Bộ Tài chính cho hay, nhiều doanh nghiệp vận tải Hà Nội vẫn chây ì, chưa chịu giảm giá vé xe. Bộ yêu cầu các doanh nghiệp này cần chốt ngày giảm cước trước khi bước vào cao điểm vận tải hành khách Tết Nguyên đán 2015.
Hà Nội còn 3 doanh nghiệp chưa giảm giá
Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho hay, nhiều doanh nghiệp vận tải của Hà Nội và Hòa Bình đến nay vẫn chây ì, không chịu giảm giá vé xe phù hợp với mức giảm giá xăng thời gian vừa qua, gây rất nhiều bức xúc trong dư luận.
Cụ thể, tại bến xe Giáp Bát có khoảng 150 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách, trong đó có 10 doanh nghiệp của Hà Nội. Cục Quản lý giá cho hay, từ ngày 25/10/2014 đến nay đã có 53 doanh nghiệp đăng ký giảm giá với mức giảm từ 3 - 16%, có 8 doanh nghiệp đã đăng ký giảm giá lần thứ 2 với mức giảm từ 3,75 - 16,67%.
Đặc biệt, 3 doanh nghiệp vận tải của Hà Nội thực hiện kê khai giảm giá cước. Một số tuyến vận tải cố định như Hà Nội - Hồ Chí Minh và tuyến Thanh Hoá - Hà Nội đề nghị phụ thu tăng giá cước trong dịp Tết 2015 với mức tăng đề nghị từ 20-60% trong khoảng thời gian 20 ngày trước và sau Tết.
Còn tại bến xe Nước Ngầm, 32 trong tổng số 88 doanh nghiệp đã đăng ký giảmgiá vé xe với mức giảm từ 2 – 20%. Trong đó có 2 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Một số tuyến vận tải cố định (Hồ Chí Minh - Hà Nội và tuyến Quảng Ngãi - Hà Nội) đề nghị phụ thu tăng giá cước trong dịp Tết 2015 với mức tăng đề nghị là 40-60% trong khoảng thời gian 20 ngày trước và sau Tết.
Còn tại Hòa Bình, có 23 đơn vị vận tải bao gồm cả xe bus, taxi và chạy trên 115 đầu tuyến. Trong thời gian giá xăng dầu giảm mạnh, Sở Tài chính và Sở Giao thông Vận tải đã có các văn bản đề nghị các doanh nghiệp vận tải kê khai giảm giá.
Tuy nhiên, chỉ có 34 đầu tuyến cố định của 11/23 doanh nghiệp kê khai giảm giá. Mức giảm từ 4-20% tùy từng đầu tuyến.
Các doanh nghiệp còn lại chưa kê khai giảm giá. Theo Sở Tài chính Hòa Bình là do các doanh nghiệp này cho rằng chi phí đầu vào tăng cùng với các khó khăn về nhu cầu hành khách giảm trên các đầu tuyến địa phương nên chưa chịu giảm giá vé.
Ảnh minh họa
Như vậy, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn cho hay, tại Hà Nội và Hòa Bình vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc việc kê khai giảm giá cước phù hợp với giảm giá nhiên liệu, gây dư luận không tốt và ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Phải giảm trước thời gian cao điểm Tết
Giá dầu trên thị trường thế giới chỉ trong nửa cuối năm 2014 đã giảm từ 115 USD còn 44,2 USD/thùng, tức giảm tổng cộng hơn 60%, mức giảm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đến nay.
Còn trong nước, theo Bộ Tài chính, trong vòng nửa năm qua, giá xăng dầu bán lẻ đến tay người tiêu dùng cũng đã giảm tới gần 40%.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay, đối với các doanh nghiệp vận tải cố tình chây ì giảm giá cước tại các tỉnh thành trên, Bộ Tài chính đã đề nghị UBND Thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với Sở Giao thông Vận tải thực hiện quyết liệt các biện pháp yêu cầu các doanh nghiệp vận tải rà soát để có phương án giảm giá cước.
Việc kê khai giảm giá này phải thực hiện trước Tết Nguyên Đán Ất Mùi năm 2015. Đặc biệt, Bộ Tài chính nhấn mạnh, cần chốt ngày thực hiện sớm nhất và phải trước thời điểm cao điểm vận tải phục vụ Tết Nguyên Đán. Tên các doanh nghiệp chậm giảm giá cước sẽ bị công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các cơ quan trên xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế và quản lý tài chính.
Cũng trong lần kiểm tra này, ngoài giá vé xe vận tải hành khách, Bộ Tài chính cũng đề nghị các cơ quan liên quan cân nhắc việc bổ sung giá cước vận tải hàng hóa, bao gồm cả vận tải container vào danh mục dịch vụ kê khai giá. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, việc này nhằm kiểm soát có hiệu quả việc giảm giá cước vận tải hàng hóa phù hợp với biến động giảm giá nhiên liệu, đem lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế xã hội.
* Hà Nội đón Tết Nguyên đán trong mưa rét * Hà Nội chốt 31 điểm bắn pháo hoa dịp Tết Ất Mùi |