Được đánh giá là người phụ nữ nết na, tài giỏi, biết cách ăn ở, có học thức lại sở hữu nhan sắc thuộc hàng đẹp nhất nhì Đông Dương, thế nhưng vị Hoàng Hậu cuối cùng của triều Nguyễn cũng gặp phải sự bất hòa trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu.
Trong lịch sử Việt Nam, Nam Phương Hoàng Hậu có lẽ là một trong những người phụ nữ để lại nhiều ấn tượng sâu sắc nhất. Nam Phương Hoàng Hậu là vợ chính thức đầu tiên của Vua Bảo Đại – vị Vua cuối cùng trong chế độ phong kiến của Việt Nam.
Nam Phương Hoàng Hậu tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, xuất thân trong một gia đình Công giáo giàu có ở Miền Nam. Bà không chỉ có nhan sắc mà còn là người có học thức, biết cách hành xử, lễ nghi, phép tắc được lòng mọi người. Những tưởng bậc Mẫu nghi thiên hạ ấy sẽ như ngọc không tì vết, thế nhưng trong mối quan hệ với mẹ chồng Đoan Huy Hoàng Thái hậu (Đức Từ cung), tình cảm chỉ là “bằng mặt mà không bằng lòng”.
Những tưởng bậc Mẫu nghi thiên hạ ấy sẽ như ngọc không tì vết, thế nhưng trong mối quan hệ với mẹ chồng Đoan Huy Hoàng Thái hậu (Đức Từ cung), tình cảm chỉ là “bằng mặt mà không bằng lòng”.
Cội nguồn của những mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu
Có lẽ, nguồn cơn của sự bất hòa giữa Nam Phương Hoàng Hậu và Đức Từ Cung bắt nguồn ngay từ khi bà chính thức được Vua Bảo Đại lựa chọn để kết hôn. Bởi lẽ, trước đó, Đức Từ Cung – mẹ ruột của Vua Bảo Đại đã chọn sẵn cho con trai mình một người con gái “chuẩn” truyền thống là cô Bạch Yến – một người xuất thân quý tộc, là người gia giáo, giữ đúng phép tắc lễ nghi cung đình. Thế nhưng Vua Bảo Đại lại vì yêu cô gái Thị Lan mà bất chấp cãi lời mẹ để cưới cô làm vợ.
Khi vua Bảo Đại tuyên bố muốn kết hôn với cô gái Nguyễn Hữu Thị Lan, cả Từ Cung Thái hậu và triều đình Nguyễn đều không đồng ý. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự phản đối đó, trong đó lý do lớn nhất chính là sự khác biệt về tôn giáo khi mà Thị Lan theo Công giáo còn Bảo Đại là người theo đạo Phật. Sự hiện diện của Thị Lan khiến người con trai duy nhất cãi lời mình đã tạo một vết xước không hề nhỏ trong mối quan hệ của Đức Từ Cung với người con dâu tài giỏi này.
Đức Từ Cung - mẹ chồng của Nam Phương Hoàng Hậu
Không chỉ khiến Vua Bảo Đại si mê, bất chấp cưới mình, cái cách mà Thị Lan đường đường chính chính bước lên ngôi vị cao người phụ nữ quyền lực nhất triều đình cũng khiến Đức Từ Cung phải “gai mắt”. Thuyền theo lái, gái theo chồng đã là một thông lệ quen thuộc của chế độ phong kiến, hơn nữa, Bảo Đại lại là bậc Quân vương chứ không phải người thường, ấy vậy mà Thị Lan lại dám đàng hoàng ra điều kiện với Vua một cách đầy “ngông cuồng”. Người con gái 20 tuổi ấy đã yêu cầu Vua phải đáp ứng những điều kiện này mới đồng ý cưới: tấn phong ngay Hoàng hậu, Bảo Đại phải phá bỏ tam cung lục viện, thực hiện chế độ một vợ một chồng, con trai nàng sinh ra phải được phong Thái tử.
Thử hỏi từ trước đến nay, có người phụ nữ nào dám ra điều kiện với hoàng đế, mà lại những điều kiện “trời long đất lở” chưa từng có như vậy không? Trước những yêu sách đó của nàng dâu tương lai, con trai Bảo Đại của Đức Từ Cung vẫn một mực nghe theo và chiều hết mọi mong muốn của vợ càng khiến bà khó lòng mà chấp nhận.
Đặt ra nhiều điều kiện, yêu cầu Vua Bảo Đại phải phong làm Hoàng Hậu ngay sau khi cưới đã khiến cho Nam Phương Hoàng Hậu không được lòng mẹ chồng
Trong câu chuyện này, chắc hẳn Đức Từ Cung cũng có một chút chạnh lòng khi so sánh mình với con dâu Nam Phương. Bởi lẽ năm xưa, bà chỉ là một cung nữ tầm thường đi hầu hạ cho Vua rồi may mắn được ân sủng, mang thai rồng. Thậm chí ngay cả khi đã mang long thai của Vua, bà vẫn còn bị mẹ chồng đánh đập dã man vì những nghi ngờ. Phải trải qua bao nhiêu khổ cực bà mới có thể bước lên vị trí quyền quý, cao sang ấy. Vậy mà giờ đây, con dâu lại có thể dễ dàng có được tất cả mọi thứ trong tư thế ngẩng cao đầu đầy kiêu hãnh. Bảo Đại còn cho phép vợ mình mặc trang phục màu vàng – vốn làm màu chỉ dành riêng cho Hoàng Đế. Điều đó hẳn cũng khiến trái tim của Đức Từ Cung không dễ chấp nhận.
Không chỉ có vậy, về xuất thân, Đức Từ Cung và Nam Phương Hoàng Hậu hoàn toàn trái ngược. Trong khi con dâu là một tiểu thư đài các, con nhà giàu có, được ăn học bài bản ở nước ngoài, giáo dục Tây Hóa thì bà Đức Từ Cung lại chỉ là con gái của một quan huyện bình thường, có cuộc sống vất vả, cực khổ từ bé. Khi lấy Bảo Đại, Nam Phương Hoàng Hậu được trao một số của hồi môn lớn, được vua ân sủng lại được người Pháp ủng hộ. Vị thế của Nam Phương Hoàng Hậu dường như vững chắc hơn Đức Từ Cung khiến bà cảm thấy mình bị lép vế. Vì thế mà khoảng cách giữa mẹ chồng – nàng dâu ngày càng xa hơn.
Khác biệt trong lối sống
Sự khác biệt về tôn giáo và hoàn cảnh xuất thân cũng như học thức đã tạo nên lối sống khác biệt hoàn toàn giữa Đức Từ Cung và Nam Phương Hoàng Hậu.
Đức Từ Cung là người theo đạo Phật và là người vô cùng khuôn thước. Cả đời bà sống ở Huế với quan điểm bất di bất dịch của người Huế là “có thể phụ người sống chứ không bao giờ phụ người chết”. Với Đức Từ Cung, chuyện thờ cúng tổ tiên, hương hỏa là nhiệm vụ tối thượng phải đặt lên hàng đầu của một người phụ nữ. Thế nhưng trái ngang là ở chỗ, con dâu Nam Phương – Hoàng Hậu của triều đình của bà lại là một người theo đạo Công giáo. Nàng không thắp hương, khấn bái, thờ cúng tổ tiên. Việc con dâu chính thất lại không thực hiện lễ nghi thờ cúng tổ tiên hương hỏa cho cả triều đình thực sự là một đả kích quá lớn với Đức Từ Cung. Sự ngược dòng trong lối sống này càng khiến cho cả hai không thể chung tiếng nói.
Dù nổi tiếng khéo léo, tinh tế trong giao tiếp, ứng xử nhưng mối quan hệ của Nam Phương Hoàng Hậu và mẹ chồng là Đức Từ Cung không thực sự tốt đẹp
Nam Phương theo học tại Pháp từ nhỏ, ảnh hưởng của lối sống phương Tây còn Đức Từ Cung lại là một người “đặc” truyền thống. Trong khi bà Từ Cung ra sức ủng hộ Bảo Đại lập thê, lập thiếp vì cho rằng đấng thiên tử nhiều vợ là chuyện thường tình thì Nam Phương Hoàng Hậu lại yêu cầu chồng bỏ tam cung lục viện, giữ chế độ 1 vợ 1 chồng. Hoàng hậu lại có tư tưởng tự do do ảnh hưởng Tây phương, nên không thể nói một câu, làm một việc nhỏ cũng phải đón ý mẹ chồng nên mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu cũng nhiều lần căng thẳng.
Mâu thuẫn từ việc nuôi dạy Thái tử bé
Khi Nam Phương Hoàng Hậu hạ sinh hoàng tử, người sẽ kế vị ngai vàng, với Đức Từ Cung đây là một sự kiện không thể nào vui hơn. Thời ấy, nước Việt, ngay cả trong gia đình thường dân thì cháu trai cũng là “bảo bối” và thuộc quyền của ông bà nội huống chi trong một gia đình vua chúa. Thế nhưng Nam Phương lại chủ động hướng con trai của mình theo một cách trái ngược với mẹ chồng nên Đức Từ Cung không thể nào chịu được.
Để cưới được Nam Phương, Bảo Đại đã cam kết cho bà giữ đạo Thiên Chúa. Và để Hoàng hậu không bị Vatican rút phép thông công vì lấy chồng ngoại đạo, ông cũng chấp nhận điều kiện của Tòa thánh: các con sinh ra sẽ rửa tội theo đạo của mẹ. Chính vì vậy, Hoàng tử Nguyễn Phúc Bảo Long đã chịu phép rửa tội và đặt tên thánh là Philippe, dĩ nhiên cái lễ “nhạy cảm” này được Hoàng hậu tổ chức lặng lẽ và kín đáo. Được mẹ “bồi dưỡng” mỗi ngày nên Hoàng Tử Bảo Long cũng chăm chỉ cầu nguyện, đọc kinh.
Để các con theo Công giáo, nói tiếng Pháp và nuôi dạy theo cách phương Tây là những điều khiến Nam Phương Hoàng Hậu không được lòng mẹ chồng
Hiểu được việc con trai là đích tôn của Hoàng Tộc, Nam Phương Hoàng Hậu cũng cố gắng chiều lòng mẹ chồng, thế nhưng Nam Phương đã cố gắng tránh cho con trai mình tham dự quá nhiều lễ nghi cổ truyền mang màu sắc đạo Phật. Điều này, bà Từ Cung hẳn cũng cảm nhận được tuy không có cớ bắt bẻ con dâu. Nhưng mâu thuẫn càng lớn hơn khi Thái hậu bắt cháu đeo những đạo bùa cầu an, trừ tà ở cổ tay mà Nam Phương Hoàng Hậu nhất quyết phản đối.
Không chỉ có vậy, Nam Phương Hoàng Hậu còn dạy con trai nói tiếng Pháp. Nàng cho rằng đó là ngôn ngữ phổ biến lúc bấy giờ và là “cầu nối” để con sau này dễ dàng thành đạt, giỏi giang hơn. Điều này thêm một lần nữa xoáy sâu vào hiềm khích giữa Nam Phương Hoàng Hậu và mẹ chồng bởi mỗi khi nàng nói tiếng Pháp cùng con, dạy bảo con thì Đức Từ Cung không thể nào hiểu nổi đang nói gì.
Bà Từ Cung vốn xuất thân không cao sang nên hẳn không thoải mái, dễ chịu gì trước việc nàng dâu hiểu nhiều biết rộng, tiếng Pháp “nói như gió”, có thể qua mặt bà trong việc dạy dỗ đứa cháu đích tôn. Là một mẹ chồng, một thái hậu, có toàn quyền trong hậu cung nhưng bà Từ Cung lại bất lực nhìn kẻ nối ngôi được giáo dục theo một đường hướng mà bà không mong muốn. Vì thế, tuy không công khai đả kích Nam Phương nhưng tình cảm mẹ chồng nàng dâu không thể nói là tốt đẹp, mâu thuẫn cứ ngấm ngầm phát triển.
Chính vì không hài lòng về nàng dâu trưởng nên Đức Từ Cung lại đặc biệt dành tình cảm cho “nhân tình” của con trai là Mộng Điệp. Mặc dù chế độ phi tần đã bị chính Bảo Đại bãi bỏ thế nhưng Thái Hậu vẫn coi Mộng Điệp như một thứ phi đích thực. Mộng Điệp chẳng những được Bảo Đại yêu quý, luôn về cận chăm sóc cho Bảo Đại, được ông ân sủng, sinh con cho nhà vua mà lại còn được rất được lòng mẹ chồng.
Đức Từ Cung Thái Hậu rất quý trọng Mộng Điệp - nhân tình của con trai. Bà coi Mộng Điệp là thứ phi dù không không hề có đám cưới chính thức
Mộng Điệp theo đạo Phật nên cùng chung quan điểm và lối sống với Đức Từ Cung. Cho dù đây là người vợ không cưới xin, không hôn thú, nhưng bà vẫn nghiễm nhiên coi Mộng Điệp là dâu, và tin tưởng giao cho việc thờ cúng tổ tiên nhà chồng. Bà Mộng Điệp cũng tâm niệm mình suốt đời là vợ của Bảo Đại nên đã làm việc đó một cách thành tâm, chu đáo nhất. Tình cảm giữa bà Từ Cung và Mộng Điệp rất tốt đẹp. Thái hậu thậm chí còn ban mũ áo cho “thứ phi” để thay mặt hoàng hậu Nam Phương trong các cuộc cúng tế, mà bà hoàng hậu theo Thiên Chúa giáo không muốn dính vào.
Tình cảm vợ chồng của Nam Phương Hoàng Hậu và Bảo Đại chỉ được những năm đầu hạnh phúc. Về sau, Cựu Hoàng bị cuốn vào cuộc tình với vô số những mỹ nhân khác. Chồng bội ước lời thế, lại cuộc sống với mẹ chồng cũng không êm ấm nên Nam Phương Hoàng Hậu sống trong cung với cảnh cô đơn, buồn tủi. Sau này Nam Phương Hoàng Hậu đưa các con sang Pháp và qua đời một mình trong sự lẻ loi.