai đoạn cuối, di căn là “dấu chấm hết” là hết sức sai lầm.
“Có nhiều bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, nếu được chăm sóc giảm nhẹ tốt, được tư vấn về mặt tâm lý tốt từ phía các nhân viên y tế và gia đình thì việc kéo dài thời gian sống là điều hoàn toàn có thể”, TS Đoàn Lực cho biết.
Theo TS Lực, hiện nay có rất nhiều bệnh nhân khi thăm khám biết mình mắc ung thư giai đoạn cuối, nên sinh ra tâm lý chán nản, bỏ nhưng phương pháp điều trị khoa học, về quê “tìm thấy, tìm thợ” chạy chữa theo những phương pháp phản khoa học, nhưng cuối cùng vẫn phải quay lại bệnh viện vì bệnh không những không khỏi mà còn gây nên nhiều đau đớn.
Chăm sóc tâm lý và sự động viên của gia đình là "liều thuốc" vô giá đối với bệnh nhân ung thư.
“Để điều trị giảm đau cho các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, ngoài việc dùng nhiều liệu pháp khoa học điều trị kết hợp thì liệu pháp tâm lý cũng vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay việc dùng liệu pháp tâm lý đa số giao cho bộ phận điều dưỡng là chính. Đây chính là cái thiếu của chúng ta. Bởi, ở nước ngoài họ có hẳn một đội ngũ chuyên gia tâm lý, được đào tạo bài bản để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân”, TS Lực cho hay.
Cũng liên quan đến vấn đề này, GS Nguyễn Bá Đức – Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết, khi chăm sóc các bệnh nhân ung thư điều dưỡng, bác sĩ có thể dùng các liệu pháp tâm lý như: phổ biến những khía cạnh tích cực của bệnh tật và điều trị để giải thích cho bệnh nhân.
Ngoài ra có thể dùng hài hước để làm nhẹ tình hình căng thẳng của người bệnh. Đồng thời, chia sẻ tâm sự với thân nhân, bạn bè người bệnh để giảm sự lo lắng cho những người thân người bệnh…
“Nên nhớ rằng, người bệnh rất nhạy cảm và họ có rất nhiều thời gian để quan sát từng cử chỉ, lời ăn tiếng nói của các y tá, bác sĩ. Bệnh nhân ung thư thường rất tỉnh táo và sáng suốt theo dõi tình hình, nếu thầy thuốc không ý thức được điều này thì vệ chăm sóc dễ dàng bị thất bại”, GS Đức chia sẻ.