Những bị cáo trẻ hối lỗi muộn màng

Ngày 09/05/2015 16:28 PM (GMT+7)

Họ đều là những phụ nữ trẻ, vì thiếu hiểu biết, thiếu kiềm chế mà vướng vào vòng lao lý, để lại gánh nặng cho gia đình và người thân.

Hôm đó, phòng xử phúc thẩm của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM vắng lặng, chỉ có tiếng thút thít của bị cáo, tiếng thở dài của người thân... Khi HĐXX bước ra, nước mắt tuôn trào từ hốc mắt bị cáo càng nhiều, như sự hối hận suốt 1 năm qua.

Nông cạn, cả tin

Hai vợ chồng bị cáo T.T.N.T (SN 1981) công tác ở một trường THCS thuộc tỉnh Long An. Chồng làm giáo viên, T. là nhân viên văn thư kiêm thủ quỹ. Gia đình T. tuy không giàu nhưng cuộc sống bình yên, ổn định. Đột nhiên, tháng 3-2013, T. bỏ nhà đi mà không nói cho ai biết.

Đến tháng 8-2013, T. trở về nhưng không đi làm mà thường xuyên nằm điều trị tại nhiều bệnh viện ở Long An và TP HCM. Sau khi kiểm kê lại ngân quỹ của trường học T. công tác, cơ quan chức năng phát hiện T. đã “thụt” két hơn 300 triệu đồng. Nhà trường và anh N.N.V - chồng của T. - cũng phát hiện 32.750 tờ vé số được T. cất giữ trong két sắt và ở nhà.

Đọc xong bản án sơ thẩm, chủ tọa phiên tòa ôn tồn hỏi: “Bị cáo dùng hơn 300 triệu đồng để mua hết vé số, đúng không? Có trúng lần nào không?”. Giọng T. lí nhí: “Dạ đúng, ngày nào bị cáo cũng bỏ vài triệu đồng mua vé số nhưng đều không trúng”. Vị chủ tọa tiếp tục: “Tại sao bị cáo lại làm thế?”. Giọng T. càng run hơn: “Bị cáo bị người ta xúi giục, càng mua càng mong trúng số tiền lớn để đổi đời, bù vào khoản thâm hụt ngân quỹ. Bị cáo hối hận lắm”. Nói xong, T. cúi gằm mặt, 2 vai rũ xuống.

Những bị cáo trẻ hối lỗi muộn màng - 1

Dù bị cáo H.T.N.M có ăn năn hối cải thế nào đi chăng nữa thì tất cả đã quá muộn

Giờ nghị án, T. không dám quay xuống nhìn mặt cha và chồng. HĐXX tuyên y án sơ thẩm 8 năm tù đối với T. về tội danh “Tham ô tài sản”. Bày tỏ thái độ tiếc nuối cho bị cáo và gia đình nhưng chủ tọa phiên tòa vẫn nghiêm khắc: “Nếu chăm chỉ cập nhật kiến thức xã hội, pháp luật thì dù bị xúi giục, bị cáo cũng không làm ra chuyện đáng tiếc này. Chính sự nông cạn, cả tin đã khiến bị cáo tự đẩy mình vào cảnh tù tội, phá hủy hạnh phúc gia đình. Chồng bị cáo cũng gánh một phần trách nhiệm khi chưa quan tâm đến tâm tư và công việc của vợ. Sự việc phát hiện ra đã không thể vãn hồi”.

Kết thúc phiên tòa, tiếng khóc của T. vang lên suốt hành lang. Người chồng cứ ngồi thẫn thờ, không dám nhìn ai trong phòng xử. Người cha tóc bạc trắng lật đật cất bước theo con gái ra xe dẫn giải.

Giá như biết kiềm chế…

Cách đây không lâu, TAND TP HCM xét xử và tuyên phạt H.T.N.M (SN 1980; ngụ quận 11, TP HCM) 9 năm tù giam về tội “Giết người”. Ngoài ra, bị cáo phải bồi thường cho gia đình nạn nhân hơn 150 triệu đồng, chu cấp cho con trai nạn nhân 500.000 đồng/tháng.

M. và anh T. chung sống như vợ chồng dù anh T. có vợ và con trai ở quê. Mâu thuẫn nảy sinh khi anh T. thường xuyên liên lạc qua điện thoại với gia đình, nhậu nhẹt. Cùng thời điểm này, chị H. - vợ anh T. - nghe tin chồng cặp bồ đã lặn lội vào TP HCM để tìm hiểu sự việc.

Chị H. cho biết M. hay ghen tuông, tức tối khi anh T. liên lạc với gia đình, sắm đồ cho con. Hai người thường xuyên cự cãi vì anh T. hay say xỉn. Ngày 31-7-2014, tại phòng trọ ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP HCM, M. và T. xảy ra mâu thuẫn, cãi nhau khi anh và bạn nhậu trong phòng. Do bị hành hung, thách thức nên M. cầm dao đâm một nhát trúng ngực trái của T., khiến anh tử vong trên đường đến bệnh viện.

Tự bào chữa tại phiên tòa, bị cáo M. một mực khẳng định mình chỉ vô ý đâm anh T. trong lúc xô xát, cãi cọ. “Thường xuyên bị đánh đập, uất ức tích tụ lâu ngày nên bị cáo không kiềm chế nổi bản thân” - M. phân trần.

Đại diện VKSND phản bác: “Dùng dao đâm vào cơ thể khiến nạn nhân tử vong không thể nào gọi là vô ý. Tại sao 2 người ngày nào cũng cãi nhau, đánh nhau mà vẫn sống chung?”. M. nức nở: “Bị cáo nhiều lần bỏ đi nhưng bị anh T. thuyết phục rồi lại quay về”.

Đại diện VKSND tiếp lời: “Quyền quyết định là ở mỗi người. Bị cáo còn trẻ, còn có nhiều chọn lựa khác. Nếu bị cáo kiên quyết thì không ai có thể thuyết phục, kết quả đáng tiếc hôm nay cũng không xảy ra”.

Như tỉnh ngộ, M. khóc nức nở, khoanh tay trước ngực, cúi mặt thở dài. Không rõ M. hối hận vì không giải quyết dứt điểm với anh T. hay vì mình nóng nảy, thiếu kiềm chế rồi gây ra hậu quả đau lòng này.

Dù M. có ăn năn hối cải thế nào đi chăng nữa thì tất cả đã quá muộn. Bản án đã tuyên, chị H. giờ phải côi cút gồng gánh gia đình, con anh T. vĩnh viễn mất cha, còn 2 con nhỏ của M. không biết bao giờ mới gặp lại mẹ...

Theo HỒNG NHUNG
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan