Tả người thân, tả con vật, đồ vật... là một trong những bài văn mà các bé tiểu học phải trải qua. Cũng từ đây, biết bao ông bố, bà mẹ đã rơi vào những tình huống "dở khóc dở cười" trong bài văn miêu tả của con.
Bài văn tả bố "xấu hết phần thiên hạ" của cô bé Nghệ An đạt điểm 10
Đầu năm nay, dân mạng được một phen trầm trồ về bài văn điểm 10 của một học sinh lớp 5. Không đi theo lối mòn của cách hành văn cũ kỹ, không theo khuôn mẫu, cô bé sử dụng góc nhìn hài hước, dí dỏm, cách miêu tả chân thật của mình để kể về bố theo cách vô cùng tự nhiên, thậm chí còn so sánh bố mình với bố người ta. Được biết bài văn này là của học sinh Anh Thư, sinh sống tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An.
Nguyên văn bài làm đạt điểm tối đa của em như sau:
Ai cũng bảo "người em yêu nhất là mẹ và người yêu mẹ nhất là em" nhưng em cho rằng điều đó không đúng. Người em yêu nhất là bố và bố là người yêu em nhất. Bố em là Nguyễn Kế Hiếu, 42 tuổi.
Bố em có dáng người thấp đậm, với cái bụng to khác bố người ta bụng thon 6 múi… Bố nhà người ta trán cao, hiểu biết rộng dài, bố em đây trán dô, siêu "lầy". Bố nhà người ta mắt ánh lên sự nghiêm nghị, bố em đây mỗi khi làm sai là mắt láo liên như quạ vào chuồng lợn. Bố nhà người ta môi bặm lại nghiêm túc, bố em miệng chỉ có cười suốt ngày.
Bố nhà người ta tài giỏi, độc lập, vợ con nể phục, bố em đây bị vợ mắng suốt ngày để rồi tối đến rủ em lên giường ngủ sớm, nhưng thực ra là hai bố con trùm chăn nói xấu mẹ. Bố nhà người ta được cấp dưới ngưỡng mộ, bố em đây làm tài xế, xe ôm cho các cô, các bác. Bố em còn thua xa bố nhà người ta.
Nhưng bố em sẵn sàng ký vào bản kiểm điểm của em mà không mách mẹ, sẵn sàng che giấu khuyết điểm của em, sẵn sàng nghe cuộc gọi phê bình của cô, sẵn sàng thức đến 3, 4 giờ sáng đợi em làm bài xong và đi ngủ, sẵn sàng ngồi bên em "cày" toán khó mấy tiếng đồng hồ, sẵn sàng thức dậy sớm mỗi sáng để gọi em dậy mặc dù bố còn thèm ngủ hơn em, sẵn sàng nhường cho em miếng trứng cá ngon lành mà bố rất thích, sẵn sàng cho em mượn iPad vào cuối tuần với lý do "cho nó giải trí thêm chút", sẵn sàng đánh xe đến lớp đón em cho dù phải bỏ một buổi họp quan trọng, sẵn sàng tấu hài với em, tán chuyện linh tinh cùng em để "giúp nó giảm stress.
Bố em rất khéo năn nỉ mẹ đừng đánh em, hoặc nhận tội thay để em không bị mẹ mắng. Mấy câu ấy thường chỉ là mấy câu như: "Khiếp sáng sớm đài đã hát dân ca, cải lương hay vọng cổ rồi à?", "Trời đánh còn tránh miếng ăn nhé!", "Ê, hình như có Giọng Hát Việt rồi kìa!",… đủ để nhắc khéo mẹ và em thoát nạn.
Nói thế thôi nhưng đối với em, một người bố như thế là tất cả rồi. Bố chả bao giờ khiến em buồn hay khóc. Bố luôn là anh hùng giải cứu em khỏi những trận lôi đình của mẹ, giúp em yêu Toán như xưa, giúp em đi học đúng giờ,…
Cảm ơn bố rất nhiều! Con chúc "Papa" luôn mạnh khỏe, sớm hết bệnh tiểu đường và sống lâu mãi với chúng con, "Papa" nhé!
Trong bài văn này, bé gái khiến ai đọc cũng cười bò vì những chi tiết tả bố "xấu hết phần thiên hạ", em không tả về một ông bố trong mơ cao ráo, điển trai, mà "vạch trần" bố có dáng người thấp đậm, bụng to, trán dô, siêu lầy... Không chỉ ngoại hình, mà tính cách của bố cũng được miêu tả vô cùng hài hước: "Bố em đây mỗi khi làm sai là mắt láo liên như quạ vào chuồng lợn".
Thế nhưng, ông bố này lại hết mực yêu thương con, ngay cả khi con có bị phê bình trên lớp cũng được ông bố giấu kín không nói với mẹ nửa lời. Bài văn này được cô giáo chấm 10 điểm và nhận "bão like" trên MXH sau khi chia sẻ. Nhiều cư dân mạng nhận xét bài văn không hoa mỹ, miêu tả rất thật nhưng lại hấp dẫn người đọc đến bất ngờ.
Bài văn lớp 4 nói xấu mẹ "ác như dì ghẻ, dữ như phù thủy"
Tháng 12/2020, một bà mẹ đã đăng tải bài tập làm văn do con trai học lớp 4 viết lên mạng xã hội. Bài tập làm văn này đã khiến cư dân mạng bật cười thích thú. Hiện nó đã nhận được hơn 13.000 like và rất nhiều bình luận.
Trong bài viết, em học sinh so sánh: "Mẹ là một đóa hoa hồng/ Mẹ là sư tử Hà Đông.
Mẹ của em năm nay ngoài 35 tuổi. Mẹ em xinh đằm thắm và rất thông minh. Câu hỏi về kiến thức nào mẹ em cũng giải quyết được.
Thế nhưng, mẹ em rất nghiêm khắc, có phần ghê gớm. Trong mắt em, mẹ em ác hơn dì ghẻ, dữ hơn cả mụ phù thủy và giống như sư tử sẵn sàng vồ em mỗi lần em phạm sai lầm. Sau này em thà FA còn hơn lấy một người vợ nghiêm khắc như mẹ, thế thì cuộc đời có mà chết.
Tuy nhiên, em rất yêu thương mẹ, vì đã chăm sóc và dạy dỗ em. Nếu được chọn lại, em vẫn chọn làm con của mẹ".
Chị Trương Quỳnh Phương (mẹ của bé) cho biết con trai chị khá bướng, thích bày tỏ quan điểm, chính kiến của bản thân, tự quyết định chứ không thích sự gò bó hay khuôn khổ đã lập sẵn.
"Lúc tôi đăng bài viết lên thì con trai không biết. Sau đó ông ngoại cháu có nói thì bé mới biết. Cháu chỉ bảo là con viết cho vui, mẹ đăng làm gì. Mẹ đăng thế này, con biết sống sao với cái tên Lê Gia Khánh - vì cháu có ký là Lê Gia Khánh", chị Phương cho hay.
Chị Phương cũng không ngờ bài viết thú vị của con lại nhận được nhiều like và bình luận như vậy bởi lúc đầu, bà mẹ này chỉ nghĩ bài viết hay và cách nhìn thú vị của con nên chia sẻ cho mọi người cùng đọc. "Con tôi nói sẽ miêu tả mẹ bằng ngôn ngữ thật chất. Tôi muốn chia sẻ một bài văn có phần già trước tuổi của con trai học lớp 4", người mẹ nói thêm.
Bé gái Sa Pa "Sở thích của bố là đánh bài"
Năm 2018, một ông bố ở Sapa đã chia sẻ bài văn tả bố của con gái học lớp 2. Theo đó, trong một buổi dạy con gái học anh có giao cho bé đề tài tả người thân. Con gái anh cặm cụi một hồi rồi mang đến cho anh bài văn tả người em yêu quý nhất - chính là bố (anh Quốc Thịnh). Thế nhưng, cầm bài văn của con gái trên tay và đọc đi đọc lại mấy lần anh Thịnh vẫn không hết buồn cười vì nó quá chân thật và hài hước.
"Em có một bố, bố em tên là Nguyễn Quốc Thịnh. Năm nay bố 35 tuổi. Bố em làm nghề bán thú y. Bố thường trêu mẹ và con với cả đánh bài. Bố thích nhất là hoa quả. Bố thường ngủ dậy lúc 7 giờ 60. Ở nhà bố thường nấu cơm, quét nhà, lau bàn. Sở thích của bố là: đánh bài, đi chơi, ăn cơm quán, ngủ. Bố không thích làm việc. Và em cũng hơi yêu bố".
Chia sẻ với PV, anh Thịnh cho biết anh làm việc ở rạm thú y huyện Sapa khá bận, chỉ dịp lễ, Tết mới chơi bài vui vui cùng bạn bè; buổi trưa không về nhà nên ăn cơm quán. Con gái anh thấy vậy nên tả tính xấu của bố là mê cờ bạc, thích ăn cơm ngoài. Cũng may con gái còn "vớt vát" lại cho bố được ít đức tính tốt như nấu cơm, quét nhà, lau bàn.
Nhiều cư dân mạng sau khi đọc xong dòng cuối của bài văn đã để lại những bình luận hài hước như: "Em cũng hơi yêu bố - tình cha con có vẻ toang rồi đấy!".
Bé lớp 3 tả mẹ "đang ngồi nghe quảng cáo về thuốc trị táo bón"
Mới đây nhất, chị Nguyễn Thị Phương Lan, giáo viên dạy Văn, Trường THCS Giảng Võ, Hà Nội, cũng rơi vào tình huống "ngượng chín mặt" vì chi tiết miêu tả khó đỡ trong bài làm văn của con gái lớp 3.
Bé lớp 3 tả mẹ nằm ngửi xem quảng cáo trị táo bón, ai đọc xong cũng bật cười
Với đề tài miêu tả mẹ trong những ngày nghỉ dạy học vì dịch COVID-19, bé gái lớp 3 tả mẹ ở nhà xem phim, cắm hoa nhưng lại chèn thêm chi tiết khiến ai đọc cũng bật cười: "Sáng nay, mẹ ăn xong và lôi ghế ra nằm ngửi hoa sen, nghe quảng cáo về thuốc trị táo bón. Thật là không liên quan thưa các bạn".
Chị Lan cho biết con gái chị tên ở nhà là Cốm, đang học lớp 3, ở nhà chị hay giao bài cho con viết văn theo đề tự chọn. Không chỉ bài văn này mà nhiều bài khác của Cốm cũng khiến mọi người trong nhà phải bật cười vì hài hước và thật thà.
Người mẹ tiết lộ không chỉ bài văn này mà nhiều bài khác của Cốm cũng khiến mọi người trong nhà phải bật cười vì hài hước và thật thà.
Chị giải thích: "Sáng hôm đó tôi vừa cắm hoa xong thì kéo ghế ngồi bật tivi nghe hát. Đang nghe giữa chừng thì có đoạn quảng cáo chèn vào, đó là đoạn quảng cáo về thuốc trị táo bọn. Tôi không ngờ con gái lại bê nguyên đoạn quảng cáo đó vào bài văn. Đọc xong tôi vừa thấy ngượng vừa phải bật cười".