Nhiều dược sĩ 'bước qua' quy chế bán kháng sinh tràn lan

Ngày 16/11/2015 11:47 AM (GMT+7)

Đó là khẳng định của Ths.BS Cao Hưng Thái, Cục phó Cục khám chữa bệnh (Bộ Y tế), khi nói về tình trạng mua, bán kháng sinh tràn lan hiện nay.

Ngày 16/11, Bộ Y tế tổ chức buổi gặp mặt báo chí nhằm triển khai tuần lễ truyền thông về phòng chống kháng thuốc năm 2015. Theo đó, tuần lễ này sẽ diễn ra từ ngày 16 đến ngày 22/11 trên khắp cả nước. Đây cũng là sự kiện lần đầy tiên được tổ chức tại Việt Nam.

Theo Bộ Y tế, kháng thuốc hiện nay đang là vấn đề toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển, trên thế giới mỗi năm có hàng trăm người chết do kháng thuốc và phải chi phí tới hàng trăm tỷ USD vì vấn đề kháng thuốc. Chính vì lý do trên, WHO đã cho rằng, kháng kháng sinh là một mối đe dọa nghiêm trọng, thách thức đối với điều trị trong tương lai.

Các nhà chuyên môn cũng khẳng định việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết trong điều trị đối với người bệnh. Tuy nhiên, nếu sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn… sẽ gây nên tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt là kháng sinh để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng.

Với vai trò và ý nghĩa to lớn đối với người bệnh như vậy, Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra khẩu hiệu: “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa”, nhằm kêu gọi các nước cùng chung tay phòng chống kháng thuốc, trong đó có Việt Nam.

Nhiều dược sĩ bước qua quy chế bán kháng sinh tràn lan - 1

Trên thế giới mỗi năm có hàng trăm người chết do kháng thuốc và phải chi phí hàng trăm tỷ USD cho kháng thuốc (Ảnh minh họa)

Cũng liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, việc phát sinh ra kháng sinh đã làm thay đổi kỷ nguyên trong điều trị bệnh, hàng triệu người đã được chữa khỏi, đây được coi là “vũ khí” của bác sĩ trong điều trị bệnh.

Tuy nhiên, với những sự thay đổi đặc biệt là bệnh mới nổi nên việc lạm dụng kháng sinh đã khiến tình trạng kháng kháng sinh gia tăng. Vì thế, việc sử dụng kháng sinh cho từng loại bệnh, từng đối tượng cần phải cân nhắc, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng “nhờn” thuốc.

Việc tăng cường lạm dụng kháng sinh, không chỉ thực hiện trong các bệnh viện, cơ sở y tế mà còn phải thực hiện giám sát, thực hiện ở ngay các cơ sở chăn nuôi. “Đôi khi chúng ta vẫn nghe thấy có hàm lượng thuốc kháng sinh trong thực phẩm (tôm, gà, lợn)… đó cũng chính là một nguy cơ làm kháng kháng sinh ở con người”, PGS Khuê nói.

Theo Ths. Cao Hưng Thái – Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tình trạng kháng thuốc ngày càng trầm trọng đó là do nhận thức của người dân trong việc sử dụng kháng sinh. Chính vì thế, việc truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân là vô cùng quan trọng.

“Hiện nay, các quy chế sử dụng kháng sinh đã có quy định đầy đủ, theo đó nhà thuốc (dược sĩ) bán kháng sinh phải theo đơn bác sĩ. Tuy nhiên, người dân tự tiện mua kháng sinh vẫn diễn ra tràn lan, dẫn đến tình trạng kháng thuốc ngày càng trầm trọng.

Ở Việt Nam có khoảng hơn 30.000 cở sở hành nghề bán thuốc tư nhân, nên việc kiểm tra giám sát cũng là một thách thức đối với cơ quan chức năng. Ngoài ra, việc các dược sĩ “bước qua” quy chế vì lợi nhuận ngày càng nhiều, với lợi nhuận rất lớn. Nhưng nếu phát hiện thì việc xử phạt hành chính lại không đáng bao nhiêu”, Ths Hưng Thái nói.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự