Thế giới năm 2015 đầy biến động với hàng loạt sự kiện chấn động như khủng bố tại Pháp, khủng hoảng người di cư, động đất tại Nepal...
1. Tấn công khủng bố liên hoàn ở Paris
Ngày 07/1, nước Pháp bàng hoàng khi 12 người thiệt mạng trong vụ khủng bố nhằm vào tạp chí châm biếm Charlie Hebdo, Paris.
Những người thiệt mạng bao gồm tổng biên tập tạp chí Charlie Hebdo, các họa sỹ tranh biếm họa, biên tập viên và một sĩ quan cảnh sát. Đây là vụ việc có nhiều người chết nhất ở nước này từ sau chiến tranh.
Thế giới cũng đã lên tiếng lên án kịch liệt vụ tấn công khủng bố, trong bối cảnh nước Pháp đã nâng báo động an ninh lên mức cao nhất.
10 tháng sau, cũng tại thủ đô Paris, 6 vụ khủng bố liên hoàn đã cướp đi sinh mạng của 130 người chỉ trong một đêm.
Tổng thống Francois Hollande sau đó tuyên bố tình trạng khẩn cấp, đóng cửa biên giới để ngăn những kẻ khủng bố có thể đến Pháp cũng như chặn đường tháo chạy ra nước ngoài của những kẻ đồng lõa đứng sau các vụ tấn công đẫm máu, nói rằng đây là vụ tấn công “chưa từng có tiền lệ” và “một ngày thực sự kinh hoàng”.
Nhiều người dân Paris bàng hoàng sau vụ xả súng kinh hoàng
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) lên tiếng nhận trách nhiệm dàn dựng và thực hiện các vụ tấn công khủng bố đẫm máu này.
Reuters dẫn tuyên bố của IS cho hay, các vụ tấn công nhắm vào Paris được dàn dựng để chứng tỏ rằng, Pháp sẽ luôn là mục tiêu bị khủng bố hàng đầu nếu nước này vẫn duy trì chính sách như hiện tại. Đây còn là hành động đáp trả việc Pháp "báng bổ nhà tiên tri của đạo Hồi" và không kích "trên lãnh thổ IS".
2. Khủng hoảng người di cư ở Châu Âu
Dòng người di cư từ các nước Trung Đông và Bắc Phi đến châu Âu đã có từ những năm trước, nhưng hiện tượng này tăng đột biến trong năm 2015 và trở thành cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến 2.
1 triệu người di cư và tị nạn từ các khu vực chiến sự và nghèo đói như Trung Đông, châu Phi đã đến châu Âu trong năm 2015. Trong số đó, hơn 970.000 người chọn tuyến đường biển nguy hiểm vượt qua Địa Trung Hải, còn khoảng 34.000 người khác chọn đường bộ từ Thổ Nhĩ Kỳ qua Bulgaria và Hy Lạp.
Bức ảnh thi thể em bé Syria như đang ngủ trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ gây chấn động cả thế giới về cuộc khủng hoảng di cư tới châu Âu.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khiến thế giới ngạc nhiên khi bất ngờ tuyên bố hoan nghênh tất cả người tị nạn Syria.
Bên cạnh Đức, Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng 9/2015 đã tuyên bố nhận thêm 10.000 dân tị nạn Syria vào năm 2016.
3. Máy bay Nga rơi tại Ai Cập khiến 224 người thiệt mạng
Chiếc máy bay Airbus A321 của Nga, cất cánh từ sân bay Sharm el-Sheikh đi St. Peterburg vào ngày 31-10, đã phát nổ và rơi tại bán đảo Sinai (Ai Cập) làm toàn bộ 224 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) ngày 17/11 xác nhận nguyên nhân vụ rơi máy bay A321 tại Ai Cập hôm 31/10 là do “hành động khủng bố”.
Mảnh vỡ của máy bay A321.
Theo đó, sau khi phân tích hành lý của hành khách cũng như các bộ phận của máy bay, các nhà điều tra đã phát hiện thấy dấu vết nổ trên xác máy bay, cho thấy nó đã bị tấn công khủng bố.
Đây không phải là lần đầu tiên nước Nga đối mặt với những tội ác khủng bố man rợ, thường không rõ lý do, như từng xảy ra trong vụ nổ tại nhà ga đường sắt Volgograd, cuối năm 2013", ông Aleksandr Bortnikov nói thêm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin lệnh cho các cơ quan an ninh Nga phải tìm ra bằng được và trừng trị những kẻ phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công máy bay tại Sinai.
4. Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 Nga
Hôm 24/11, Bộ Quốc phòng Nga cho biết máy bay chiến đấu Su-24 của nước này bị bắn rơi ở phía bắc Syria khiến hai phi công buộc phải nhảy dù để thoát thân.
Hình ảnh chiếc máy bay bay đâm vào ngọn đồi thuộc địa phận tỉnh Latakia
Giới chức quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết chiến đấu cơ F-16 bắn hạ máy bay chiến đấu Su-24 của Nga sau khi vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh lạnh, một thành viên của NATO bắn rơi máy bay Nga, chọc giận Moscow.
5. Động đất ở Nepal cướp đi sinh mạng gần 9.000 người
Trận động đất 7,8 độ richter ngày 25/4 lấy đi mạng sống của gần 9.000 người và làm bị thương hàng nghìn người khác. Một trận động đất 7,3 độ richter sau đó xảy ra vào ngày 12/5 và khoảng 265 cơn dư chấn tiếp tục xuất hiện trong một tháng sau động đất.
Khung cảnh hoang tàn ở Kathmandu sau trận động đất
Hơn nửa triệu tòa nhà đã bị phá hủy trong trận động đất ngày 25/4, các cơ quan cứu trợ cho biết họ vẫn chưa tiếp cận được một số người bị ảnh hưởng bởi thiên tai ở những nơi rất xa xôi hẻo lánh.
6. Quan hệ Mỹ - Cuba cải thiện sau hơn nửa thế kỷ
Ngày 17/12, chuông nhà thờ đã ngân vang ở thủ đô Havana, Cuba, đánh dấu một thời khắc lịch sử trọng đại – Cuba và Mỹ đã bắt đầu chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao sau hàng thập kỷ căng thẳng và lạnh nhạt.
Sau khi Chủ tịch Cuba Raul Castro thông báo tin tức này trên truyền hình, người dân đảo quốc Cuba đã đổ ra đường ăn mừng sự thay đổi lịch sử.
Người dân Cuba hân hoan với thông tin Mỹ-Cuba bắt đầu bình thường hóa quan hệ. Ảnh minh họa
Một người dân Cuba tên là Alexandro Perez cho biết: “Khi quan hệ hai nước tốt lên, lệnh cấm vận sẽ được dỡ bỏ, và đời sống của chúng tôi có thể được cải thiện, và giờ đây chúng tôi có thể có thêm nhiều thực phẩm, hàng hóa từ các nước khác”.
Còn tại Miami, Mỹ, nơi tập trung rất nhiều người Cuba lưu vong, phản ứng trước thông tin này cũng rất khác nhau. Cô gái trẻ Natalia Martinez, một trường hợp điển hình của người Cuba lớn lên tại Mỹ, thì cho rằng đây là một tín hiệu đầy tích cực cho quan hệ của hai nước.
Tuy nhiên Martinez cũng thừa nhận rằng trong cộng đồng người Mỹ gốc Cuba cũng có những người, đặc biệt là những người lớn tuổi, tỏ ra tức giận với động thái “làm lành” với Cuba của chính phủ Mỹ.
7. Đạt thỏa thuận lịch sử về biến đổi khí hậu
Sau thất bại tại hội nghị về biến đổi khí hậu tại Copenhagen năm 2009, tháng 12, gần 200 nước dự Hội nghị Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) tại Paris thông qua thỏa thuận nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cùng các đại biểu hoan nghênh Thỏa thuận Paris
Thỏa thuận Paris được coi là sự hợp tác quốc tế rộng rãi nhất từ trước tới nay và cũng là cơ hội để cứu hành tinh khi đặt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái đất không quá 2 độ C vào năm 2100 so với thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp.
Các nước phát triển cam kết chi tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm giúp các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, ứng phó biến đổi khí hậu.
8. Hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015
Ngày 31-12-2015 đã ghi dấu một bước ngoặt lịch sử trong tiến trình phát triển của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khi Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập.
sau gần 5 thập kỷ kể từ khi ra đời ngày 8-8-1967 với 5 thành viên sáng lập (Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines), ước mơ về một Cộng đồng hài hòa của các dân tộc Đông Nam Á với 10 quốc gia thành viên - nơi "sông núi không còn ngăn cách mà gắn kết chúng ta trong hợp tác và hữu nghị" - đã trở thành hiện thực.
9. Nổ hóa chất ở cảng Thiên Tân, Trung Quốc
Ngày 12/8, một vụ nổ kho hóa chất của Công ty Kho vận Quốc tế Thụy Hải, Thiên Tân, Trung Quốc đã khiến 123 người thiệt mạng, hơn 500 người bị thương, phá hủy nhiều tòa nhà lân cận và thiêu rụi hơn 1.000 chiếc ôtô.
Những cột khói bốc cao tại hiện trường xảy ra vụ nổ
Các vụ nổ xảy ra tại một nhà kho gần cảng, nơi được cho là kho dự trữ 'hàng hóa nguy hiểm' của công ty Ruihai International Logistics. Các quan chức thành phố Thiên Tân cho biết tất cả hồ sơ chứng từ của công ty đều bị thiêu rụi sau hai vụ nổ và khó có thể kết luận những hàng hóa độc hại nào được trữ trong nhà kho.
10. Trung Quốc phá giá nhân dân tệ
Tháng 8, Trung Quốc bất ngờ liên tiếp điều chỉnh tỷ giá nhân dân tệ so với đôla Mỹ. Quyết định này đã khiến thị trường tài chính thế giới “choáng váng”.