Những sự cố về thang máy dẫn đến gây chết người đã được báo chí cảnh báo nhiều và dường như sau mỗi vụ việc, người ta lại mất cảnh giác và lơ là trong việc tìm hiểu các kỹ năng ứng biến khi đi thang máy.
Vụ việc nam sinh viên trường ĐH Hàng hải Hải Phòng tên Đào Yến Thanh (sinh năm 1997) bị rơi vào thang máy không cabin dẫn đến tử vong chiều 14/12 mới đây vẫn khiến nhiều người chưa hết bàng hoàng.
Theo một số sinh viên có mặt tại thời điểm xảy ra vụ việc ở trường ĐH Hàng hải, chiều hôm đó, sinh viên Đào Yến Thanh có vui đùa cùng một số bạn. Với thể trạng hơn 80 kg, trong lúc nô đùa, vô tình Yến Thanh bị trượt ngã xô vào cánh cửa thang máy ở hành lang khiến cánh cửa bật mở. Theo đà, Thanh rơi vào trong thang máy. Nhưng do lúc này, cabin của thang máy đang ở tầng trên nên Thanh đã bị rơi tự do từ khoang thang máy tầng 5 xuống đất. Được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng do chấn thương quá nặng, nạn nhân đã tử vong sau 3 tiếng cấp cứu tích cực.
Sự việc kinh hoàng trên một lần nữa nhắc nhở những người đi lại bằng phương tiện thang máy cần có kiến thức và những kỹ năng đối phó nhất định khi gặp phải những tình huống bất ngờ. Dưới đây là những tình huống bạn hay gặp phải nhất và cách ứng biến.
Những tình huống bất ngờ hay gặp phải
Có 4 tình huống bạn có thể gặp phải khi đi thang máy. Đó là:
- Thang máy bị mất điện: do chủ quan hoặc khách quan.
- Treo thang máy: thang máy ngưng hoạt động do hỏng hóc một trong số hàng trăm các thiết bị khác nhau cấu tạo thành.
- Mất kiểm soát về tốc độ: tốc độ trượt thang nhanh hơn bình thường.
- Thang máy rơi tự do: tình huống xấu nhất trong các sự cố thang máy thường gặp phải.
Cách ứng biến khi gặp sự cố
Hãy luôn nhớ nếu nắm vững các kỹ năng dưới đây, rất ít người phải bỏ mạng khi bị kẹt thang máy. Phần lớn họ đều thoát khỏi mà không hề xây xát gì. Vì thế, điều trước hết là bạn cần cố gắng hít thở sâu, suy nghĩ tích cực, kiểm soát được nỗi sợ hãi trong mình và giữ bình tĩnh để sáng suốt hành động:
1. Tuyệt đối không nghịch ngợm, nô đùa trước cửa thang máy, đặc biệt trong lúc chờ không đứng sát quá hoặc dựa dẫm vào cửa thang mà phải giữ một khoảng cách nhất định.
2. Không nên đi quá số lượng người/1 cabin theo khuyến cáo của nhà sản xuất ghi trên thang máy.
3. Khi đi thang máy có trẻ em cần ghi nhớ những điều sau:
- Luôn để mắt đến trẻ, không để trẻ đi một mình mà phải có người lớn đi kèm.
- Luôn nắm tay trẻ, không cho trẻ đứng gần cửa thang máy.
- Khi vào bên trong thang máy không cho trẻ dựa vào cửa thang máy.
- Không cho trẻ em bấm nghịch các nút điều khiển trong thang.
- Hướng dẫn cho trẻ lớn hơn cách sử dụng thang máy.
4. Tuyệt đối không tự tìm cách cạy cửa thang máy. Điều này chỉ khiến bạn gặp nguy hiểm hơn.
5. Thử nhấn nút mở cửa cabin trước hết để “cầu may” xem thang có tự mở được hay không. Lưu ý, không bấm quá nhiều nút và quá nhiều lần.
6. Khi không mở cửa được, hãy nhấn vào nút bấm “Intercom” hoặc “E-call” trên bảng cabin để báo hiệu với bộ phận kỹ thuật.
7. Với những thang máy hiện đại có hệ thống cứu hộ tự động Automatic Rescue Device (gọi tắt là ARD), thang sẽ trượt tiếp đến tầng gần nhất nhờ vào hệ thống tích điện để mở cửa và bạn có thể thoát ra ngoài.
8. Nếu hệ thống này không sẵn có hoặc đã hỏng, các nhân viên kỹ thuật sẽ dùng đến các biện pháp cứu hộ khác để tìm cách đưa bạn ra khỏi cabin trong thời gian sớm nhất. Lưu ý, trong lúc chờ cứu hộ, bạn có thể cảm thấy thang máy bị chuyển động đột ngột hoặc trượt mạnh do cứu hộ gạt càng thắng hoặc quay vô lăng. Điều này là bình thường và bạn không nên hoảng loạn.
9. Giữ liên lạc với bên ngoài để họ nắm được tình hình đang diễn ra. Trường hợp bạn không thể báo hiệu sự số bằng nút “Intercom” hoặc “E-call” hãy cố gắng đập cửa thang, kêu lớn tiếng để cầu cứu. Đồng thời cố gắng tìm số liên lạc của bộ phận kỹ thuật trên bàn phím trong cabin để thông báo.
10. Trong thời gian chờ đợi, không nên cố gắng thoát thân bằng cửa thoát hiểm ở nóc cabin.
11. Khi thang máy rơi tự do hãy lập tức nằm song song với mặt sàn ở vị trí chính giữa, đồng thời, kê một tay gối đầu, một tay che mặt để giảm thiểu tối đa thương tích. Trong trường hợp này khi bạn ở trong cabin sẽ là nơi an toàn nhất cho bạn.
12. Cuối cùng hãy luôn chuẩn bị tâm thế mọi chuyện có thể xảy ra, nhất là với hoạt động của máy móc. Chuẩn bị cho mình kỹ năng sống khi làm việc, đi lại và sinh sống nơi những tòa nhà cao tầng hiện đại sẽ giúp bạn tránh được tối đa sự cố đáng tiếc.