Khí thải từ ôtô, xe máy là carbon monoxide (CO), cũng giống như đốt than củi, than tổ ong gây ngộ độc khí CO2. Người dân hít phải khí thải ô tô, xe máy trong nhà kín có thể dẫn đến tử vong.
Tối ngày 14.3, 18 người (gồm nhân viên và khách hàng) đang mua sắm tại siêu thị (đặt tại tầng hầm của tòa nhà) Big C The Garden, Hà Nội bỗng bị ngất xỉu, phải cấp cứu tại bệnh viện. Ông Đỗ Chí Hiếu, bác sĩ điều trị tại Khoa Cấp cứu - Bệnh viện 198, quận Cầu Giấy cho biết, nguyên nhân ban đầu dẫn đến nhiều người bị ngất xỉu là do bị ngạt khí.
Hít khí thải ở phòng kín nguy hiểm đến tính mạng
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS. Trần Hồng Côn, Bộ môn Công nghệ Hóa học - Khoa Hóa học - ĐHKHTN – ĐHQG cho hay, người dân hít phải khí thải ô tô, xe máy trong nhà kín có thể tử vong. Ông phân tích, khí thải từ ôtô, xe máy là carbon monoxide (CO) cũng giống như đốt than củi, than tổ ong gây ngộ độc khí CO2.
Nhân viên, khách hàng bị ngạt khí ngất xỉu ở siêu thị Big C The Garden, Hà Nội tối ngày 14.3
Khí thải ô tô, xe máy trong phòng chật hẹp lại đóng kín cửa, sẽ đốt hết khí oxy, sinh ra khí CO2 gây ngộ độc cho người. Trong khi đó, khí CO là khí độc thải ra do sự đốt cháy không hoàn toàn, không màu nên rất khó nhận biết, mọi người sẽ dần lịm đi mà không biết gì. Có những trường hợp, tự dưng thấy choáng nhưng cũng không thể dậy để mở cửa phòng, ngã vật xuống và lịm đi.
“Những trường hợp này không cấp cứu kịp thời, để thiếu oxy não lâu dẫn đến hôn mê, tử vong, nếu cứu được cũng sống đời sống thực vật do não bị tổn thương. Điển hình, vào tháng 9.2014, 12 người có mặt trong quán Karaoke đã bị ngạt khí, 9 người tử vong. Nguyên nhân dẫn đến tử vong của các nạn nhân được cho là ngạt khí CO từ máy phát điện để trong phòng hát karaoke”, PGS.TS. Trần Hồng Côn nói.
Theo ông, hít phải một lượng quá lớn CO sẽ dẫn tới thương tổn do giảm ôxy trong máu hay tổn thương hệ thần kinh cũng như có thể gây tử vong. Nồng độ chỉ khoảng 0,1% carbon monoxide trong không khí cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Triệu chứng ngộ độc CO thường nhức đầu, buồn nôn, khó thở rồi từ từ đi vào hôn mê. Nếu ngộ độc CO xảy ra khi đang ngủ say hoặc uống rượu say thì người bị ngộ độc sẽ hôn mê từ từ, ngưng thở và tử vong.
PGS.TS. Trần Hồng Côn khuyến cáo, người dân nên tránh tụ tập những nơi công cộng đông đúc như tầng hầm đậu xe. Ngoài ra, các tòa nhà phải thiết kế hệ thống thông gió, đảm bảo lượng oxy lưu thông.
Xây tầng hầm bắt buộc phải lắp đặt hệ thống thoát khí thải?
Kỹ sư Nguyễn Hữu Phú, người chuyên thiết kế, lắp đặt quạt thông gió ở tầng hầm nhà cao tầng cho hay, về nguyên tắc, khi xây dựng tầng hầm ở các nhà cao tầng đều phải lắp đặt hệ thống hút khí thải, thông gió. Nếu tầng hầm sâu hơn so với mặt đất, phải lắp đặt thêm hệ thống cấp khí tươi vào bên trong hầm. Tức là tại tầng hầm đó sẽ phải có hai hệ thống chạy song song, một hệ thống hút khí thải ở trong ra ngoài và một hệ thống lấy khí tươi ở ngoài vào.
“Khi xây dựng tầng hầm sâu hơn so với mặt đất, không khí, gió không thể xuống được. Do vậy, bắt buộc ở các tầng hầm của tòa nhà cao tầng phải lắp đặt hệ thống hút khí thải, cấp khí tươi từ ngoài vào để bổ sung o xi cho người dân thở. Nếu không lắp hai hệ thống này, người dân khi xuống hầm sẽ thấy ngộp thở, cảm giác buồn nôn, thậm chí có thể ngất xỉu”, anh Phú nói.
Kỹ sư Phú nhận định, có ba khả năng dẫn đến việc người dân bị ngạt khí và ngất xỉu ở siêu thị Big C The Garde tối ngày 14.3. Trong tòa nhà chỉ lắp đặt một hệ hút khí thải nên khi xảy ra sự cố, hệ thống này đã không hoạt động; nhân viên của tòa nhà đã không cắm điện kích hoạt hệ thống hút khí thải hoạt động; trong tòa nhà không được lắp đặt hệ thống hút khí thải ra ngoài.
Theo kỹ sư Phú, trước khi nghiệm thu một tòa nhà cao tầng (trong đó có sử dụng tầng hầm làm nơi để xe), công an, phòng cháy chữa cháy sở tại sẽ kiểm tra công tác an toàn cháy nổ, hệ thống hút khí thải của tầng hầm. Nếu như đơn vị quản lý tòa nhà không lắp đặt hệ thống trên sẽ bị phạt hoặc thậm chí bị yêu cầu ngừng không cho sử dụng.
Trong trường hợp, hệ thống thoát khí thải, thông gió được lắp đặt, sẽ được kết nối đồng bộ với hệ thống phòng cháy chữa cháy của tòa nhà. Khi xảy ra cháy nổ, chế độ tự động được tích hợp từ hệ thống phòng cháy chữa cháy sẽ hoạt động và hệ thống hút khí thải, khói ra ngoài sẽ hoạt động song song.
Ngoài ra, còn có hệ thống điều khiển bằng tay, trong trường hợp, hệ thống phòng cháy chữa cháy không hoạt động thì nhân viên sẽ nhấn nút, kích hoạt hệ thống hút khí thải hoạt động. Hệ thống hút khí thải sẽ hoạt động 24h/24h.